Nguy cơ khủng hoảng vận tải quốc tế nhen nhóm từ Biển Đỏ

Một cuộc khủng hoảng mới đang nhen nhóm tại một trong những cung đường thương mại huyết mạch của thế giới, có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng cũng như đẩy giá dầu và lạm phát đi lên, ở thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu FSO Safer ở ngoài khơi cảng Ras Issa thuộc tỉnh Hodeidah, Yemen. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại gia tăng trong thời gian gần đây đã khiến tập đoàn dầu BP và bốn trong số các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC, dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty này cũng phải tránh cả tuyến đường trọng yếu qua Kênh Suez.

Biển Đỏ là tuyến đường giao thông nối liền với kênh đào Suez, tại đây eo biển Bab al-Mandab - tuyến đường biển hẹp gần Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là tuyến hàng hải huyết mạch của khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10 - 15% thương mại toàn cầu. Đây là cửa ngõ dẫn đến kênh đào Suez.

Đứng trước tình hình căng thẳng hiện nay, một số tàu đã đang chuyển sang cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở nam châu Phi. Nhưng việc kênh đào Suez đóng cửa trong thời gian dài sẽ khiến chi phí vận tải biển gia tăng và kéo dài thời gian vận chuyển. Cho đến nay, các tàu vận chuyển đã chuyển hướng lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn 30 tỷ USD khỏi khu vực Biển Đỏ, trước nguy cơ bị tấn công bởi lực lượng Houthi.

Ông Christian Roeloffs, Giám đốc điều hành (CEO) Container xChange, một nền tảng cho thuê container, cho biết: “Biển Đỏ, nhất là với kênh đào Suez, như một siêu xa lộ với các tàu container, kết nối các khu vực khác nhau của thế giới, đặc biệt là châu Âu, châu Á và châu Phi”. Ông cho hay một lượng lớn nguồn cung năng lượng, dầu cọ và ngũ cốc của châu Âu đi qua kênh đào Suez.

Chính vì tầm quan trọng của tuyến đường này mà Mỹ mới đây đã cùng chín nước khác tham gia bảo vệ hoạt động vận tải thương mại tại khu vực Biển Đỏ. Trong phát biểu thông báo về sáng kiến này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Biển Đỏ là một tuyến đường quan trọng cần thiết cho sự tự do hàng hải và là một hành lang thương mại lớn trong thương mại quốc tế. Ông Austin cho hay các cuộc tấn công gần đây của lực lượng Houthi đã khiến cước phí vận tải và phí bảo hiểm tăng, và giá dầu cũng đi lên. Quan chức này khẳng định các tuyến đường vận tải tại Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng với sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu đảo chiều

Mỗi năm có hơn 17.000 tàu và khoảng 10% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb. Công ty phân tích Vortexa cho biết từ tháng 1 đến tháng 11, trung bình mỗi ngày có khoảng 8,2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu đi qua Biển Đỏ.

Giá dầu đã tăng gần 2% đầu tuần này sau khi tập đoàn dầu BP thông báo sẽ dừng tất cả các chuyến hàng đi qua Biển Đỏ. Công ty vận tải biển Euronav của Bỉ, một trong những đơn vị vận tải dầu thô lớn nhất thế giới, cũng cho biết sẽ “tránh khu vực này cho đến khi có thông báo mới”.

Dù giá dầu đã giảm xuống phần nào sau đó, nhưng sự bật tăng trong phiên đầu tuần đã đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng trong chiều hướng của giá “vàng đen”. Trước đó, giá dầu đã giảm suốt bảy tuần liên tiếp, trước khi xảy ra các cuộc tấn công tuần trước. Đây là chuỗi giảm giá liên tục dài nhất của giá dầu kể từ cuối năm 2018.

Ông Matthew Wright, một chuyên gia phân tích của công ty dữ liệu Kpler, nhận định châu Âu là khu vực có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong dòng thương mại qua kênh đào Suez, khi 25% lượng sản phẩm dầu đã lọc nhập khẩu của châu Âu đi qua kênh đào này.

Còn ở phạm vi toàn cầu, theo các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs, tình hình gián đoạn này có khả năng sẽ không gây ra nhiều tác động lớn đối với giá dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khi đã có các tuyến đường thay thế khác cho các tàu chở dầu.

Giá khí tự nhiên tại châu Âu đã giảm mạnh trong phiên 19/12, đảo ngước đà tăng trước đó. Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu LNG và khí tự nhiên của tổ chức tư vấn và phân tích Wood Mackenzie, nhận định tình hình hiện tại khiến thị trường lo ngại phần nào, nhưng tác động của nó đến các yếu tố cơ bản của thị trường lại rất hạn chế. Theo chuyên gia này, yếu tố lớn hơn chi phối giá tại châu Âu và châu Á vẫn là mức nhiệt cao hơn trung bình, vì yếu tố này sẽ tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu và giá.

Một nhà phân tích nói với Reuters: “Chúng tôi chưa quan sát thấy bất kỳ sự rối loạn nào trong việc mua cũng như bất kỳ thay đổi hành vi nào ở các nhà máy lọc dầu”. Những người tham gia thị trường LNG tin rằng thương mại LNG có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ không có tác động lớn đến nguồn cung toàn cầu. Đa số tin rằng các chuyến hàng của Mỹ, nếu hướng tới Trung Quốc/châu Á, chỉ có thể bị chậm trễ trong thời gian ngắn nếu có sự điều chỉnh hay thay đổi tuyến đường vận chuyển. Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Nhật Bản (JGA) Takahiro Honjo phát biểu trong một cuộc họp báo rằng mặc dù có những rủi ro nhưng “tôi không nghĩ rằng khủng hoảng nguồn cung sẽ đột ngột xảy ra sớm”.

Tác động đến hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng

Tuy nhiên, việc định tuyến lại các dòng thương mại ở quy mô lớn sẽ có nguy cơ cản trở các chuỗi cung ứng trong ngắn hạn và đẩy phí vận tải biển tăng cao, từ đó có thể ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Hơn 80% thương mại hàng hóa toàn cầu được thực hiện bằng đường biển, và lưu lượng vận chuyển qua một tuyến đường quan trọng khác là kênh Panama đã bị hạn chế bởi tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Ông Matthew Wright của công ty Kpler cho biết tình hình ở Biển Đỏ xảy ra giữa lúc hoạt động vận chuyển qua kênh Panama cũng sụt giảm, có nghĩa là cả hai tuyến đường huyết mạch này đều gặp vấn đề ở cùng một thời điểm.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng mọi thứ có thể leo thang đáng kể nếu các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tiếp tục diễn ra. Phí bảo hiểm và giá các sản phẩm dầu khí dự kiến sẽ tăng nếu xung đột không được giải quyết. Một nguồn tin vận chuyển không công khai danh tính nói với Reuters rằng phí bảo hiểm rủi ro xung đột đã tăng từ 2.000 USD lên 10.000 USD do sự gián đoạn.

Các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, trong đó có MSC, Maersk, Hapag-Lloyd và CMA CGM — đều đang chuyển tuyến một số tàu của họ để đi qua mũi Hảo Vọng của châu Phi. Việc điều chỉnh này sẽ khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm nhiều tuần, khiến chi phí gia tăng. Các chi phí này sẽ được thể hiện trực tiếp trên chi phí nhập khẩu cuối cùng. Theo Vortexa, giá đặt tàu Suezmax để vận chuyển dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu đã tăng 25% trong một tuần.

Ông Richard Meade, Tổng biên tập tờ báo vận tải biển Lloyd’s List, nói với chương trình Today của BBC Radio 4 rằng việc các hãng thay đổi hành trình vận tải đi qua Mũi Hảo Vọng nhiều khả năng sẽ tạo ra những tác động nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Marco Forgiona, Tổng Giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế, nói với BBC rằng việc định tuyến lại sẽ làm tăng chi phí nhiên liệu và bảo hiểm cho việc vận chuyển, “và sau đó bạn gặp phải vấn đề là các con tàu ở sai vị trí, các container được đặt sai vị trí và bạn có nguy cơ bị tắc nghẽn tại các cảng và bị chậm trễ hơn nữa”.

Sự cố tắc nghẽn xảy ra ở kênh Suez năm 2021 đã cho thấy tầm quan trọng của các tuyến đường vận chuyển lớn. Khi tàu container Ever Given bị mắc cạn ở đây vào tháng 3/2021, thời gian vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ đã bị kéo dài, và tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Thời điểm đó, các cảng đã bị tắc nghẽn từ trước đó và cước phí vận tải tăng chóng mặt, một phần vì nhu cầu hàng hóa cao chưa từng thấy trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Còn lần này, ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty logistics Freightos, cho biết năng lực vận chuyển đang dư thừa ở mức kỷ lục. Vì thế, dù các tuyến đường dài hơn có thể sẽ đẩy cước phí vận tải lên cao hơn, nhưng vì các hãng tàu phải tìm cách tận dụng năng lực dư thừa này, nên cước phí sẽ không thể tăng lên những mức đã từng ghi nhận trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, ông Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng ING, cho rằng thời gian vận chuyển lâu hơn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền. Ông khẳng định: “Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc tình hình này sẽ kéo dài trong bao lâu”.

Khánh Ly  (TTXVN)
Tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục hỗ trợ giá dầu đi lên
Tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục hỗ trợ giá dầu đi lên

Giá dầu kết thúc phiên giao dịch nhiều biến động hôm 20/12 với mức tăng nhẹ, do các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông khi tình hình Biển Đỏ diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN