Đánh giá về những thay đổi lớn trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam năm 2000, bà Zaino cho rằng trong những năm qua, nhất là trong thời gian Tổng thống Barack Obama nắm quyền, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng nồng ấm. Đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, trong bối cảnh Mỹ cần sự hợp tác của các đồng minh và đối tác trong khu vực như Việt Nam, mối quan hệ hai nước càng có thêm động lực thúc đẩy. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tháp tùng Tổng thống Obama còn có hàng loạt quan chức cấp cao đến từ nhiều Bộ quan trọng, nhiều nhà lãnh đạo các công ty lớn. Điều đó chứng tỏ Mỹ rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và muốn tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Trong những năm qua Tổng thống Obama đã nỗ lực rất nhiều để khắc phục những di sản của quá khứ chiến tranh hay sự khác biệt về hệ tư tưởng để tăng cường quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Vấn đề then chốt hiện nay là tới đây ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ. Nếu như bà Hillary Clinton được đảng Dân chủ đề cử và thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, tôi cho rằng bà sẽ kế tục chính sách của ông Obama đối với Việt Nam. Trái lại nếu như người chiến thắng là một ứng cử viên Cộng hòa nào đó, chẳng hạn như ông Donald Trump thì khi ấy theo tôi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam có thể sẽ có một số thay đổi theo hướng khác.
Giáo sư Zeanne Zaino trao đổi với phóng viên TTXVN. |
Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Obama đang từng bước triển khai chính sách xoay trục hay còn gọi là tái cân bằng sang châu Á Thái Bình Dương, bà Zaino cũng đã đưa ra những đánh giá khái quát về chiến lược này, cũng như vị trí của Việt Nam trong tổng quan của chính sách chiến lược này. Theo bà, những kết quả mà Tổng thống Obama thu được từ chiến lược xoay trục rất ấn tượng. Từ an ninh đến kinh tế, Tổng thống Obama đã tạo ra được những thay đổi bước ngoặt trong quan hệ với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được thông qua vào năm ngoái. Bà Zaino khẳng định, đây sẽ là di sản đối ngoại rõ nét nhất mà Tổng thống Obama để lại cho nước Mỹ. Và Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và là thành viên của hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, đã đang và sẽ tiếp tục là một đối tác quan trọng, góp phần quyết định sự thành công chiến lược của Mỹ tại châu Á.
Về những đóng góp có thể có của Việt Nam để giúp Mỹ thúc đẩy chính sách tái cân bằng sang châu Á Thái Bình Dương, nữ học giả Zaino khẳng định, hai bên cần tăng cường các cuộc đối thoại không chỉ giữa những quan chức cấp vừa, mà cả giữa những quan chức cao nhất trong chính quyền. Bà hy vọng những trao đổi giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và chiến lược sẽ diễn ra thường xuyên hơn và được công khai nhiều hơn. Có như vậy thì Tổng thống Mỹ mới có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng đây là mối quan hệ quan trọng đối với nước Mỹ, và thuyết phục các nghị sĩ thông qua những quyết định có lợi cho Việt Nam.
Với tư cách là một học giả, bà Zaino hy vọng trong chuyến thăm Việt Nam Tổng thống Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về những gì mà hai nước có thể chia sẻ trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh quốc gia. Và trong chừng mực nào đó hai bên sẽ đề cập tới những di sản chung của chính sách mà ông Obama triển khai với Việt Nam trong 8 năm qua đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho chính quyền tiếp theo tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Bà cũng mong muốn Tổng thống Obama sẽ có những cử chỉ để hàn gắn những vết thương chiến tranh, đồng thời khẳng định sự thể hiện thiện chí như vậy sẽ rất có ích cho quan hệ hai nước trong tương lai.