Phương Tây sai lầm trong đánh giá Nga

Các nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) trong một báo cáo mới đây đã kết luận rằng, giới phân tích quân sự phương Tây đã hiểu sai cuộc cải cách quân sự của Nga và đánh giá thấp tiềm năng quân đội Nga.


Theo báo cáo, những yếu kém về mặt chiến thuật và hoạt động của quân đội Nga bộc lộ rõ nhất trong cuộc chiến Nga - Gruzia, khi lực lượng của Gruzia do Mỹ huấn luyện đã tỏ ra là một đối thủ tinh nhuệ và cơ động hơn dự tính. Do đó, Nga đưa ra một chương trình cải cách quân sự sâu rộng nhất kể từ những năm 1930, được chia ra thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa bằng việc rà soát tình hình đào tạo nhân lực và cắt giảm số lượng lính nghĩa vụ; Giai đoạn hai là cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu qua việc tinh giản cơ cấu chỉ huy và tăng cường huấn luyện; và giai đoạn ba là tái trang bị và hiện đại hóa vũ khí.

Máy bay chiến đấu Su - 34 của Nga thả bom oanh tạc các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo báo cáo, Mỹ và châu Âu cơ bản chỉ chú ý tới giai đoạn ba của cuộc cải cách, bỏ qua những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong các giai đoạn đầu. Hầu như các nhà quan sát đã không thấy được rằng quân đội Nga đã xử lý được một trong những yếu kém lớn nhất về mặt tổ chức và đã xây dựng được một đội ngũ hạ sĩ quan mới được đào tạo chuyên nghiệp thay thế cho hệ thống chuẩn úy hiện có.

Báo cáo của ECFR viết: “Lần đầu tiên, quân đội Nga đã xây dựng một cấu trúc hình kim tự tháp, trên cao nhất là một số ít những người ra quyết định, dưới là các sĩ quan chỉ huy và quân đội”. Hơn thế nữa, lượng sĩ quan đã được tăng lên gấp năm lần và nhiều biện pháp quản lý hiện đại hơn đã được áp dụng. Những cải cách này đã tiết kiệm đáng kể các khoản tiền được dùng để gia tăng tỷ lệ các binh lính chuyên nghiệp trong Lực lượng vũ trang Nga. Nó cho phép quân đội sử dụng nhiều trang thiết bị công nghệ cao hơn và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng tinh nhuệ (quân nhảy dù, lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm).

Hệ thống đào tạo quân sự cũng được cải cách - một phần được dựa theo các hệ thống của Thụy Sĩ và Áo - bao gồm những kỹ thuật lãnh đạo “hiện đại (theo kiểu phương Tây)”. Ngoài ra, những trang thiết bị cá nhân và mẫu quân phục mới được đưa ra giúp nâng cao tinh thần và sự tự tin cho quân lính.
Giai đoạn hai của cuộc cải cách liên quan tới việc tinh giản cơ cấu chỉ huy và tái tổ chức Lực lượng vũ trang Nga thành các đơn vị nhỏ tinh nhuệ hơn - từ 23 sư đoàn cũ chia thành 40 lữ đoàn “kiểu mới”. Cách thức gọi nhập ngũ thời Liên Xô trước đây - gọi lính dự bị cho đủ quân số chiến đấu - đã bị hủy bỏ và những bộ tư lệnh hành chính không cần thiết cũng bị xóa sổ.

Thêm vào đó, số lượng các cuộc tập trận tăng đáng kể, và các “đợt diễn tập ngắn” quy mô lớn được thực hiện liên tục để kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị (Các đơn vị mới phải được triển khai trong vòng 24 giờ đồng hồ).

Kết quả của chương trình cải cách này là Nga có thể duy trì một lực lượng từ 40.000 - 150.000 quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu dọc theo biên giới Nga - Ukraine trong nhiều tháng, trong khi vẫn tiến hành các cuộc tập trận quân sự với khoảng 80.000 quân tham gia ở các khu vực khác thuộc nước này.
Báo cáo của ECFR không cho rằng ba giai đoạn cải cách quân sự lớn này của Nga còn lâu mới hoàn tất - nhất là giai đoạn cuối có liên quan tới việc hiện đại hóa trang thiết bị. Chính khi phân tích giai đoạn cuối, các nhà phân tích quân sự phương Tây đã mắc sai lầm khi phóng đại những khó khăn mà quân đội Nga phải đối mặt khi thực hiện chuyển giao các vũ khí quân sự hạng nặng mới, và do đó cho rằng việc cải cách này về tổng thể sẽ thất bại.

Báo cáo cho rằng điều này đã dẫn các nhà phân tích quân sự phương Tây tới việc đánh giá thấp năng lực quân sự của Nga và không để ý tới những vấn đề mới như cách thức kết hợp các phương pháp chiến đấu truyền thống và phi truyền thống độc đáo của Nga cũng như nhiều thứ khác.

TTK (Theo “The Diplomat”)
Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận trên Vịnh Bengal
Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận trên Vịnh Bengal

Nhằm củng cố mối quan hệ chiến lược và tăng cường an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì lợi ích hàng hải toàn cầu, hải quân 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành cuộc tập trận chung mang tên Malabar tại vùng biển thuộc Vịnh Bengal, ngoài khơi Ấn Độ Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN