Năng lượng - Nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng tại biển Caxpi

Theo mạng tin ""Economywatch" ngày 24/11, từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các nước ven biển Caxpi, gồm Nga, Iran, Adécbaigian, Tuốcmênixtan và Cadắcxtan vẫn tranh cãi về cách thức phân chia lãnh hải tại biển này. Với khoảng 250 tỷ thùng dầu đã được phát hiện, trữ lượng dầu khoảng 200 tỷ thùng và 9,2 tỷ m3 khí đốt đã được phát hiện, căng thẳng đang tăng lên do những động thái gần đây của Nga nhằm khai thác các nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ.

Dầu mỏ, mối lợi chung của nhiều quốc gia ven biển Caxpi - Ảnh Internet


Ngày 16/11, tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với khu vực Astrakhan, Chủ tịch công ty dầu mỏ Lukoil, ông Vagit Alekperov đã nói với các nhà báo rằng trong thập kỷ tới, công ty này sẽ chi hơn 16 tỷ USD để khai thác các mỏ dầu và khí đốt Korchagin và Filanovskii tại biển Caxpi. Việc phân chia công bằng các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi biển Caxpi vẫn ám ảnh khu vực từ tháng 12/1991, khi Liên Xô tan rã. Trước đó, Liên Xô và Iran đã phân chia biển này theo các điều khoản của Hiệp ước Liên Xô-Iran năm 1940, cho phép các bên quyền ưu tiên đánh bắt hải sản trong khu vực ven bờ nằm trong giới hạn 10 hải lý. Từ năm 1991, ba quốc gia Trung Á mới đã đấu tranh với dàn xếp song phương này. Trong 2 thập kỷ qua, 5 quốc gia vẫn tranh cãi về cách thức phân chia vùng biển ngoài khơi Caxpi và đạt được rất ít tiến bộ.

Mặc dù vẫn còn bất đồng, nhưng Adécbaigian, Tuốcmênixtan và Cadắcxtan đang thận trọng thăm dò khả năng khai thác các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại những khu vực mà họ tin rằng chắc chắn sẽ nằm trong phần của họ trong một thỏa thuận cuối cùng giữa 5 nước. Và mặc dù thận trọng như vậy, trong 15 năm qua Adécbaigian và Cadắcxtan đã tăng sản lượng khai thác ngoài khơi của họ thêm 70%. Nhưng vấn đề nằm ở những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau của Iran và Liên bang Nga về cách thức phát triển sự đồng thuận quốc tế về vấn đề Caxpi xa hơn các hiệp ước năm 1921 và 1940. Iran cho rằng cả 5 quốc gia nằm ven biển Caxpi nên nhận được 20% diện tích biển này, trong khi Nga khăng khăng cho rằng các nước nên nhận được phần của họ dựa trên độ dài ven biển. Theo công thức của Nga , Iran sẽ chỉ kiểm soát được 12-14% diện tích biển Caxpi. Do đó, cả 5 nước ven biển Caxpi đang thận trọng khai thác tài nguyên tại những khu vực chắc chắn nằm trong quyền kiểm soát của họ, bất chấp thỏa thuận cuối cùng giữa 5 nước ra sao. Nga và Iran là hai quốc gia cuối cùng tiến hành khai thác tại các mỏ ngoài khơi Caxpi.

Trong hai thập kỷ qua, các quốc gia ven biển Caxpi đã có thái độ thực dụng rõ ràng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở ngoài khơi biển Caxpi, đầu tiên là ở Bacu, rồi đến Axtana, Asơgabát và gần đây là Têhêran và Mátxcơva. Cả 5 nước dường như đang hành động thận trọng hướng đến việc treo cờ của họ tại những khu vực dường như không bị các nước láng giềng tranh chấp.


Thanh Hoa (p/v TTXVN tại Ốttaoa)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN