Syria: Tiền viện trợ không thể thay thế đối thoại chính trị

"Tình hình ở Syria đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn so với năm 2013, và khu vực này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ một thập kỷ vừa qua".

Những chuyến xe viện trợ Syria của LHQ. Ảnh: Reuters


Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon tại Hội nghị quốc tế lần thứ hai các nước tài trợ Syria, vừa diễn ra chiều 15/1 tại Kuwait.

"Báo Độc lập" (Nga) dẫn lời ông Ban Ki-moon cho rằng số tiền viện trợ nhân đạo cần thiết dành cho người tỵ nạn Syria trong năm 2014 ít nhất phải đạt 6,5 tỷ USD - số tiền sẽ được dùng để hỗ trợ cho khoảng 13,4 triệu người dân Syria bị ảnh hưởng, bao gồm cả trong nước và những người phải chạy sang lánh nạn tại các quốc gia láng giềng.

Không cách nào khác hơn, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tỏ lòng tương thân tương ái đối với người dân Syria. Tuy nhiên, chính khách này cũng khẳng định, quyên góp tiền viện trợ nhân đạo dành cho Syria, hoàn toàn không đồng nghĩa với những hiệu quả thiết thực mà chỉ có các cuộc đối thoại chính trị, các biện pháp ngoại giao mới có thể mang lại cho Syria. Từ diễn đàn quốc tế các quốc gia tài trợ Syria, ông Ban Ki-moon đã nêu rõ: "Tiền viện trợ không có nghĩa có thể thay thế đối thoại chính trị".

Theo truyền thống, phát biểu khai mạc Hội nghị này, Quốc vương Kuwait Sheikh Jaber al-Mubarak Al-Sabah nhấn mạnh sự đau khổ triền miên của người dân Syria sống trong cảnh "nồi da nấu thịt" của một cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" đã bước qua năm thứ tư liên tiếp. Ông cũng cam kết đóng góp 500 triệu USD viện trợ cho những người anh em Syria thông qua các tổ chức nhân đạo của LHQ.

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Valerie Amos và Cao ủy LHQ về người tị nạn Antonio Gutierrez cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại hết sức sâu sắc, trước hết đối với những số phận khổ đau của người dân Syria sống trong vùng nội chiến. Các quan chức LHQ còn hết sức quan ngại vì cuộc chiến tương tàn ở quốc gia Tây Á này đang gây ảnh hưởng lan rộng trong toàn khu vực.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nêu rõ chiến tranh đã đẩy lùi mọi thành quả kinh tế cũng như mức sống của người dân nhiều năm trở về trước. Và điều đó tất yếu gây ảnh hưởng đáng kể tới toàn bộ khu vực.

Trong khi đó, bà Valerie Amos đau lòng khẳng định đến lúc này, không còn một người dân Syria nào không trực tiếp hoặc gián tiếp phải chịu tổn thất bởi chiến tranh. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Syria sụt giảm 50% và lạm phát có tốc độ "phi mã", cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế bị tàn phá hoàn toàn. Syria đã trở nên hoang tàn, nơi nơi là khung cảnh đổ nát, là những gương mặt đau thương...

LHQ cần bằng mọi cách kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp dành cho Syria, và đợt quyên góp lần này được coi là lớn nhất trong lịch sử tồn tại của tổ chức này đối với một trường hợp cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Để cung cấp lương thực, nguồn nước sinh hoạt, nhu yếu phẩm tối thiểu cũng như các dịch vụ y tế, thuốc men, các con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy LHQ cần ít nhất 2,27 tỷ USD dành cho những người nghèo khổ nhất ở Syria trong năm 2014 này.

Trong vòng 4 tháng, LHQ cần tối thiểu 100 triệu USD để có thể cung cấp lương thực cứu đói cho khoảng 4 triệu người dân. Và số tiền 25 triệu USD sẽ chỉ đủ để xây dựng những khu tỵ nạn cho người dân tại năm tỉnh ở Syria. Đây thật chỉ là những con số như muối bỏ bể.

Hội nghị các nước tài trợ cho Syria đồng thời cũng vẽ nên những bức tranh đau lòng tại Syria, mà nhân vật trong những "bức tranh" này không ai khác hơn là những người dân Syria đói ăn, những người đang đau đớn vì thiếu sự chăm sóc y tế, hay những em bé thất học, lạc cha lạc mẹ... Nhu yếu phẩm tối thiểu còn không đủ, nói gì tới việc được tiếp cận nguồn nước sạch, nói gì tới tiêm phòng y tế...

Tuy nhiên, LHQ cũng ước tính năm 2014, LHQ cần tối thiểu 820 triệu USD để tiêm phòng vắcxin cho trẻ em Syria, cung cấp nước uống cũng như cho các em cơ hội được phục hồi sau những chấn thương tâm lý.

Hội nghị kết thúc trong sự đồng lòng nhất trí cho rằng viện trợ nhân đạo là tối cần thiết. Song điều duy nhất quan trọng đối với nhân dân Syria lúc này, chính là việc cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ để đạt được một giải pháp chính trị, ngoại giao, đem lại cho quốc gia Syria những ngày yên bình khi chưa bị những "ngọn gió bấc" của những "mùa xuân" rồi "mùa đông Arab" thổi tới.


Quế Anh
(P/v TTXVN tại LB Nga)

Syria và tham vọng 'biển xa' của Trung Quốc
Syria và tham vọng 'biển xa' của Trung Quốc

Việc hỗ trợ chiến dịch tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria là cơ hội để Trung Quốc thực hiện tham vọng biển xa của hải quân nước này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN