Những lần Lầu Năm góc đau đầu với Tổng thống Trump

Cả hai lần Tổng thống Mỹ Donald Trump ra thông báo quan trọng về Triều Tiên và vũ trụ, Lầu Năm góc đều rất bất ngờ.

Chú thích ảnh
 Tổng thống Trump (giữa) cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (thứ hai từ phải) trong cuộ họp nội các ngày 21/6. Ảnh: Getty Images

 

Phần lớn thời gian từ khi làm tổng thống, ông Trump luôn ủng hộ quân đội Mỹ, cam kết hỗ trợ họ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dường như chính quyền Mỹ đã đưa ra những chính sách ảnh hưởng tới Lầu Năm góc mà không hề thông báo trước.

 

Vụ ngừng tập trận với Hàn Quốc

 

Vụ thứ nhất diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong họp báo, Tổng thống Trump cam kết chấm dứt tập trận chung với Hàn Quốc. Ông nói: “Chúng tôi sẽ ngừng tập trận với Hàn Quốc và sẽ tiết kiệm một khoản tiền khổng lồ. Tùy tình hình chúng tôi sẽ đàm phán một thỏa thuận toàn diện. Tập trận là điều không phù hợp”.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump bất ngờ thông báo ngừng tập trận chung Mỹ-Hàn ngày 12/6. Ảnh: Getty Images

 

Đó là một thông báo quan trọng. Quan hệ an ninh của Mỹ với Hàn Quốc là xương sống trong liên minh hai nước và tập trận chung là cách rõ ràng nhất để Mỹ thể hiện cam kết với Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao người ta hy vọng tổng thống và đội ngũ phụ tá sẽ làm việc với phía Hàn Quốc để bàn chuyện hủy tập trận.

 

Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Lầu Năm Góc không hay biết ông Trump sẽ đưa ra tuyên bố đó. Trong thực tế, 28.500 binh sĩ Hàn Quốc vẫn đang chuẩn bị cho tập trận chung vào tháng 8. Phát ngôn viên quân đội Mỹ ở Hàn Quốc nói với tờ New York Times ngày 12/6 rằng họ không có hướng dẫn mới nào về thực hiện hay hoãn tập trận chung, kể cả cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi.

 

Ngày 18/6, một tuần sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Lầu Năm góc thông báo sẽ không tổ chức tập trận với Hàn Quốc.

 

Thành lập lực lượng vũ trụ

 

Tiếp đó, ngày 25/6 vừa rồi, Tổng thống Trump lại thông báo thành lập một lực lượng quân sự hoàn toàn mới: lực lượng vũ trụ. Quyết định này khiến cả quân đội lẫn Quốc hội bất ngờ. Nếu được hiện thực hóa, lực lượng vũ trụ sẽ trở thành quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ.

 

Mỹ chưa từng lập quân chủng mới từ năm 1947 – thời điểm thành lập không quân.

 

Thành lập một quân chủng mới đột ngột sẽ đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ để lên kế hoạch và tái tổ chức. Nhưng điều đó không thành vấn đề với Tổng thống Trump. Ông đã giao tướng Hải quân Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tìm hiểu cách thành lập một lực lượng vũ trụ chỉ vài giây sau khi thông báo sẽ thành lập lực lượng này.

 

Theo tờ Wall Street Journal ngày 22/6, Tổng thống Trump đưa ra thông báo bất ngờ trên sau khi cảm thấy Lầu Năm Góc đã cản trở ông nhiều tháng qua. Ông cho biết ít nhất từ tháng 3, ông đã muốn Mỹ có lực lượng vũ trụ.

 

Trước đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, tướng Joseph Dunford và các quan chức không quân hàng đầu trước đó đều phản đối thành lập quân chủng mới này. Lầu Năm Góc đã nghiên cứu vấn đề và nó rằng điều này sẽ xảy ra nhưng không phải bây giờ. Trái lại, Tổng thống Trump nói rõ rằng ông muốn lực lượng vũ trụ sớm thành hiện thực.

 

Vấn đề di cư

 

Một ví dụ nữa cho thấy việc Lầu Năm Góc ngày càng xa rời Tổng thống Trump. Theo tờ Vox, khi phát biểu với phóng viên ngày 20/6 trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis rõ ràng gặp vấn đề khi trả lời câu hỏi Lầu Năm Góc có thể cung cấp chỗ ở cho 20.000 trẻ di cư như thế nào trong các căn cứ quân sự.

 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trả lời phóng viên tại Lầu Năm góc Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

 

Giới chức chính phủ Mỹ đã thăm bốn căn cứ quân sự trong hai tuần để xem các khu vực này có thể trở thành nơi ở tạm cho trẻ em di cư. Tuy nhiên, khi được phóng viên đề nghị nói về bốn căn cứ này và chi tiết cụ thể, ông Mattis lảng tránh trả lời và không thoải mái. Ông dường như không muốn Lầu Năm Góc dính líu vào mớ hỗn độn chính sách nhập cư của Tổng thống Trump.

 

Theo ông Groombridge, cựu cố vấn của ông Bolton, nói: “Ông ấy sẽ tuân thủ lệnh cung cấp chỗ ở nhưng hoàn toàn không muốn liên quan tới tranh cãi chính trị xung quanh vấn đề này”. Thay vào đó, ông ngụ ý phóng viên có thể hỏi Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Y tế và Dịch vụ Con người.

 

Trước đó, Tổng thống Trump cũng khiến Lầu Năm Góc ngạc nhiên hồi năm ngoái khi ra lệnh cấm người chuyển giới gia nhập quân đội, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và muốn rút quân đội Mỹ khỏi Syria – trái với những gì các quan chức quốc phòng hàng đầu nói.

 

Nguyên nhân lệch nhịp

 

Lý giải cho mối quan hệ ngày càng trở nên lệch nhịp hơn bao giờ hết thời gian gần đây, các chuyên gia đã có một số giả thuyết.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia cho rằng ông Mattis không muốn trở thành tâm điểm chú ý. Ảnh: Getty Images

Theo họ, việc ông John Bolton đảm nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hồi tháng 4 có nghĩa là mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Bộ Quốc phòng sẽ còn nhiều khúc mắc.

 

Ông Loren Schulman, chuyên gia quốc phòng thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định: “Với đội ngũ Hội đồng An ninh Quốc gia mới, sẽ có trục trặc trong hiểu nhau, đặc biệt là nếu ông Mattis trước đó thân cận với Tổng thống Trump hơn là ông H.R. McMaster (cựu cố vấn an ninh quốc gia)”.

 

Có khả năng Bộ trưởng Quốc phòng muốn tránh ra mặt và không thông báo những ưu tiên của Lầu Năm Góc trước công chúng một cách mạnh mẽ. Ông Mark Groombridge, cựu cố vấn của ông Bolton tại Bộ Ngoại giao và Liên hợp quốc, cho rằng Bộ trưởng Mattis ít thể hiện hơn vì đó có thể là ý đồ của ông khi suy tính về tương lai của bản thân.

 

Bà Dana White, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, cho rằng thật ngớ ngẩn khi kết luận rằng Bộ trưởng Mattis không được Tổng thống Trump tham khảo khi ra quyết định.

 

Theo ABC News, hiện không rõ ông Mattis có ảnh hưởng bao nhiêu tới Tổng thống. Chỉ biết ông Trump và Mattis từ chỗ nói chuyện vài lần mỗi ngày qua điện thoại tới chỗ ông Mattis chỉ biết về những quyết sách lớn sau khi nó được thông báo.

 

Theo Vox, cho dù là lý do gì đi chăng nữa, việc Lầu Năm Góc luôn bị bất ngờ trong thời điểm bất ổn như hiện nay là điều đáng lo ngại, đặc biệt là khi Triều Tiên đang bước vào giai đoạn nhạy cảm và khu vực biên giới phía Nam của Mỹ đang hỗn loạn vì vấn đề di cư. Đó không phải cách vận hành của quân đội mạnh nhất thế giới.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mở mặt trận mới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Trump nhằm mục đích gì
Mở mặt trận mới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Trump nhằm mục đích gì

Vòng hai cuộc tấn công thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc dự kiến sẽ bùng nổ vào cuối tuần này với một mục tiêu mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN