Lý do Mỹ khó đạt thỏa thuận cho hòa bình Trung Đông

Ngoại trưởng John Kerry dù đang tiếp tục các nỗ lực đối với tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện, hay ít nhất là một thỏa thuận khung giữa Israel và Palestine, song ông Kerry sẽ khó có thể thành công.

 

Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông và chính sách đối ngoại của Mỹ Elliott Abrams, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại, hai bài báo gần đây đã nhắc nhở điều này.

 

Người dân Palestine xếp hàng chờ nạp khí đốt tại Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 6/11.AFP/TTXVN


Như hãng Fox News ngày 21/12 đưa tin, Liên đoàn Arập (AL) nói rằng họ phản đối việc Israel tiếp tục hiện diện quân sự tại biên giới phía Đông của nhà nước Palestine trong tương lai, một đề xuất mà Palestine nói rằng do Mỹ đề xuất hồi đầu tháng này. Ông Nabil Elaraby tuyên bố hôm 21/12 rằng sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào nếu như Israel tiếp tục hiện diện tại nhà nước Palestine.


Trong khi đó, hãng thông tấn Ma'an - một tập đoàn truyền thông độc lập của Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza - hôm 23/12 đưa tin Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang "núp sau" AL. Bản tin cho biết ông Abbas đã thông báo cho AL về đề xuất sắp tới, nói rằng nó sẽ bao gồm cả những khuyến nghị của Mỹ liên quan tới các đường biên giới của nhà nước Palestine trong tương lai. Ông Abbas nói với AL rằng ông sẽ không hồi đáp khi nhận đề xuất của Mỹ mà sẽ đệ trình cho AL để ra tuyên bố chung. Nói cách khác, ông Abbas tránh chọc giận ông Kerry khi phải trực tiếp nói "không", mà nhờ AL nói giúp.


Cũng theo hãng thông tấn Ma'an, lập trường đàm phán của ông Abbas gồm 6 điểm:


1/ Chấp nhận nhà nước Palestine với toàn bộ Đông Jerusalem là thủ đô với việc trao đổi một số vùng đất nhất định với điều kiện các vùng đất có giá trị tương đương.


2/ Chấp nhận quân đội Israel rút khỏi lãnh thổ Palestine trong vòng 3 năm.


3/ Không chấp nhận sự hiện diện quân sự thường trực của Israel tại Thung lũng Jordan song chấp nhận sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.


4/ Từ chối thừa nhận Israel là nhà nước Hồi giáo.


5/ Từ chối bất kỳ một thỏa thuận tạm thời nào, thay vào đó phải có giải pháp cuối cùng.


6/ Từ chối bất kỳ đề xuất nào đòi hỏi Palestine là nhà nước phi vũ trang nhưng khẳng định sẽ không tham gia bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào.


Đó chỉ là những quan điểm đàm phán, có nghĩa là có thể được từ bỏ một khi các cuộc đàm phán thực sự bắt đầu, tuy nhiên chuyên gia Elliott Abrams nghi ngờ về việc ông Abbas có thể từ bỏ những đòi hỏi đưa ra, và đó chính là lý do tại sao một thỏa thuận toàn diện giữa Israel và Palestine sẽ khó có thể đạt được.


Ngoại trưởng Kerry đang nỗ lực để đạt được một "thỏa thuận khung", và điều này có nghĩa là ông Kerry cũng hiểu rằng một thỏa thuận toàn diện là bất khả thi vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, Palestine lại không chấp nhận thỏa thuận tạm thời, như ông Abbas đã đề cập. E. Abrams cho rằng thỏa thuận khung là một lựa chọn tồi. Lý do là một thỏa thuận cuối cùng dù khiến các bên phải có những thỏa hiệp và nhượng bộ khó khăn nhưng đạt được nhiều lợi ích. Palestine về lý thuyết sẽ đạt được đòi hỏi là nhà nước có chủ quyền, và Israel có được hòa bình với tất cả các nhà nước Arập, chấm dứt cuộc xung đột và những cáo buộc nhằm vào mình.


Sẽ không có nhà lãnh đạo nào chấp nhận trả giá mà lại không đạt được kết quả nào. Có đề xuất nói rằng nếu các bên vẫn phản đối thỏa thuận khung mà ông Kerry đưa ra thì Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa nó vào một nghị quyết của Liên hợp quốc. Điều này hợp lý, nhưng không phải là bước đi giúp tiến gần hơn tới hòa bình.


Lê Dương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN