Ông Trump sẽ trở thành nhân tố cứu vãn Eurozone?

Nếu có thể tránh được nguy cơ sụp đổ thì Eurozone vẫn rất cần động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ là người tạo ra động lực này cho khu vực.

Trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu chính trị châu Âu CEPS (Bỉ) vừa đăng bài viết của chuyên gia Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm, đánh giá về các tác động của chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo chuyên gia Gros, châu Âu vừa phải đối mặt thêm với hai phép thử khó khăn. Trong khi cử tri Áo từ chối khả năng châu Âu có lãnh đạo cực hữu đầu tiên thì người Italy lại thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với chính phủ của mình, mở đường cho các lực lượng dân túy lên nắm quyền. Cùng với việc Brexit vẫn chưa ngã ngũ và triển vọng kinh tế ảm đạm, sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN

Trong khi việc sử dụng đồng tiền chung euro bị chỉ trích là một trong những nguyên nhân của thực trạng kinh tế ảm đạm ở châu Âu trong những năm qua thì các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, hoài nghi châu Âu và dân túy lại đang gia tăng ảnh hưởng. Việc Thủ tướng Matteo Renzi từ chức đẩy chính trường Italy vào giai đoạn bất ổn và nhiều khả năng nước này sẽ phải tiến hành bầu cử sớm. Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ trong hàng chục năm qua, lĩnh vực tài chính không ổn định, phong trào 5 sao (M5S) có thể sẽ thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri với cam kết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc Rome rời khỏi Eurozone.

Nếu có thể tránh được nguy cơ sụp đổ thì Eurozone vẫn rất cần động lực thúc đẩy tăng trưởng. Và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người tạo ra động lực này cho khu vực. Thậm chí trước cả khi nhậm chức, ông Trump đã chứng minh được ảnh hưởng của mình. Lãi suất dài hạn ở Mỹ đã tăng lên và khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này hỗ trợ tăng lãi suất ở châu Âu. Lãi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã tăng 50 điểm cơ bản kề từ thời điểm bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Các lực lượng dân túy không còn lý do để chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đánh thuế những người gửi tiết kiệm ở Đức nữa. Ở khu vực ngoại vi của Eurozone, lãi suất tăng được ghi nhận ở mức cao hơn. Tại Italy, lãi suất trái phếp kỳ hạn 10 năm tăng gần 1 điểm phần trăm.

Điều này dường như sẽ tạo ra thách thức, nhưng trong thực tế tác động tiêu cực của việc lãi suất tăng lên chỉ ở mức hạn chế. Phần lớn các khoản vay tiêu dùng hay của doanh nghiệp chịu tác động của lãi suất ngắn hạn do ECB, chứ không phải là thị trường quyết định. Do đó, tỉ lệ lãi suất đối với các khoản vay này vẫn duy trì ở mức thấp. Hơn nữa, chính phủ các nước ở khu vực ngoại vi Eurozone được đảm bảo trước các biến động về lãi suất của trái phiếu dài hạn do các ngân hàng trung ương của những nước này tiếp tục triển khai chương trình mua lại nợ công. Việc đồng USD lên giá sau khi ông Donald Trump đắc cử giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của châu Âu. Vì vậy, việc ông Donald Trum thắng cử đã và đang tạo ra các tác động tích cực đối với Eurozone.

Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới khi ông Trump cam kết sẽ triển khai chính sách giảm thuế trên diện rộng, trong đó có việc giảm thuế cho các tập đoàn kinh tế từ 35% xuống còn 15%. Cùng với đó là kế hoạch tăng cường đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và tăng chi tiêu quốc phòng. Chính sách này khả năng sẽ khiến Mỹ phải đối mặt với thực trạng thâm hụt ngân sách tăng mạnh và nhu cầu tăng đột biến trong ngắn hạn. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ gần như đã đạt mức giới hạn khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn dưới 5%. Điều này buộc Mỹ phải tăng cường nhập khẩu và nâng giá đồng USD nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Đây là tín hiệu tích cực đối với Eurozone khi Mỹ vẫn đã và đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước trong khu vực. Khả năng các nước ở khu vực ngoại vi của Eurozone sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Chẳng hạn, tác động của việc đồng euro giảm giá đối với nền kinh tế Italy sẽ lớn gấp ba lần so với Đức do nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chuyên dụng của Berlin khá ổn định về giá cả. Do đó, nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ tăng mạnh cùng với đồng USD mạnh sẽ giúp tái cân bằng các nền kinh tế trong Eurozone.

Châu Âu có thể cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách năng lượng của chính quyền Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ đảm bảo khả năng tự cung cấp năng lượng của Mỹ. Khả năng chính quyền mới ở Mỹ sẽ triển khai chính sách trợ cấp cho việc sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than đá trong nước. Điều này giúp hạ thấp giá dầu mỏ - yếu tố tích cực đối với các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn ở Eurozone.

Châu Âu từng được hưởng lợi từ chính sách kinh tế của chính phủ Mỹ. Khả năng châu Âu cũng sẽ được hưởng điều này dưới thời của ông Donald Trump. Sau sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods dựa trên tỷ giá hối đoái cố định của đồng USD những năm 70 của thế kỷ XX, châu Âu đã xây dựng Hệ thống tiền tệ (EMS) nhằm duy trì sự ổn định trước biến động của tỷ giá hối đoái. Trong khi việc duy trì tỷ giá hối đoái ổn định trong EMS gặp khó khăn do sự khác biệt lớn giữa tỷ lệ lạm phát cũng như chính sách kinh tế của các nước thành viên thì tình hình được cải thiện nhờ chính sách của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Chính sách kinh tế của Tổng thống Reagan đã tạo ra mức thâm hụt ngân sách lớn và đồng USD rất mạnh. Hai yếu tố này cùng với giá dầu mỏ thấp đã giúp châu Âu giải quyết các thách thức trên và đạt mục tiêu tăng trưởng. Trong thực tế, đó là lần cuối cùng mà tăng trưởng GDP của Italy cao hơn mức trung bình của EMS. Chính sách kinh tế của ông Trump hiện nay cũng sẽ tạo ra các điều kiện tương tự cho châu Âu.

Chuyên gia Gros kết luận, mặc dù khả năng các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới nhưng rõ ràng chúng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Vì sao CIA một mực khẳng định Nga giúp ông Trump thắng cử?
Vì sao CIA một mực khẳng định Nga giúp ông Trump thắng cử?

CIA là cơ quan tình báo Mỹ duy nhất hiện nay khẳng định mục tiêu tấn công mạng bầu cử Mỹ từ phía Nga là giúp ông Trump giành ngôi vị Tổng thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN