Tại sao hòa đàm bí mật giữa Mỹ và Taliban sụp đổ?

Hòa đàm với lực lượng Taliban là một bước chuyển chiến lược của Mỹ nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc chiến tại Ápganixtan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán bí mật giữa chính phủ Mỹ với Taliban tới nay không mang lại kết quả. Tờ "Điện tín" (Anh) ngày 11/8 dẫn nguồn tin độc quyền từ các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng các cuộc hòa đàm bí mật này đã sụp đổ do thông tin bị rò rỉ.

Tuyệt đối bảo mật là điều kiện tiên quyết cho các cuộc họp được tổ chức tại Đức và Cata hồi đầu năm nay giữa Tayeb Agha, cựu trợ lý riêng của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar, với các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Cuộc đàm phán đổ vỡ ngay giai đoạn "trứng nước" đã làm nảy sinh những cáo buộc rằng chi tiết của các cuộc họp và thông tin cá nhân về trưởng đoàn đàm phán của Taliban đã bị một số nhân vật trong chính phủ Ápganixtan cố ý tiết lộ cho báo giới.

Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, Mỹ coi các cuộc đàm phán với Taliban là "bài diễn tập sơ bộ" nhằm tìm kiếm một sự đồng thuận với các biện pháp xây dựng lòng tin để thuyết phục Taliban rằng Mỹ và các đồng minh thực sự coi trọng sự ổn định thông qua đàm phán. Tuy nhiên, về phía Taliban, các nhà lãnh đạo lực lượng này đã rất lo lắng về việc tham gia các cuộc đàm phán vì các chỉ huy Taliban cho rằng mục tiêu kêu gọi đàm phán của Mỹ là nhằm chia rẽ Taliban và bất kỳ một sự hòa đàm nào cũng sẽ làm tổn hại tới uy tín của Taliban.

Các thông tin về hai phiên hòa đàm đầu tiên được tổ chức tại Đức và Cata ngay sau đó đã bị rò rỉ trên tờ "Bưu điện Oasinhtơn" của Mỹ và Tạp chí "Der Spiegel" của Đức, trong đó khẳng định Tayeb Agha là nhân vật chủ chốt của phía Taliban tham gia đàm phán. Theo các nguồn tin ngoại giao và những nhân vật gần gũi với các cuộc đàm phán, kể từ đó, Tayeb Agha đã "biến mất" và các quan chức Mỹ không thể liên lạc với nhân vật này thông qua các nhân vật trung gian tại tỉnh Quetta và Peshawar ở Pakixtan, nơi được cho là chỗ ở của Tayeb Agha.

Trên tờ "Điện tín", một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán nói: "Các cuộc đàm phán là một thương vụ rất lớn, là một vấn đề rất thực. Tôi hy vọng mọi người sẽ rút ra bài học về tầm quan trọng của sự bảo mật trong giai đoạn đầu. Các quan chức Mỹ đã rất lo ngại về những gì đã xảy ra". Các nguồn tin của tờ "Điện tín" ở Cabun cũng xác nhận rằng các cuộc đàm phán có vẻ như đã tan vỡ do thông tin bị công khai trên báo chí.

Sau nhiều năm Taliban từ chối những đề nghị thương lượng của Tổng thống Hamid Karzai, thông tin về việc liên hệ với một phụ tá cao cấp của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar đã nhen nhóm hy vọng cho Ápganixtan. Theo tờ "Điện tín", Abdul Hakim Mujahid - phái viên của Taliban trước đây tại Liên hợp quốc và hiện là thành viên Hội đồng Hòa bình của ông Karzai - hồi tháng 6/2011 đã nói rằng các mối liên hệ này là rất "hữu ích". Ông cho biết: "Tayeb Agha vẫn rất gần gũi với Mullah Mohammad Omar, đó là một dấu hiệu tốt. Không chỉ gần gũi với Mullah Omar mà còn gần gũi với Pakixtan".

Các quan chức Mỹ đã hiểu sự cần thiết về bảo mật toàn diện, nhưng vẫn cho rằng chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai cần được biết thông tin về diễn biến của các cuộc hòa đàm. Michael Semple, từng là phó đại diện của Liên minh châu Âu tại Cabun và một chuyên gia hàng đầu về Taliban, nói rằng việc tiết lộ nội dung các cuộc đàm phán cũng như danh tính của Tayeb Agha được những phần tử nổi loạn cho là vô cùng nguy hại. Michael Semple nói: "Taliban từ lâu đã tuyên bố rằng họ sẽ đánh bật lực lượng nước ngoài trước khi tính toán tới việc đàm phán. Họ cần một khoảng thời gian tiếp xúc bí mật để xác định rằng liệu có cái gì đó nghiêm túc trong những đề nghị của phía Mỹ hay không. Việc này là để đảm bảo cho họ có thể tiến một bước đi lớn trong việc xác định rằng cuộc đàm phán cần phải bắt đầu ngay bây giờ, chứ không phải sau khi mọi thứ đã được giải quyết trên chiến trường".

Ông Michael Semple cũng cho biết khi các cuộc đàm phán và danh tính của phái viên phía Taliban bị tiết lộ, phía Taliban đã chuyển sang hướng khác. Giới lãnh đạo Taliban tuyên bố rằng các cuộc tiếp xúc không có gì đặc biệt, chỉ là thảo luận thông thường về việc trao đổi tù binh vốn vẫn diễn ra định kỳ giữa Mỹ và Taliban. Ông Michael Semple kết luận: "Không có gì ngạc nhiên khi Taliban chọn phương án hạ thấp tầm quan trọng về nhiệm vụ của Tayeb Agha. Xét về sự tiến triển của các cuộc đàm phán, có thể thấy rằng các bên đã tiến được một bước, nhưng lại lùi hai bước".

Lê Dương (P/v TTXVN tại Luân Đôn)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN