Những rạn nứt sau một thỏa thuận

Cuối cùng thì lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trong khuôn khổ vòng trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moskva, chấm dứt cuộc tranh cãi gay gắt bắt đầu từ một tháng nay.

Chú thích ảnh
Hệ thống đường ống dẫn khí từ Nga sang Hungary Druzhba ở Szazhalombatta (Hungary), ngày 18/5/2022. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Các nước thành viên đã nhất trí từ bỏ mua dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng hơn 2/3 tổng khối lượng nhập khẩu của khối. Xuất khẩu dầu của Nga qua hệ thống đường ống trên bộ vẫn được duy trì nhằm bảo đảm những nước như Hungary vẫn tiếp tục mua dầu thô với giá rẻ từ Nga. Quyết định của EU sẽ được thực hiện từ nay đến cuối năm.

Tuyên bố trên mạng xã hội Twitter ngay sau khi đạt được thỏa thuận, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố quyết định này nhằm “gây áp lực tối đa" đối với Moskva liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai ở Ukraine. Tuy nhiên, không ít ý kiến nhận định việc cắt phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ gây xáo trộn đáng kể thị trường thế giới, đồng thời gây ra nhiều thiệt hại cho cả hai bên.

Việc EU giải quyết được bất đồng nội bộ để đi đến quyết định có tính chất bước ngoặt không nằm ngoài dự đoán. Nhiều ngày trước hội nghị, lãnh đạo các thiết chế EU và một số nước thành viên chủ chốt đã liên tục đưa ra những thông điệp bày tỏ quyết tâm từ bỏ nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, bất chấp điều đó sẽ khiến nền kinh tế của khối chịu thêm đau đớn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cuối tuần qua đã đến Budapest để trực tiếp thuyết phục Thủ tướng Hungary Viktor Orban ủng hộ nỗ lực cấm vận dầu khí của Nga. Cho dù Budapest vẫn khăng khăng không nhượng bộ, đặt ra những điều kiện mà các nước khác không thể chấp nhận để đổi lấy sự đồng ý của Hungary, lãnh đạo EU vẫn lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận, và thực tế họ đã tìm được giải pháp để vượt qua bất đồng.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã liên tục áp đặt 5 đợt trừng phạt với mức độ ngày càng gia tăng nhằm gây sức ép với Moskva. Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt đến nay được đánh giá chưa đạt được mục tiêu. Theo nhiều báo cáo phân tích kinh tế, Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chế tài của phương Tây, nhưng trong ngắn hạn vẫn bảo đảm được các phương tiện cần thiết, đủ khả năng vượt qua khó khăn nhờ vào nguồn thu khổng lồ từ dầu khí. Xuất khẩu dầu khí sang châu Âu đóng góp quyết định giữ cho dòng tiền vẫn đổ liên tục vào hệ thống ngân hàng Nga. Theo ước tính của Viện Tài chính quốc tế (IIF), thặng dư tài khoản vãng lai của Nga trong 4 tháng đầu năm nay lên đến 95 tỷ USD, gần bằng cả năm 2021 - khoảng 124 tỷ USD - do giá năng lượng toàn cầu tăng.

Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho biết từ thời điểm Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây 3 tháng, các nước thành viên EU đã thanh toán cho Moskva 54 tỷ euro mua dầu khí, trong đó riêng dầu là 28 tỷ euro.

Trước khi nổ ra xung đột, thậm chí chỉ cách đây 2 tháng, ít người dự đoán EU sẽ đi xa đến mức cắt đứt nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Số liệu của EC cho biết dầu mỏ từ Nga chiếm 25,4% lượng tiêu thụ của EU. Tỷ lệ này ở một số nước như Hungary, Phần Lan, Slovakia còn cao hơn nhiều. Với những yếu tố ấy, cộng với tình trạng nền kinh tế châu lục đang phải chống chọi với lạm phát cao, giá dầu thế giới tăng vọt, thật dễ hiểu khi một số nước, dẫn đầu là Hungary, đã không đồng tình với ý tưởng của EC và những nước tiên phong.

Trong hoàn cảnh đó, có thể nói EU đã cố gắng vượt bậc để "đánh thẳng vào túi tiền" của Nga, chấp nhận khó khăn cho EU trong những năm tới. Với việc Ba Lan và Đức tự nguyện ngừng nhập khẩu dầu của Nga cung cấp qua hệ thống đường ống Druzhba từ nay đến cuối năm, trên thực tế EU sẽ giảm 92% lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

Việc EU cắt phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ làm thay đổi toàn diện thị trường năng lượng toàn cầu. Trước mắt, thị trường sẽ chịu một cú sốc lớn do EU phải tăng cường mua từ các nước khác để bù đắp, đẩy giá dầu tăng hơn nữa. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2022, các nước EU và Anh dự báo sẽ tiêu thụ 13,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 13,6% nhu cầu của toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn cung có căng thẳng hơn nhưng chưa đến nỗi gián đoạn, vì nhiều nước sẽ tăng sản lượng khai thác. Tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đang có xu hướng giảm vì tăng trưởng kinh tế chậm lại, ảnh hưởng của chính sách "Không COVID". Mặt khác, giá tăng sẽ tự động đẩy tiêu thụ dầu mỏ giảm. Theo tính toán của ngân hàng Mỹ Bank of America (BofA), nếu giá dầu tăng thêm 30 USD/thùng, nhu cầu thế giới sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày.

Chính vì thế, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đến nay vẫn lặng thinh trước việc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi tăng sản lượng, vì lo ngại lúc giá dầu giảm mạnh, các thành viên OPEC sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách đột ngột, như từng xảy ra cách đây mấy năm. Thị trường dầu mỏ thế giới vẫn rất khó lường vì tác động của nhiều biến số, đặc biệt là triển vọng chưa rõ ràng của tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran, quan hệ Mỹ - Venezuela, thậm chí nguy cơ xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trước mắt, EU sẽ phải tìm đến những nước xuất khẩu dầu mỏ xa xôi hơn để bù đắp khoảng 3 triệu thùng dầu thô thiếu hụt mỗi ngày. Dự kiến Tây Phi, với 3 nước xuất khẩu chính là Angola, Cameroon, Nigeria, sẽ trở thành nhà cung cấp mới cho EU, cùng với Trung Đông và Bắc Mỹ. Đối với sản phẩm đã chế biến, như diezel, thì phức tạp hơn. Từ trước đến nay EU luôn dựa vào Nga. Giải pháp có thể là tăng mua từ Mỹ và mở rộng năng lực lọc dầu tại chính EU, cả hai đều đặt ra những vấn đề mới, như đẩy giá diezel tăng cao và phản ứng của người dân, do lọc dầu là ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Trong trung hạn, cú hích mới này sẽ thúc đẩy EU phát triển năng lượng tái tạo để hạn chế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi này đều có giá của nó. EC ước tính để chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu khí của Nga, EU sẽ phải đầu tư đến 220 tỷ euro, một khoản ngân sách rất lớn trong bối cảnh châu lục vừa mới bước ra khỏi đại dịch.

So sánh tương quan, rõ ràng Nga sẽ chịu thiệt hại lớn hơn nhiều. Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu dầu mỏ của Nga lên đến 12,6 triệu thùng, chiếm 12,8% nhu cầu thế giới, phần lớn dành cho EU. Nga đã bù đắp được việc Mỹ và Anh ngừng nhập khẩu bằng cách tăng xuất khẩu sang Ấn Độ, nước hiện chiếm 14% xuất khẩu của Nga so với chỉ 1% trong tháng 1. Thế nhưng, khoảng trống từ việc EU rời bỏ thị trường Nga quá lớn và gần như không thể lấp đầy khi các lựa chọn thay thế đã gần như cạn kiệt. Nhiều giếng dầu tại Nga có khả năng buộc phải đóng cửa vì không tìm được đầu ra.

Dù sao đi nữa, quyết định của EU cũng thể hiện "sự khéo léo thỏa hiệp". Tuy nhiên, thêm một lần nữa, cuộc vận động để đi đến quyết định cấm vận dầu mỏ Nga lại làm bộc lộ hạn chế của EU. Từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine, không phải bao giờ các nước thành viên EU cũng đồng quan điểm. Mặc dù là tổ chức quốc tế có mức độ hội nhập rất sâu, rốt cuộc EU cũng không tránh được những giới hạn của cơ chế vận hành dựa trên sự đồng thuận, giống như các tổ chức quốc tế khác. Mấy năm gần đây, EU đã không ít lần bất lực trong việc xây dựng lập trường chung đối với một số vấn đề quốc tế lớn và đều bó tay trước quan điểm khác biệt của một số ít thành viên.

Những tuần tranh cãi về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga phần nào làm lung lay tình đoàn kết của EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng tuyên bố rằng Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã "tấn công" vào tình đoàn kết của EU bằng đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga. Giới phân tích nhận định việc EU có thể đưa ra gói trừng phạt thứ bảy, tập trung vào khí đốt của Nga, sẽ là một câu hỏi khó hơn rất nhiều.

“Sự thống nhất đã bắt đầu rạn nứt và sẽ còn tiếp tục”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ thái độ lo ngại ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh bất thường EU bàn về cấm vận dầu mỏ Nga. Ông nhận định “Châu Âu vẫn là khối kinh tế khổng lồ, có sức mạnh vô cùng lớn và có thể sử dụng sức mạnh này hiệu quả nếu có sự thống nhất”. Thế nhưng, không phải bao giờ EU cũng phát huy được công cụ này theo ý muốn.

Tiến Nhất (PV TTXVN tại CH Pháp)
Nga hối thúc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực
Nga hối thúc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/5 cho rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng tăng hiện nay phụ thuộc vào phương Tây và Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN