Sự kiện năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên APEC đặt ra mục tiêu toàn diện cho các vấn đề môi trường và khí hậu khi thông qua Các Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG). Trong bối cảnh quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu đối mặt với cùng lúc nhiều thách thức như lạm phát leo thang, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, tuyên bố chung của APEC chính là thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương, hướng tới tương lai phát triển bền vững và toàn diện hậu đại dịch.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các cuộc khủng hoảng đang đẩy thế giới đến điểm giới hạn và sự vươn lên của châu Á sẽ trở thành đầu tàu tăng trưởng nhờ hoạt động thương mại dựa trên quy tắc chung và luật lệ quốc tế. Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu New Inclusive Asia của Malaysia nhấn mạnh các nền tảng đa phương, trong đó có APEC, là cơ chế quan trọng có thể góp phần định hình lại trật tự thế giới, hướng đến mô hình công bằng hơn, thúc đẩy luật lệ và quy tắc quốc tế để thích ứng với thay đổi qua thời gian. Vì vậy, với việc lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau mấy năm gián đoạn, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề giá năng lượng và lương thực tăng cao, cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Sau các cuộc thảo luận thẳng thắn, vượt lên trên mọi bất đồng về chính trị và khác biệt về kinh tế, APEC đã thông qua Tuyên bố chung gồm 23 điểm, tái khẳng định cam kết hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya của APEC về một “Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người và các thế hệ tương lai”, tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm củng cố vai trò dẫn dắt và vị thế của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương, là vườn ươm ý tưởng hiện đại, hiệu quả và năng suất. Hợp tác của APEC sẽ đóng góp vào các giải pháp thiết thực cho các thách thức chung và bổ trợ cho các nỗ lực toàn cầu, trong đó có Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững.
Với mong muốn tăng cường hội nhập kinh tế, hợp tác cùng giải quyết khó khăn hiện tại, các giải pháp được đưa ra tập trung vào 3 trụ cột chính cũng là chủ đề của APEC 2022 là “Mở - Kết nối - Cân bằng”, theo đó APEC hướng tới việc mở cửa với mọi cơ hội, kết nối trên mọi phương diện và cân bằng mọi khía cạnh để phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn. Để thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, APEC đã chuẩn bị một kế hoạch công tác nhiều năm để tiếp tục đối thoại về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, bao trùm; mở cửa thị trường, tạo một sân chơi công bằng thông qua cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); gia tăng tỷ trọng dịch vụ của APEC trong thương mại dịch vụ toàn cầu. Nhằm tăng cường kết nối khu vực, APEC đã điều chỉnh các nội dung về du lịch xuyên biên giới xuyên suốt và an toàn để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Để hướng tới mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã thông qua “Các mục tiêu Bangkok” về mô hình kinh tế BCG để đặt nền móng và hệ thống để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực một cách toàn diện, bền vững và thân thiện môi trường; đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình kinh tế số; ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững. Đây là lần đầu tiên APEC thảo luận về giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư bền vững, bảo tồn tài nguyên môi trường và quản lý chất thải. Tuyên bố chung này đã phản ánh những nội dung hoạt động của APEC 2022 trong suốt một năm qua với khái niệm BCG được coi như một động lực thúc đẩy hướng tới những kết quả thực chất. Việc thông qua tuyên bố chung này đã phản ánh xu hướng hợp tác vượt ra ngoài các vấn đề thương mại, đầu tư truyền thống, hướng đến sự cân bằng, bao trùm của APEC.
Đáng chú ý, hội nghị lần này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc kết nối APEC với các đối tác và các diễn đàn khu vực khác khi có sự hiện diện của 2 khách mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Việc lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu và Trung Đông tham dự Hội nghị APEC đã phản ánh nội hàm của chủ đề “Mở - Kết nối - Cân bằng".
Là thành viên tích cực của APEC, Việt Nam đã chủ động chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và đề xuất hướng đi để hợp tác APEC đóng góp hiệu quả hơn vào giải quyết các thách thức chung của khu vực, vì lợi ích chung của tất cả thành viên. Tham dự hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC tập trung bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử; gắn kết thương mại, đầu tư với các Mục tiêu phát triển bền vững 2030; thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số. Trong vấn đề nguồn nhân lực, Việt Nam đề xuất APEC cần hỗ trợ các thành viên xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đào tạo lại và tạo cơ hội việc làm cho người lao động bị đào thải do thay đổi công nghệ, thị trường.
Trong phiên thảo luận về “tăng trưởng bền vững, bao trùm và cân bằng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định châu Á - Thái Bình Dương bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công. Theo đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số yếu tố “cân bằng” trong hợp tác gồm: thứ nhất, cần coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội; và cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực. Mục tiêu là chung, nhưng các biện pháp cụ thể phải được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của mỗi nơi. Thứ hai, cần cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế để vừa phát huy nội lực, phát huy lợi thế so sánh vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan toả giữa các vùng miền. Thứ ba, cần cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao về kinh tế nhưng giảm thiểu tác động, xáo trộn đến an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng.
Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, Việt Nam đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận. Đây là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của hội nghị.
Có thể thấy Tuyên bố chung của hội nghị đã thể hiện được mong muốn của 21 nền kinh tế thành viên vượt qua những khác biệt, tìm tiếng nói chung, hợp tác thúc đẩy APEC mở cửa với mọi cơ hội, kết nối trên mọi phương diện và cân bằng mọi khía cạnh để phục hồi và tăng trưởng. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những tác động to lớn cả về kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19, cùng những mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, thành công của chủ nhà Thái Lan và sự đồng lòng của các thành viên đã giúp APEC hướng đến về một tầm nhìn xa hơn không chỉ gói gọn trong việc phục hồi sau đại dịch mà còn hướng tới trẻ hóa và phục hồi môi trường, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo tăng trưởng một cách toàn diện và bền vững.