Sự trỗi dậy của lực lượng Thủy quân lục chiến mới tại châu Á-Kỳ 1

Các cường quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thành lập nhiều đơn vị thủy quân lục chiến mới. Nhanh, được huấn luyện tốt và được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ quân sự trên biển, lực lượng thủy quân lục chiến (hay còn gọi là lính thủy đánh bộ) đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột tiềm tàng. 

Từ năm 2009, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đều tuyên bố thành lập lực lượng thủy quân lục chiến.

Lực lượng Nhật Bản tập trận đổ bộ trên đảo San Clemente ngày 17/6/2013.


Các đơn vị này có quy mô rất nhỏ so với Thủy quân lục chiến Mỹ. Nhưng các cường quốc khu vực châu Á không chỉ thành lập các lực lượng thủy quân đánh thủy “mini” của riêng mình mà còn tăng cường mua các tàu đổ bộ cũng như máy bay vận tải để có thể đưa quân đến các khu vực nguy hiểm, và nếu cần thiết, tham chiến.

Đây là một lực lượng quan trọng đối với một khu vực, nơi tuyến đường hàng hải Thái Bình Dương là một huyết mạch về kinh tế. Mất kiểm soát các tuyến đường biển sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với hàng tỷ người. Nhưng khi ba nước trên nhận thấy tầm quan trọng và thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ của riêng mình, có rất nhiều điều cần tìm hiểu khi nói đến vấn đề tác chiến của lực lượng này.

Thủy quân lục chiến đã tồn tại hàng ngàn năm nay và hoạt động trong các binh chủng từ thời Đế quốc Tây Ban Nha thế kỷ 16. Nhưng châu Á mới là nơi thúc đẩy sự phát triển của thủy quân lục chiến hiện đại.

Trong những năm trước khi Chiến tranh Thế giới 2 nổ ra, Đế quốc Nhật Bản đã có nhiều cuộc chiến nhằm “chinh phục” Trung Quốc. Việc Trung Quốc có một bờ biển khó tiếp cận cùng với các hệ thống sông ngòi chằng chịt và các vùng nước quá nông để xây dựng cảng biển đã thúc đẩy Nhật Bản phát minh ra tàu có đáy phẳng để có thể đưa lực lượng bộ binh trực tiếp tiếp cận đất liền.

Sau chiến tranh, Nhật Bản giải tán toàn bộ lực lượng quân sự của mình, nhưng đã truyền những kinh nghiệm về tác chiến đổ bộ cho Hải quân Mỹ. Là lực lượng đổ bộ hàng đầu thế giới, Thủy quân lục chiến Mỹ như là một đội quân viễn chinh được thiết kế để hoạt động ngoài xa biên giới nước này.

Lực lượng lính thủy đánh bộ châu Á vừa chớm nở có thể sẽ hoạt động tương tự như vậy, nhưng chủ yếu mang tính khu vực hơn. Nhiều quốc gia châu Á dựa vào các tuyến đường vận tải trên biển để duy trì nền kinh tế của họ. Những tuyến đường này đi qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư.

Các tuyến đường trên đều cần một sự bảo đảm an toàn. Kịch bản có khả năng của lực lượng thủy quân lục chiến là chống cướp biển, tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình và ứng phó với thiên tai.

Các nước châu Á cũng có lý do chính đáng trong việc sử dụng lực lượng này trên lãnh thổ của họ. Ấn Độ và Nhật Bản có đường bờ biển rộng lớn, cùng với chuỗi đảo gần các đối thủ tiềm tàng.

Tàu MV-22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ chuẩn bị đổ bộ tại đảo Shimokita của Nhật Bản. Nhật Bản đã đồng ý mua 17 chiếc Osprey để trang bị cho lữ đoàn thủy quân lục chiến của họ.

Ấn Độ

Quân đội Ấn Độ chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây mới coi trọng tác chiến đổ bộ.

Ấn Độ có hơn 7.400 km bờ biển và 1.200 hòn đảo. Nước này phải đối mặt với một loạt các thách thức an ninh biển, trong đó có một đường biên giới biển sát với đối thủ quan trọng nhất của họ là Pakistan và các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong năm 2008, những kẻ khủng bố đã sử dụng đường biển xâm nhập và tấn công Mumbai.

Nhưng mối đe dọa tiềm năng lớn nhất là từ Trung Quốc. Tuyến đường kinh tế huyết mạch của Bắc Kinh chạy từ lục địa châu Á tới vùng Vịnh Ba Tư. Đó là một tuyến đường “mong manh” và Trung Quốc có ý định bảo vệ nó với một cái gọi là "chuỗi ngọc trai". Một chuỗi các căn cứ hải quân kéo dài một phần thông qua Ấn Độ Dương.

Xung đột ở Ấn Độ Dương sẽ đặt ra nguy cơ đối với vùng lãnh thổ xa xôi của Ấn Độ, chẳng hạn như các đảo Nicobar và Andaman.

Theo truyền thống, Ấn Độ giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn Bộ binh Độc lập 340 thực hiện các hoạt động đổ bộ. Trong năm 2010, nước này khôi phục lại 5.000 quân thuộc Lữ đoàn 91 như một đơn vị lính thủy. Cùng năm đó, Ấn Độ lại tái thành lập 10.000 quân thuộc Sư Đoàn 54 thành một đơn vị đổ bộ.

Ấn Độ không thiếu hụt về nhân lực. Nhưng để di chuyển lực lượng thủy quân lục chiến của họ tới một địa điểm khác, Hải quân Ấn Độ sẽ cần được trang bị các tàu đổ bổ. Và đó chính là điều mà New Delhi đang thiếu.

Phương tiện vận tải biển chính của Ấn Độ là tàu đổ bộ INS Jalashwa, mua của Mỹ năm 2005. Jalashwa có thể mang tới 1.000 thủy quân lục chiến tham chiến. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có 9 chiếc tàu đổ bộ có khả năng mang 10-12 xe tăng mỗi tàu.

Nhưng hầu hết các tàu trên đều đã cũ và đơn giản là không đủ để bảo vệ Ấn Độ. Nếu được huy động cùng một lúc, chúng chỉ đáp ứng cho chưa đầy 1/10 lực lượng thủy quân lục chiến của Ấn Độ.

(Còn tiếp
)

Công Thuận
 


Sự trỗi dậy của lực lượng Thủy quân lục chiến tại châu Á-Kỳ cuối
Sự trỗi dậy của lực lượng Thủy quân lục chiến tại châu Á-Kỳ cuối

Trong khi châu Á đang phải đối mặt với những thách thức an ninh mới: Sự nổi lên của Trung Quốc, vấn đề khan hiếm các nguồn tài nguyên tự nhiên, môi trường kinh tế và chính trị thay đổi..., lực lượng thủy quân lục chiến “mini” sẽ trở nên giá trị hơn bao giờ hết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN