Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 20/5/2012, hiện giờ, nhiều người đã lưu ý đến việc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang đi xa hơn các vấn đề khu vực. Tại Hội nghị Ngoại trưởng SCO mới được tổ chức ở Bắc Kinh (trước khi Hội nghị cấp cao SCO dự kiến diễn ra trong các ngày 6 - 7/6 tới), dự thảo tuyên bố chung của các nước thành viên SCO đã được thông qua, với nội dung lên án chương trình chống tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Một quan điểm thống nhất của SCO về các hệ thống chống tên lửa đạn đạo có khả năng trở thành đối trọng lớn với các chương trình của NATO trong lĩnh vực này. Mặc dù trong nhiều năm qua, SCO đã thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố chính sách đối ngoại, song tổ chức này đang tiến hóa.
Kết quả của Hội nghị Ngoại trưởng SCO tại Bắc Kinh cho thấy SCO đang sẵn sàng cho các thay đổi lớn. Trong những năm 1990, SCO được thiết kế như một tổ chức để xây dựng lòng tin giữa Nga, Trung Quốc và 4 quốc gia Trung Á là Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Tátgikixtan và Udơbêkixtan, chủ yếu là trong lĩnh vực quân sự. Các nước thành viên SCO được thống nhất bởi nguy cơ chung từ chủ nghĩa chính thống Hồi giáo, bị kích động từ sự nắm quyền của Taliban tại Ápganixtan.
Lính biên phòng Tátgikixtan tham dự cuộc tập trận Rubezh 2010 vào tháng 4/2010 nhằm tăng cường an ninh khu vực. Ảnh: Internet |
Nhưng đến đầu những năm 2000, SCO đã chuyển trọng tâm sang chống hoạt động khủng bố và chống buôn lậu ma túy quốc tế, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. SCO có những quan điểm hợp lý và cân bằng về các vấn đề quốc tế và theo đuổi một chính sách rất thận trọng, không bao giờ cho phép các nhà phân tích coi tổ chức này là một tổ chức chính trị, chứ đừng nói gì đến một liên minh quân sự. Ấn Độ, Pakixtan, Iran và Mông Cổ đã gia nhập SCO với tư cách quan sát viên, trong khi Bêlarút và Xri Lanca là các "đối tác đối thoại".
Nhưng thời thế đang thay đổi và SCO cũng thay đổi. Các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, "Mùa xuân Arập", vai trò của các nước phương Tây tại Trung Đông, việc rút quân Mỹ khỏi Irắc và quan trọng hơn là khỏi Ápganixtan... đòi hỏi SCO phải xem xét lại những cách tiếp cận và thúc đẩy tổ chức này tăng cường các chính sách đối ngoại.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng SCO ở Bắc Kinh vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết từ nay trở đi, SCO sẽ có một chính sách chung cho tất cả các thành viên nếu các cuộc khủng hoảng nổi lên trong khu vực. Dường như một cơ cấu mới sẽ được thành lập vào đầu tháng tới, trước một hội nghị quốc tế về Ápganixtan, dự kiến được tổ chức vào ngày 14/6 tại Cabun. SCO rõ ràng sẽ tính đến những quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago, diễn ra trong các ngày 20 - 21/5 này.
Các tuyên bố trước đây của Bộ Ngoại giao Nga cho thấy bản chất sự có mặt quân sự của Mỹ và NATO tại Ápganixtan sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của SCO. Nga và Trung Quốc phản đối việc lực lượng nước ngoài tiếp tục hiện diện ở Ápganixtan. Nga cũng muốn biết về việc thực thi nghị quyết của LHQ, cơ sở của việc thực hiện chiến dịch quân sự tại Ápganixtan. Quan điểm thống nhất của SCO sẽ ủng hộ những nỗ lực của Nga và Trung Quốc.
Các yêu cầu của Nga và Trung Quốc sẽ được ủng hộ mạnh hơn nữa nếu số lượng các nước thành viên SCO và các nước đối tác tăng lên. Tại hội nghị mới đây ở Bắc Kinh, ông Lavrov đã kêu gọi phê chuẩn đơn xin gia nhập SCO của Ấn Độ và Pakixtan, ủng hộ trao cho Ápganixtan quy chế quan sát viên và Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại.
SCO cũng ủng hộ các nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn các kế hoạch chống tên lửa đạn đạo của Mỹ, mà nếu được thực thi có thể phá hoại tiềm năng chiến lược của Nga. Nhưng Trung Quốc cũng muốn ngăn chặn Mỹ bởi vì các lực lượng hạt nhân của Bắc Kinh còn dễ bị tổn thương hơn. Trong chiến lược phát triển hơn nữa tổ chức này, có đề xuất về một số công cụ bổ sung. Tuy nhiên, chiến lược này chưa được công bố vì vẫn đang trong quá trình thương thuyết.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)