Theo bình luận của tờ Politico mới đây, trước và ngay khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng Moskva xứng đáng được “đảm bảo an ninh”. Nhà lãnh đạo Pháp còn tuyên bố rằng Ukraine “có khả năng phải mất hàng thập kỷ” mới gia nhập EU.
Nhưng kể từ đó, một sự thay đổi lớn đã diễn ra. Tổng thống Pháp hiện đã đảm nhận vai trò là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, cam kết hỗ trợ “cho đến khi chiến thắng”, tìm cách dẫn đầu trong các vấn đề như tư cách thành viên NATO và hỗ trợ quân sự, khi châu Âu lo ngại rằng sự hỗ trợ của Mỹ đang giảm sút, với viễn cảnh sự trở lại Nhà Trắng tiềm năng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tước đi đồng minh quan trọng nhất của Ukraine.
François Heisbourg, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết: “Ban đầu, Tổng thống Macron quyết tâm đóng vai trò hòa giải giữa ông Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky. Và điều này có nghĩa là ông ấy cực kỳ thận trọng khi chuyển giao vũ khí. Nhưng đầu năm nay, ông Macron hiểu rằng việc đàm phán chấm dứt xung đột là khó xảy ra".
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Pháp chỉ nói rằng Tổng thống Macron “đã làm rõ” quan điểm của mình về Ukraine. Điều mà Pháp đã phá vỡ quan điểm lâu đời của mình một cách đáng kể nhất là vấn đề mở rộng EU. Ngoài cuộc xung đột ở Ukraine, Pháp hiện đang tìm kiếm các đồng minh mới, muốn đi đầu trong việc mở rộng EU.
Cụ thể, thông qua các hoạt động ngoại giao tích cực sau hậu trường, Chính phủ Pháp đang dẫn đầu các cuộc tham vấn trước bài phát biểu quan trọng mà ông Macron dự kiến sẽ đọc vào đầu năm tới, đặt ra tham vọng mở rộng mà ông gọi là “Sorbonne bis”, theo một số quan chức Pháp, ám chỉ đến bài phát biểu về hoạch định chính sách ở châu Âu mà Tổng thống Macron đã đưa ra tại Đại học Sorbonne năm 2017.
Trong nhiều tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp dường như loay hoay tìm cách ứng phó với Nga. Nhưng vào tháng 12 năm ngoái, sự thay đổi quan điểm của ông Macron bắt đầu trở nên rõ ràng hơn khi có một bài phát biểu mạnh mẽ nói rằng Pháp sẽ ủng hộ Ukraine “đến cùng”. Chỉ vài tuần trước đó ông đã tuyên bố rằng phương Tây nên cung cấp cho Nga “sự đảm bảo về an ninh”.
Vào tháng 5 năm nay, Pháp đã cho phép Anh xuất khẩu tên lửa hành trình Storm Shadow liên doanh giữa Pháp và Anh sang Ukraine, sau đó là việc giao tên lửa hành trình tầm xa SCALP-EG của Pháp cho Kiev. Theo chuyên gia Heisbourg, đó là một tín hiệu mang tính quyết định, bởi vì Pháp làm điều mà cho đến nay Mỹ vẫn từ chối thực hiện.
Chính quyền của Tổng thống Macron hiện đang ủng hộ Ukraine trên nhiều mặt trận: Mở rộng EU, hỗ trợ quân sự và trong NATO. Trong tháng này, Tổng thống Pháp tuyên bố họ đang mở các cuộc đàm phán với Ukraine để ký một thỏa thuận an ninh song phương sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.
Một nhà ngoại giao Pháp cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện một bước tiến lớn, nhưng điều đó không thay đổi chỉ sau một đêm”. Gần đây nhất là vào năm 2019, ông Macron đã phản đối việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU với Bắc Macedonia và Albania.
Georgina Wright, Giám đốc châu Âu tại Viện Montaigne có trụ sở tại Paris, nhận định: “Pháp chưa bao giờ chống lại việc mở rộng, nhưng nước này luôn thận trọng về điều đó. Pháp luôn nói rằng EU phải phát triển sâu hơn trước khi có thể mở rộng, bởi vì có lo ngại rằng việc mở rộng EU sẽ trở nên rối loạn hơn”.
Nhưng trong một bài phát biểu gần đây, ông Macron kêu gọi “sự táo bạo” trong việc mở rộng, đưa ra ý tưởng về một “châu Âu đa tốc độ” để tiếp tục nỗ lực hướng tới hội nhập sâu rộng hơn. Benjamin Haddad, nghị sĩ thuộc đảng "Phục hưng" do ông Macron lãnh đạo, nêu rõ: “Có một sự thức tỉnh thực sự rằng chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử, tương tự như Sự sụp đổ của Bức tường Berlin, với một làn sóng mở rộng mới của EU sẽ giúp ổn định châu Âu”.