Phương Tây có nên cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria? Đó đang là vấn đề "nóng" ở Washington, London và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) đang diễn ra tại Bắc Ireland. Tuy nhiên, đằng sau tranh cãi này là một câu hỏi lớn hơn, đó là: Liệu các cường quốc phương Tây có thể tiếp tục định hình tương lai của Trung Đông như đã từng làm trong suốt thế kỷ qua?
Cảnh đổ nát tại thị trấn Maaret al-Numan, tỉnh Idlib, miền nam Syria, ngày 13/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
"Thời báo Tài chính" (Anh) cho rằng trong chừng mực nào đó, những đường biên giới ngày càng mong manh hiện nay của Trung Đông là sản phẩm của một vài đường vẽ trên tấm bản đồ mà Anh và Pháp đã tạo ra trong Hiệp định Sykes-Picot năm 1916. Kỷ nguyên mà Anh và Pháp là hai cường quốc bên ngoài thống trị khu vực đã kết thúc hoàn toàn với cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 - thời điểm Mỹ đã buộc hai nước này phải chấm dứt can thiệp vào Ai Cập.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô là hai đấu thủ chính trên bàn cờ thế giới. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Mỹ trở thành cường quốc duy nhất có ảnh hưởng ở Trung Đông. Mỹ đã dẫn đầu một liên minh để đánh bại Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 1991, bảo vệ dòng chảy dầu mỏ từ vùng Vịnh, kiềm chế Iran và nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Israel và các quốc gia Arập.
Những người hối thúc Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột ở Syria hiện đang sống theo quá khứ. Họ cho rằng Mỹ có thể và nên tiếp tục chi phối đời sống chính trị của Trung Đông. Tuy nhiên, có 4 thay đổi cơ bản khiến cho điều này không còn thực tế hoặc thậm chí trở thành ước mơ đối với Mỹ để có thể thống trị khu vực này theo cách trước đây, đó là thất bại của cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cuộc Đại suy thoái, phong trào "Mùa Xuân Arập" và triển vọng về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn năng lượng.
Trong suốt thập kỷ qua, Mỹ nhận ra rằng mặc dù quân đội nước này có thể lật đổ các chế độ trong khu vực Trung Đông một cách nhanh chóng, nhưng Mỹ và các đồng minh lại rất kém trong việc tái thiết. Một thập kỷ tham chiến đã khiến cho cả Afghanistan và Iraq rơi vào tình trạng bất ổn sâu sắc và đổ nát bởi xung đột. Hậu quả là ngay cả những người chủ trương ủng hộ can thiệp của phương Tây vào Syria, như Thượng nghị sĩ John McCain, cũng phải tuyên bố rằng họ phản đối Mỹ đưa quân trực tiếp can thiệp vào quốc gia này.
Thay vào đó, những người này đang thúc đẩy việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria, với biện luận rằng việc này là cần thiết nhằm đạt được một kết quả chính trị như mong muốn. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một số lí do để cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Syria, nhưng rõ ràng ông Obama vẫn còn do dự và hoài nghi. Nếu như can thiệp trực tiếp với quy mô lớn vào cả Iraq và Afghanistan đều không giành được kết quả tốt thì ai có thể tin rằng cung cấp một số vũ khí hạng nhẹ cho lực lượng nổi dậy ở Syria sẽ hiệu quả hơn?
Cuộc Đại suy thoái khiến phương Tây không còn khả năng "mang bất kỳ gánh nặng" nào nữa. Ngân sách dành cho quân sự của châu Âu đang giảm nhanh chóng, trong khi việc cắt giảm chi tiêu của Lầu Năm Góc cũng đã bắt đầu. Với chi phí trực tiếp và gián tiếp của cuộc chiến Iraq ước tính lên tới 3.000 tỷ USD và thực tế rằng Mỹ hiện phải vay tới 40 xu cho mỗi USD mà chính phủ nước này chi tiêu, thì rất khó có khả năng ông Obama đưa ra những cam kết mới ở Trung Đông.
Yếu tố mới thứ ba là phong trào "Mùa Xuân Arập". Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từng là đồng minh và khách hàng lâu năm của Mỹ. Tuy nhiên, Washington vẫn quyết định để cho chính phủ của Mubarak sụp đổ vào đầu năm 2011 và việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các đồng minh lâu đời của Mỹ trong khu vực này, nhất là Arập Xêút và Israel. Điều quan trọng là Mỹ đã nhận ra rằng, cuối cùng thì người dân Trung Đông sẽ phải tự quyết định vận mệnh của chính mình.
Cuối cùng, khả năng Mỹ không can thiệp vào Trung Đông càng gia tăng do cuộc cách mạng khí đá phiến ở Mỹ vì nó giúp làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu mỏ ở khu vực này. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa ý kiến cho rằng sự thống trị của phương Tây ở Trung Đông đang đi đến hồi kết với ý kiến cho rằng các nước phương Tây sẽ không bảo vệ lợi ích của mình. Mỹ hiện có các căn cứ quân sự lớn ở vùng Vịnh và nước này, cùng với các đồng minh, vẫn sẽ cố gắng ngăn chặn Trung Đông trở thành khu vực bị chi phối bởi một cường quốc đối địch. Bất chấp vai trò ở Syria, Nga không phải là một bá chủ đáng tin cậy trong khu vực.
Tuy nhiên, Iran vẫn đang làm Mỹ lo ngại, với khả năng Mỹ tấn công chương trình hạt nhân của nước này vẫn còn bỏ ngỏ bất chấp kết quả đáng khích lệ trong cuộc bầu cử tổng thống Iran cuối tuần qua. Các lực lượng thánh chiến Hồi giáo có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda cũng sẽ đối đầu với phương Tây và đây là lí do vì sao phương Tây tiếp tục cảnh giác với phe đối lập Syria. Do vậy, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu sẽ tiếp tục tham gia sâu vào tiến trình ngoại giao khu vực về vấn đề Syria .
TTK (Theo Financial Times)