Phía trước WTO...

Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 7/12 đã thông qua một thỏa thuận được ca ngợi là "cú hích" cho thương mại toàn cầu. Đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên mà WTO đạt được kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1995. Tuy nhiên, tính khả thi trong thực hiện thỏa thuận vẫn còn là một dấu hỏi.


Thỏa thuận nói trên gồm các cam kết tạo điều kiện thúc đẩy thương mại bằng cách giản lược thủ tục thuế quan. Nếu được thực thi đầy đủ, các biện pháp thuế quan trong khuôn khổ thỏa thuận có thể bơm khoảng 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm.

 

Phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO ngày 7/12 diễn ra trong không khí phấn khởi. AFP/TTXVN


Tuy nhiên, các quan chức WTO thừa nhận chưa có gì chắc chắn về hiệu quả của việc thực thi các biện pháp kể trên, nhất là tại các quốc gia chưa phát triển. Giới phân tích cũng nhận định rằng bản chất phức tạp của các cuộc đàm phán đã cho thấy tổ chức này khó có thể đạt được những tiến triển thực sự cho Vòng đàm phán Doha được khởi động tại Qatar từ năm 2001.


Theo ông Simon Evenett, một chuyên gia về thương mại quốc tế tại Đại học St. Gallen (Thụy Sỹ), nếu vòng đàm phán vừa qua tại Bali (Indonesia) thất bại, "uy tín của WTO sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song hội nghị tại Bali cũng cho thấy những khó khăn trong đàm phán mà các quốc gia thương mại lớn phải đối mặt khi thảo luận về các vấn đề thương mại chính, và không có dấu hiệu cho thấy đàm phán sẽ dễ dàng hơn".


Ban đầu đàm phán dự kiến chỉ diễn ra đến hết tối ngày 6/12, song đã phải kéo dài sang sáng sớm ngày hôm sau. Ngoài việc cam kết đơn giản hóa các thủ tục hải quan và hạn chế trợ giá nông nghiệp, thỏa thuận cũng bao gồm những chính sách hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất.


Trước đó, các cuộc đàm phán tại Bali đã gần như đi vào “vết xe đổ" thất bại do hàng loạt bất đồng. Ấn Độ, vốn đang nhắm tới việc tích trữ và trợ giá lương thực cho hàng triệu người nghèo, đã yêu cầu WTO miễn trừ thuế quan đối với các biện pháp này. Trong khi đó, Mỹ, quốc gia cũng đang hỗ trợ nhiều cho ngành nông nghiệp nội địa, cùng nhiều quốc gia khác lại cho rằng chính sách lương thực của Ấn Độ có thể vi phạm các quy định về trợ cấp của WTO. Một trở ngại sau đó lại xuất hiện khi bốn quốc gia Mỹ Latinh phản đối loại bỏ khỏi thỏa thuận một nội dung liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Tuy nhiên, sự đồng thuận về mặt câu chữ đã góp phần giúp giải quyết các trở ngại này.


Mặc dù đánh giá cao thỏa thuận vừa đạt được, nhưng Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cũng bày tỏ quan ngại khi các thỏa thuận thương mại khu vực ngày càng xuất hiện nhiều, điển hình là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. Tổng Giám đốc WTO cho rằng những hiệp định như vậy có thể kéo theo các hệ quả bi kịch đối với các nước nghèo bởi họ có thể sẽ bị gạt ra khỏi bàn đàm phán về các luật lệ thương mại. Hơn nữa, các thỏa thuận kiểu này có thể khiến WTO trở nên lỗi thời nếu tổ chức này không thể đạt được các thỏa thuận lớn mang tính toàn cầu.


Kevin Gallagher, một chuyên gia về toàn cầu hóa tại Đại học Boston, nhận định: Việc WTO đã phải trải qua quá trình đàm phán căng thẳng chỉ để đạt được các kết quả khiêm tốn đã cho thấy rằng "cuộc chiến" của tổ chức này trong các vấn đề liên quan còn lâu mới chấm dứt. Ông nói: "Thay vì tán thưởng thỏa thuận đa phương vừa qua, các quốc gia lớn sẽ chuyển sự chú ý sang các thỏa thuận thương mại khu vực như TPP để thúc đẩy các đề xuất 'tai hại' mà WTO bác bỏ".


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN