Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa đã sống sót sau vụ ám sát tại một cuộc mít tinh ở Pennsylvania vào cuối tuần qua. Các nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công có thể tạo ra sự đồng cảm và phiếu bầu cho ông Trump, khiến đảng Dân chủ càng thêm bất lợi.
Rõ ràng, tác động của vụ ám sát có thể lan rộng vượt xa Pennsylvania, thậm chí là toàn nước Mỹ. Bất kể động cơ đằng sau vụ ám sát là gì, nhiều nhà phân tích chính trị hiện tin rằng sự kiện này có thể sẽ củng cố cơ hội chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Oubai Shahbandar, nhà phân tích quốc phòng và cựu cố vấn Trung Đông của Lầu Năm Góc, nói với tờ Arab News: “Hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ với vết máu trên mặt, giơ nắm đấm lên và hét lớn 'chiến đấu! chiến đấu!' trước đám đông reo hò không gì khác ngoài biểu tượng lịch sử. Điều này chắc chắn sẽ gây được tiếng vang với những cử tri đối lập với sự thờ ơ rõ ràng liên quan đến việc bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Biden”.
Trong khi đó, cơ hội của Tổng thống Biden cũng đã bị suy yếu sau cuộc tranh luận tổng thống ngày 27/6 vừa qua. Một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College cho thấy sau cuộc tranh luận, ông Trump đã dẫn trước Tổng thống Biden 6 điểm phần trăm trong số những cử tri đã đăng ký.
“Vụ ám sát nhằm vào cựu Tổng thống Trump thực tế đã ảnh hưởng đến tương lai chính trị và cuộc đua tranh cử của Tổng thống Biden. Đảng Dân chủ sẽ ở trong một vị thế rất khó khăn phía trước. Ông Trump sẽ nhận được rất nhiều sự đồng cảm”, Firas Maksad, Giám đốc cấp cao về tiếp cận chiến lược tại Viện Trung Đông, nói với Arab News.
Chuyên gia trên lưu ý thêm: “Sẽ rất khó khăn cho đảng Dân chủ khi tiếp tục dựa vào việc tấn công cá nhân ông Trump trong chiến dịch của họ. Tôi cũng nghĩ rằng Tổng thống Biden đã bị suy yếu. Họ sẽ phải thay thế ông ấy. Nếu họ không thành công trong việc này, họ sẽ hướng tới thất bại chính trị gần như chắc chắn trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 này”.
Theo Zach D. Huff, một chuyên gia về Trung Đông và là cố vấn chính trị của Đảng Cộng hòa, người đã hỗ trợ nỗ lực tái tranh cử năm 2020 của ông Trump tại Nevada, thì “thất bại của Joe Biden là điều chắc chắn”. Ông nói: "Các cường quốc trong khu vực hiện có thời gian để cân nhắc đến tác động của chiến thắng gần như chắc chắn của ông Trump".
Về phần mình, nhà phân tích quốc phòng Shahbandar cho rằng "theo mọi thước đo khách quan, khả năng ông Trump quay trở lại Nhà Trắng hiện là cực kỳ cao. Và điều đó có thể sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong số các nhà lãnh đạo cấp cao ở Trung Đông, những người mong muốn hợp tác với một nhóm mà họ rất quen thuộc".
Trong khi đó, chuyên gia Huff tin rằng các đối thủ của Mỹ như Iran và Trung Quốc sẽ "không biết ông Trump sẽ làm gì để đẩy lùi ảnh hưởng của họ ở Trung Đông". “Hamas và Hezbollah có thể cảm thấy áp lực phải đi đến thỏa thuận tốt nhất có thể của họ trong khi ông Biden còn ở Nhà Trắng, trước khi ông Trump giành chiến thắng. Họ không có khả năng kéo dài sự leo thang sang chính quyền Mỹ tiếp theo”, ông nói.
Đối với những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Israel, chuyên gia Huff cho rằng "cơ hội đã khép lại, Thượng viện Mỹ không còn thời gian để phê chuẩn thỏa thuận", đồng thời nói thêm: "Saudi Arabia có thể sẽ tìm được những điều khoản tốt hơn dưới thời chính quyền Trump mới và có thể cảm thấy ít áp lực hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với các đối thủ trong khu vực".
Lịch sử tiếp cận của ông Trump đối với mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông khá trắc trở, đôi khi tập trung vào ngoại giao và thỏa thuận, đôi khi lại tập trung vào vũ lực quân sự. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump khi nhậm chức vào tháng 5/2017 là tới Saudi Arabia và ông đã duy trì mối quan hệ nồng ấm với vương quốc này trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Năm 2020, ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định Abraham, một loạt các thỏa thuận song phương giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Israel với Bahrain. Morocco và Sudan cũng có thoả thuận tương tự vào năm sau.
Tuy nhiên, ông Trump đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì một số quyết định chính sách Trung Đông của mình. Vào năm 2017, khi đó là tổng thống, ông đã ra lệnh thực hiện một loạt các cuộc tấn công "chính xác" vào một căn cứ không quân của Syria, khiến Nga và Iran tức giận. Quyết định này được đưa ra để trả đũa cho một cuộc tấn công bị cáo buộc là sử dụng vũ khí hóa học khiến hàng chục thường dân thiệt mạng.
Chỉ hai năm sau, vào tháng 10/2019, ông Trump đã ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi miền Bắc Syria, nơi họ đã hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo. Quyết định này đã bị lên án mạnh mẽ tại Hạ viện Mỹ, vì chỉ vài ngày sau khi rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào khu vực này khiến hàng trăm người thiệt mạng và 300.000 thường dân phải di dời.
Chuyên gia Huff dự báo về tảng chính sách năm 2024 của ông Trump: kêu gọi hòa bình ở Trung Đông, ủng hộ Israel và xây dựng lại "mạng lưới liên minh trong khu vực để đảm bảo tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Ông cho biết: “Câu hỏi quan trọng là mạng lưới liên minh đó sẽ vươn xa đến đâu”.