Nguy cơ đối đầu quân sự giữa Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya

Xung đột tại Libya phức tạp, nhưng về cơ bản những diễn biến hiện nay cho thấy đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm với sự can dự rõ nét của Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Chú thích ảnh
 Lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) tại Tripoli. Ảnh: THX/ TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ vài tháng gần đây tăng cường can thiệp quân sự vào Libya, cử tàu chiến áp sát bờ biển Libya, điều máy bay chở vũ khí, chuyển thiết bị bay không người lái chi viện cho lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA).

Ý định của Ankara là hậu thuẫn cho GNA, làm suy yếu “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA) do tướng Halfar đứng đầu được Ai Cập hậu thuẫn, để hướng đến mục tiêu lớn hơn là quyền thăm dò, khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải.

Xung đột tại Libya mang đặc trưng của một cuộc chiến ủy nhiệm. Iran, Hy Lạp, Italy, Pháp đều đang theo dõi sát diễn biến ở Libya. Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Saudis Arabia, Nga và có thể là cả Pháp - ủng hộ tướng Haftar. Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar hậu thuẫn GNA. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ còn có ý sử dụng Libya là chiến trường thử nghiệm loại vũ khí mới là thiết bị bay không người lái (drone). 

Đối đầu giữa hai lực lượng hiện ở mức báo động. Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ sự lão luyện với bước đi chi viện vũ khí, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho lực lượng GNA. Chính mẫu drone Bayraktar do Ankara cung cấp đã giúp quân đội GNA đánh bại hệ thống phòng thủ Panstir của Nga do UAE chuyển cho lực lượng thân tướng Haftar, đẩy lui các cuộc tấn công của LNA.

Giờ đến lượt Tổng thống Ai Cập Fatah al-Sisi bắn tín hiệu về lập lằn ranh đỏ ở Libya. Tổng thống al-Sisi ngày 20/6 khẳng định khu vực Sirte-Jufra là "ranh giới đỏ" đối với Ai Cập và GNA không được đi quá giới hạn này. Ông viện dẫn tầm quan trọng của bảo vệ biên giới làm cơ sở để "sự can thiệp trực tiếp" vào Libya. Theo ông, Ai Cập có quyền tự bảo vệ sau khi nhận thấy những mối đe dọa trực tiếp từ các lực lượng được nước ngoài hậu thuẫn.

Ông al-Sisi công khai đề cập đến khả năng điều chuyển lực lượng quân sự ra nước ngoài với mục đích chính là để Mỹ phải xem xét nghiêm túc yêu cầu của Ai Cập về thiết lập lệnh ngừng bắn tại Libya. Về phần mình, Ankara tuyên bố sẽ xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Libya, như đã làm ở nhiều nước khác.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Cairo.
Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng kiểm soát Đông Địa Trung Hải và cũng chi phối luôn chính sách của Mỹ ở Syria, Libya và Iraq. Ankara trước khi hành động đã yêu cầu chính quyền Trump can dự nhiều hơn ở Libya, nhưng Mỹ chần chừ vì có hiện diện, vai trò của Nga ở đây. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ ở thế yếu trong xung đột Libya. 

Mỹ muốn loại Nga khỏi Libya và vì đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách “tống tiền” Mỹ. Những gì Ai Cập có thể làm là tuyên bố khả năng can dự vào Libya để buộc Washington phải xem xét lợi ích của Cairo tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuy nhiên, ông Trump đã phát đi tín hiệu Mỹ không muốn có thêm can dự nào tại Trung Đông. Hôm 9/6, ông Erdogan cho biết đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề Libya. Sau thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết từ chối lệnh ngừng bắn, cam kết sẽ không có bất kỳ cuộc tiếp xúc, thảo luận nào với tướng Haftar về một lệnh ngừng bắn. 

Nga giờ cũng là một nhân tố không thể bỏ qua. Moskva đã yêu cầu Mỹ hợp tác trong vấn đề Libya. Ngoại trưởng Nga đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16/6, với hàm ý ngầm yêu cầu Ankara ngừng can dự hậu thuẫn GNA. Nhưng dường như động thái này không mang lại kết quả. 

Thổ Nhĩ Kỳ đang điều chuyển các tay súng thân Ankara ở Syria sang chiến trường Libya. Điều này phù hợp với lợi ích của Đức, nước ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vì muốn ngăn chặn dòng người di cư sang châu Âu. Về phần mình, Nga có thể sẽ tìm cách gây căng thẳng tại Idlib/Syria để buộc Ankara giảm can dự tại Libya. Mọi cuộc xung đột và người tị nạn vì thế đều có liên hệ với nhau. 

Câu hỏi lớn hiện nay thuộc về ông Sisi. Ai Cập sẽ gửi quân tham chiến, hay là Mỹ sẽ lắng nghe quan ngại của Ai Cập và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn? Khó khăn với ông Sisi nằm ở chỗ GNA có được sự hậu thuẫn vận động hành lang đầy tiềm lực ở Washington, với đại diện là những tiếng nói ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Số này cho rằng chính sách của Mỹ ở Trung Đông cần đi theo những định hướng của Ankara. Họ tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đến một lúc nào đó sẽ ngoảnh mặt với Iran và Nga. Nhượng bộ của Mỹ trước Thổ Nhĩ Kỳ càng lớn sẽ càng đẩy nhanh việc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hợp tác với Moskva và Tehran. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Jpost)
Ai Cập để ngỏ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình Libya
Ai Cập để ngỏ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình Libya

Ngày 20/6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố những bước tiến gần đây của lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Libya có thể khiến quân đội Ai Cập phải can thiệp quân sự tại quốc gia láng giềng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN