Nguy cơ khủng hoảng tài chính Trung Quốc

Với các món nợ của chính quyền địa phương tăng 67% trong ba năm lên tới 3.000 tỷ USD như được nêu trong một báo cáo chính thức công bố cuối năm ngoái, ngày càng có nhiều những phân tích về nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tạp chí "Tin Trung Hoa" khẳng định Trung Quốc có thể gặp rủi ro về tài chính nhưng sẽ không xảy ra khủng hoảng quy mô lớn.

Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC).


Phần lớn các phân tích tập trung nói về hệ quả trước mắt của tình trạng đầu tư hiệu quả thấp ở địa phương cho hạ tầng giao thông, trạm lọc cấp nước, mạng lưới viễn thông và dự án bất động sản, những lĩnh vực là xương sống của quá trình đô thị hóa. Trong khi các món nợ không trả được tích tụ vì nợ cũ được gia hạn và các khoản tín dụng mới được cung cấp bởi các thể chế tài chính không chính thức cũng như các quỹ quản lý, nguy cơ phản ứng dây chuyền là có thể, với một viễn cảnh không thể chấp nhận được đối với chính quyền Trung Quốc là việc các ngân hàng vỡ nợ hàng loạt. Một số đánh giá không được kiểm chứng cho rằng 30% số tín dụng được cấp chỉ để trả các món nợ trước đó, trong khi 40% số nợ của các địa phương là từ các tổ chức tài chính không chính thức có nền tảng tài chính không vững chắc mượn danh và lấy uy của Nhà nước.


Mới đây, Nhà nước Trung Quốc đã ra tay cứu quỹ quản lý China Credit Trust - đang trong thế bí sau khi cấp tín dụng cho một công ty than gặp khó khăn vì đã mua bán sản phẩm tài chính độc hại với Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC), một trong bốn ngân hàng Nhà nước lớn của Trung Quốc. Với sự can thiệp của Nhà nước, toàn bộ 700 nhà đầu tư trước đó đã đóng góp mỗi người khoảng 700.000 USD, phải chấp nhận không có lời, nhưng được hoàn lại số tiền đặt cọc. Tuy nhiên, giá trị của vụ chuyển nhượng chỉ là 500 triệu USD so với con số khổng lồ 9.000 tỷ USD của nền kinh tế Trung Quốc. Thực tế là, cho dù ICBC vẫn tiếp tục là xương sống của hệ thống tài chính Trung Quốc, song một thể chế tài chính dễ đổ vỡ như vậy là điều đáng lo ngại.


Tờ Thời báo tài chính phố Wall dẫn lời chuyên gia tài chính Wang Tao nhận định, tổng giá trị các sản phẩm tài chính đáng ngờ được các quỹ quản lý cung cấp và đến hạn phải trả vào năm 2012 có thể lên tới 9,4 tỷ USD. Trong phân nửa các trường hợp, nhà đầu tư được trả lãi bằng những khoản vay mới tại các quỹ quản lý hay các thiết chế cho vay không có gì bảo đảm chắc chắn. Những thông tin xung quanh vụ cứu China Credit Trust có thể đã làm thức tỉnh về nguy cơ tích lũy tín dụng đáng ngờ.


Mối lo ngại lại càng lớn khi Hội đồng Nhà nước hồi tháng 1/2014 công bố đánh giá về quy mô thực của các khoản nợ là tương đương 218% GDP, vào khoảng 19.000 tỷ USD, bao gồm nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình và Nhà nước, tăng 87% kể từ năm 2008 đến nay. Liu Yuhui, Giám đốc Ban tài chính thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng dù mức tăng tín dụng có chậm lại trong thời gian tới như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) dự báo, thì vẫn cần phải thiết lập cơ chế xóa các món nợ không trả được, tránh phản ứng dây chuyền tài chính và các vụ vỡ nợ.


Rõ ràng là trở ngại cho tiến trình lành mạnh hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc là không ít. Cái khó cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc là kìm hãm đầu tư như mong muốn sẽ có nguy cơ làm gia tăng các vấn đề xã hội, nhưng duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sẽ đặt đất nước trước rủi ro tài chính với những tác động xã hội nghiêm trọng không kém. Tuy nhiên, Trung Quốc, với tiềm lực tài chính hiện có và các ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, có thể ít chịu rủi ro mang tính hệ thống hơn các nền kinh tế khác. Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế việc cấp tín dụng dễ dãi như Thống đốc PboC Chu Tiểu Xuyên đã nói, đồng thời tìm cách phòng ngừa sự cố tài chính. Chính vì vậy, những ý kiến nói đến sự đổ vỡ tài chính quy mô lớn lúc này đều được cải chính. (còn tiếp)


Trần Mạch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN