Sứ mệnh tại châu Á của ông Obama

Năm năm sau khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại chuyển sang tập trung vào châu Á, tuần này Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về nội dung chiến lược của mình và việc duy trì sức mạnh tại khu vực.

 

Tổng thống Obama sẽ phải chứng minh rằng chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á vẫn đang được thực hiện. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Obama sẽ phải xóa đi ấn tượng rằng các sự kiện như nội chiến ở Syria, sự đối đầu Đông - Tây ở Ukraine đã thu hút quá nhiều sự chú ý của chính quyền Mỹ. Ông cũng sẽ phải thuyết phục Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines rằng chính sách "tái cân bằng" của Mỹ - rút quân cùng các nguồn lực khác khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông và triển khai tại khu vực châu Á đang lên - vẫn đang tiếp tục được thực hiện.


Tới Nhật Bản vào ngày 23/4, chuyến đi của ông Obama sẽ đánh dấu lần thứ 5 ông đặt chân tới châu Á với tư cách là một tổng thống. Chuyến đi này, chuyến đi đầu tiên trong hai chuyến thăm theo dự kiến tới khu vực trong năm nay, là nhằm sửa chữa những sai lầm khi ông không tham dự hội nghị thượng đỉnh của khu vực hồi tháng 10 năm ngoái do những vấn đề chính trị trong nước.


Ông Obama mong muốn đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán khó khăn liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đang gặp phải rào cản trong lĩnh vực nông nghiệp và ô tô. Ông sẽ phải đi "đúng đường", tăng cường liên kết với các đồng minh vốn coi Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc hùng mạnh, đồng thời tránh làm Trung Quốc “tức giận”. Ngoài ra, ông cũng sẽ cố gắng xoa dịu những bất đồng giữa hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, khẳng định Triều Tiên sẽ chẳng được gì khi gây ra tình trạng hận thù trong khu vực, và hoàn thành việc phục hồi quan hệ của Mỹ với Malaysia.


Giới chức Mỹ hiện thích sử dụng cụm từ "tái cân bằng" trong chính sách châu Á của Mỹ hơn là cụm từ "xoay trục" trước đó. Tuy nhiên, một số người tự hỏi liệu có phải chính sách này mạnh về ngôn từ hơn là cách thể hiện kể từ khi ông Obama, người sinh ra ở Hawaii và có 4 năm lớn lên ở Indonesia, tuyên bố ông là "tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên" của Mỹ vào năm 2009 tại Nhật Bản? Kenneth Lieberthal, chuyên gia về chính sách châu Á thời chính quyền Bill Clinton và hiện làm cho Viện Brookings, nhận xét: "Đáng tiếc là Nhà Trắng chưa thể làm khái niệm 'tái cân bằng' đứng vững và cho nó một sự kết nối hoạt động. Các nước mà Tổng thống Obama tới thăm lần này sẽ tìm kiếm bằng chứng về những cam kết an ninh và kỹ năng chiến thuật liên quan của ông, khả năng đánh giá và giải quyết các vấn đề theo cách tạo lập nên các mục tiêu có thể đạt được và một chiến lược tốt để đạt được chúng".


Chính quyền Mỹ khẳng định rằng chiến lược này đã có những kết quả hiện hữu và đã đem lại sức sống mới cho các liên minh của Mỹ. Mỹ đã đưa một biệt đội hải quân nhỏ tới đóng tại Darwin, Australia, xây dựng một lực lượng luân phiên thường trực khoảng 2.500 binh lính. Hai tàu khu trục nữa đã được đưa tới Nhật để giám sát hoạt động của Triều Tiên. Một số tàu chiến hiện đóng tại Singapore và Hải quân Mỹ đã xác định dành tỷ lệ 60-40 về khí tài cho khu vực Thái Bình Dương so với các nơi khác.


Tuy nhiên, sự bất định vẫn tồn tại trong các kế hoạch của Mỹ. Oh Ei Sun, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận xét: "Mỹ trước tiên cần phải xác định 'xoay trục' hay 'tái cân bằng' chính xác nghĩa là gì, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng hiện nay ở khu vực Đông Á. Phải chăng xoay trục chỉ là vấn đề quân sự và an ninh? Hay nó liên quan tới cả yếu tố kinh tế?".


Chuyên gia Bridget Welsh thuộc Đại học Quản lý Singapore cho rằng "xoay trục giống như cái ghế chỉ có hai chân và hiện mất đi một chân. Tái cân bằng lại thiếu cân bằng". Welsh cũng đưa ra ý kiến rằng Ngoại trưởng John Kerry ít để tâm tới châu Á hơn người tiền nhiệm Hillary Clinton bởi ông còn theo đuổi hiệp ước hòa bình ở Trung Đông và mải tranh cãi với Nga.


TTK

Hải quân châu Á-TBD thông qua Quy tắc ứng xử về đụng độ bất ngờ trên biển
Hải quân châu Á-TBD thông qua Quy tắc ứng xử về đụng độ bất ngờ trên biển

Các quan chức hải quân của Mỹ và gần 20 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 22/4 đã thông qua một thỏa thuận nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn và thông tin sai lệch trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN