Quyết tâm chống dịch
Đã hai năm rưỡi kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng vẫn đóng cửa với thế giới, mặc dù số ca tử vong tương đối thấp. Chính sách phong tỏa tại hàng chục thành phố từ Thâm Quyến, Thượng Hải cho đến Cát Lâm - đã hủy hoại chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây, gây thiệt hại nặng nề các doanh nghiệp nhỏ và giữ chân người tiêu dùng tại nhà. Trước tình hình này, các chuyên gia dự báo mục tiêu tăng trưởng 5,5% cả năm của Trung Quốc có thể bị cắt giảm khoảng một điểm phần trăm.
Các nhà phân tích của Nomura cho rằng biến thể Omicron và chiến lược “Không COVID” là những thách thức chính đối với sự ổn định tăng trưởng. Dù vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn khẳng định nước này sẽ kiên trì với chính sách kiềm chế dịch COVID-19 hiện nay.
Để hạn chế thiệt hại kinh tế ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo đã đưa ra những lời lẽ “mềm mỏng” hơn dành cho lĩnh vực công nghệ đồng thời cam kết thúc đẩy nền kinh tế bằng một chiến dịch về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng đà phục hồi có thể chỉ là tạm thời chính phủ vẫn là quyết tâm chống dịch COVID-19 bằng mọi giá.
Những cam kết hỗ trợ
Hiện nay, các nhà phân tích đang chờ đợi thông tin chi tiết đằng sau những cam kết hỗ trợ sâu rộng từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Các công ty công nghệ của Trung Quốc đã rơi vào tầm ngắm của giới chức nước này do lo ngại về việc lạm dụng dữ liệu và độc quyền.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đã tăng vọt khi chính phủ kêu gọi "sự phát triển lành mạnh" của ngành này. Nhiều người đang đặt câu hỏi không rõ liệu đây có phải là dấu hiệu về sự kết thúc của một đợt siết chặt quy định hay không. Thị trường cũng nhận được lực đẩy khi chính phủ tuyên bố hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Dan Wang, nhà kinh tế tại ngân hàng Hang Seng Bank China, cho rằng Trung Quốc không có nhiều dư địa để phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa.
Về gói kích thích kinh tế quy mô lớn như gói kích thích trị giá 4.000 tỷ NDT (600 tỷ USD) của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chuyên gia Zhaopeng Xing của bộ phận nghiên cứu ANZ Research thuộc ngân hàng ANZ của Australia tỏ ra nghi ngờ về việc thực hiện trước chi phí gánh nợ gia tăng.
Niềm tin phai nhạt
Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết sẽ phát tiền mặt cho những người lao động nhập cư thất nghiệp và kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại do chính sách, phong tỏa và nhu cầu tiêu dùng giảm sút.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thúc đẩy nền kinh tế là một nhiệm vụ to lớn và đã trở nên phức tạp do chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19. Các nhà phân tích cảnh báo việc xét nghiệm COVID-19 diện rộng với dân số khổng lồ của Trung Quốc có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này.
Các chuyên gia phân tích của công ty tài chính Nomura gần đây dự đoán rằng chỉ riêng yêu cầu xét nghiệm diện rộng của Trung Quốc có thể tiêu tốn khoản tiền tương đương 2,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm của nước này. Nomura cho biết yêu cầu một nửa dân số tại quốc gia đông dân nhất thế giới này phải xét nghiệm ba ngày một lần có thể làm "mất" khoản tiền tương đương 0,9% GDP, trong khi việc yêu cầu 90% dân số phải xét nghiệm hai ngày một lần sẽ làm tốn thêm khoản tiền tương đương 2,3% GDP.
Ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Nomura, cho rằng biện pháp hạn chế này có thể phát sinh chi phí “khá cao” nếu được mở rộng ra cả nước, nhưng chỉ đem lại rất ít lợi ích, khi biến thể Omicron có thể khiến nhiều thành phố nữa phải phong tỏa.
Dự đoán ảm đạm nói trên được đưa ra sau khi cơ quan xếp hàng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,3%, thấp hơn nhiều mức mục tiêu chính thức mà chính phủ nước này đặt ra là 5,5%.