Mỹ tìm 'tấm áo mới' cho quan hệ với Lục địa Đen

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần đầu tiên trong lịch sử đã đánh dấu những nỗ lực của nước chủ nhà Mỹ trong cuộc đua nhằm khẳng định vị thế tại Lục địa Đen. Sự kiện được xem là mang tính "bước ngoặt", phản ánh mối quan tâm của Mỹ với lục địa đầy tiềm năng này nhằm tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm các cơ hội về kinh tế - thương mại, an ninh và phát triển kinh tế.

Các đại biểu từ các quốc gia châu Phi trong buổi lễ khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Washington DC ngày 4/8. Ảnh: Reuters


Với chủ đề “Đầu tư cho thế hệ tương lai”, chương trình nghị sự trong ba ngày tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, y tế nổi cộm mà các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt như tình trạng nghèo đói, bệnh tật và chống khủng bố cùng vấn đề phát triển kinh tế và đầu tư tại Lục địa Đen.

Đúng với mục đích thúc đẩy thương mại và đầu tư vào châu Phi được giới chức Washington công bố trước đó, nguyên thủ các nước châu Phi đã nhận được những cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Obama, theo đó chính phủ và các tập đoàn, công ty Mỹ từ nay đến năm 2018 sẽ đầu tư tổng cộng 33 tỷ USD vào các dự án thuộc các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ sở và ngân hàng.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng dự kiến công bố một loạt sáng kiến mới, trong đó có mở rộng cơ sở hạ tầng giao dịch biên giới, tăng gấp đôi các chương trình học bổng dành cho các nhà lãnh đạo trẻ châu Phi. Nhà Trắng cũng đang hối thúc Quốc hội nước này gia hạn Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9/2015 nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với Lục địa Đen.

Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng nước Mỹ quyết tâm trở thành một đối tác trong sự thành công của châu Phi, “chứ không chỉ đơn thuần nhòm ngó nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này”.

Những động thái trên cho thấy sự chuyển hướng chính sách quan trọng của Mỹ đối với châu Phi nhằm tăng cường can dự vào châu lục nhiều tiềm năng kinh tế - thương mại, nhưng cũng đầy cạnh tranh này. Trong thập kỷ qua, đối với Mỹ, châu Phi là một bức tranh tương phản với hai mảng sáng - tối rõ rệt.

Mảng sáng là một châu Phi với tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu giàu có mới nổi và các nền dân chủ được củng cố, trong khi mảng tối lại chìm đắm trong đói nghèo, dịch bệnh, xung đột, nội chiến và chủ nghĩa cực đoan.

Không thể phủ nhận rằng trong những năm gần đây, châu lục này đã dần "thay da đổi thịt" và có những bước chuyển mình đáng khích lệ khi được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á. Chính triển vọng tăng trưởng cùng nguồn tài nguyên phong phú và dồi dào đang khiến châu Phi ngày càng trở nên hấp dẫn với thế giới.

Đối với Mỹ, châu Phi không còn đơn thuần là châu lục của những xung đột, dịch bệnh và nghèo đói, nơi từ trước tới nay các mối quan hệ đối ngoại hầu hết chỉ tập trung vào các hình thức viện trợ. Trong chuyến công du châu Phi hồi năm ngoái, Tổng thống Obama đã nhận định rằng: “Tôi thấy ở châu Phi câu chuyện thành công vượt bậc về kinh tế tiếp theo của thế giới và Mỹ muốn đóng góp vào sự thành công đó”.

Quả thực, Lục địa Đen đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư Mỹ khi đây là ngôi nhà chung của 6 trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và ngày càng trở nên quan trọng đối với Washington.

Từ năm 2000, châu Phi thu hút nhiều giới đầu tư nước ngoài, trong đó, có nhiều nhà đầu tư đến từ các nước đang trỗi dậy. Ước tính, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi có thể lên tới con số kỷ lục là 80 tỷ USD trong năm nay, tăng trưởng trung bình có thể đạt 4,8% và tăng lên tới 5,7% vào năm 2015.

Chính những điều này là nguyên nhân khiến hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ coi trọng mở rộng quan hệ làm ăn với châu lục này. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho châu Phi tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ hiện đại thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chương trình xã hội, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được hưởng những lợi ích không nhỏ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại với châu lục này như tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm cho người dân Mỹ cũng như cơ hội tiếp cận một thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm hàng hóa của Mỹ.

Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại và củng cố quan hệ an ninh với châu Phi, dư luận cũng đánh giá việc Mỹ "tái cấu trúc" quan hệ với Lục địa Đen là một động thái cho thấy nỗ lực của Washington trong việc cạnh tranh với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nhằm khôi phục vị thế và tầm ảnh hưởng tại khu vực.

Từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, nhưng Mỹ đã để tuột mất vị trí này vào tay Trung Quốc từ 5 năm trước. Hiện Mỹ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi, sau EU và Trung Quốc. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - châu Phi đạt 60 tỷ USD, thua xa Trung Quốc với 200 tỷ USD và EU với 170 tỷ USD.

Giành lại châu Phi trong cuộc đua với các đối thủ là điều mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hề úp mở trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi. Nhà phân tích Christopher Wood tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi cho rằng: “Mỹ có lẽ đã tụt lại phía sau trong cuộc đua nhằm chinh phục cảm tình của châu Phi. Vì thế, hội nghị là con đường để Mỹ chạy đua với những đối thủ như Trung Quốc và EU”.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên, sau một thời gian sao lãng, khoảng cách giữa Mỹ với các đối thủ trong cuộc đua tại Lục địa Đen đã khá xa. Vì thế, việc giành lại ảnh hưởng ở châu lục này không phải là điều dễ dàng đối với Mỹ trong một sớm một chiều.
 

Phương Oanh
Mỹ có nên lo lắng Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại sân sau?
Mỹ có nên lo lắng Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại sân sau?

Khi mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ngày càng xấu đi, một số người cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc (và Nga) tới Mỹ Latinh nhằm tạo áp lực đối với Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN