Lý do Thái tử Saudi Arabia kêu gọi Israel không tấn công Iran

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo tại Riyadh hôm 11/11, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã kêu gọi Israel không tấn công Iran.

Chú thích ảnh
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại một sự kiện ở thành phố Jeddah. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài Sputnik (Nga), Thái tử bin Salman đặc biệt kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Israel “tôn trọng chủ quyền của Iran và không xâm phạm lãnh thổ của nước này”.

Bình luận về lời kêu gọi trên, nhà nghiên cứu chính trị Mehran Kamrava, Giáo sư chính phủ tại Đại học Georgetown Qatar, nhận định: “Đây chắc chắn là một diễn biến thú vị”.

Ông Kamrava đã đưa ra những lý do đằng sau động thái được cho là đầy bất ngờ của Thái tử bin Salman. 

Trước hết, vị chuyên gia này cho rằng quyết định bổ nhiệm các chính trị gia chống Iran vào những vị trí chính sách đối ngoại quan trọng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể khiến Israel mạnh dạn hơn trong việc tấn công Iran và châm ngòi cho một cuộc chiến khu vực lớn hơn.

“Những gì chúng ta đang thấy là nỗ lực của Saudi Arabia nhằm thể hiện sự không hài lòng và không chấp thuận khả năng mở rộng xung đột”, ông Kamrava bình luận.

Theo ông, Thái tử bin Salman dường như đang đặt nền tảng cho việc hạ nhiệt căng thẳng, tạo cơ hội cho Iran “thoát khỏi” cuộc xung đột với Israel một cách nhẹ nhàng.

“Iran hiện đã lấy lại được sự ủng hộ trên những con phố Arab. Đây là quân đội chính quy duy nhất tấn công Israel sau năm 1973”, vị giáo sư này nói và cho rằng lời kêu gọi của Thái tử bin Salman cũng nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Tehran.

Ông Kamrava lập luận đây là một trong những tín hiệu mà khu vực này muốn gửi đến Washington liên quan đến chính sách chung của nước này ở Trung Đông.

Trong khi đó, hồi tháng 10, Saudi Arabia và Iran đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Oman.

Trước hội nghị thượng đỉnh tuần này, Thái tử bin Salman đã điện đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Vào ngày 10/11, quan chức quân sự cấp cao của Saudi Arabia cũng đã đến thăm Tehran để gặp gỡ những người đồng cấp Iran.

“Những tín hiệu này đều rất quan trọng và có ý nghĩa”, ông Kamrava nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia, việc Thái tử Saudi Arabia tổ chức các cuộc họp gần đây nhằm thể hiện sức mạnh đoàn kết của các quốc gia Hồi giáo trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức. Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump không nêu rõ chính sách của mình đối với cuộc xung đột Israel - Hamas, hay các chính sách của ông sẽ khác với người tiền nhiệm Joe Biden như thế nào.

Hồi tháng 4, ông Trump tuyên bố Israel cần “hoàn tất và chấm dứt nhanh chóng những gì đã bắt đầu”. Ông lưu ý Tel Aviv đang thua trong cuộc chiến quan hệ công chúng vì những hình ảnh từ Gaza.

Ông Brian Hook, người từng là đặc phái viên về Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã nói với CNN vào tuần trước rằng tổng thống đắc cử có thể sẽ tìm cách khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran để “cô lập Iran về mặt ngoại giao” và “làm suy yếu nước này về mặt kinh tế”.

Dân biểu Mike Waltz của bang Florida, người được ông Trump đề cử giữ chức Cố vấn an ninh quốc gia, và Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người có khả năng sẽ được lựa chọn làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới, đều có chính sách cứng rắn đối với Iran.

Các nhà phân tích nhận định Saudi Arabia, quốc gia đã từng giúp ông Trump trong chính sách kiềm chế Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên, sẽ không sẵn sàng ủng hộ chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran như trước. Thay vào đó, quốc gia này đang tìm cách mở rộng quan hệ với Tehran.

Với chính sách ngoại giao hiện tại, Saudi Arabia muốn duy trì sự trung lập trước các cuộc xung đột liên quan đến Mỹ, Israel và Iran.

Ông Hussein Ibish, một học giả cao cấp tại Viện Các quốc gia Arab tại Washington nhận định có một số rủi ro chính trị đối với việc bình thường hóa quan hệ với Israel hiện nay.

“Với việc bình thường hóa này, Saudi Arabia thừa nhận rằng họ sẽ có nguy cơ bất đồng chính kiến ​​​​nội bộ, vai trò lãnh đạo khu vực của người Arab đang rất cạnh tranh. Thông điệp từ Riyadh là chúng tôi muốn hợp tác, nhưng phải có điều kiện nào đó, không chỉ về Palestine mà còn cả Iran”, ông Ibish cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNN/Sputnik)
Quan hệ Saudi Arabia - Iran 'ấm' lên trước thềm trở lại Nhà Trắng của ông Trump
Quan hệ Saudi Arabia - Iran 'ấm' lên trước thềm trở lại Nhà Trắng của ông Trump

Saudi Arabia và Iran đang xích lại gần nhau, thể hiện qua các cuộc gặp gỡ cấp cao và hợp tác quân sự trong bối cảnh Trung Đông chuẩn bị ứng phó với những thay đổi có thể xảy ra khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN