Lý do Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bị sa thải

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton luôn có một mối xung đột giữa quan điểm “nước Mỹ trước nhất” và “nước Mỹ mọi nơi”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (trái) và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton trong cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao ở Washington, DC ngày 9/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ Tổng thống Trump sa thải ông Bolton cho thấy một điều quan trọng: ngay cả thành viên cộm cán nhất, ủng hộ chiến tranh nhất cũng khó có thể thúc đẩy Tổng thống Trump đưa nước Mỹ vào một cuộc xung đột lớn.

Khi ông Bolton gia nhập Chính quyền Mỹ tháng 4/2018, nhiều người lo ngại ông sẽ dùng quan điểm cứng rắn của mình để tác động Tổng thống Trump – một người luôn muốn Mỹ tránh xa các cuộc chiến. Từ lâu, ông Bolton đã trở nên nổi tiếng với các phát ngôn kêu gọi tấn công quân sự Triều Tiên và Iran, kêu gọi thực hiện quyền lực đơn phương của Mỹ khắp thế giới.

Theo tờ Vox, nhiều người cho rằng ông Bolton thực sự có quan điểm về thế giới giống Tổng thống Trump. Câu hỏi được đặt ra lúc đầu là liệu ông có thể biến quan điểm đó thành hành động hay không.

Trong một số trường hợp, ông Bolton đã thành công. Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là thỏa thuận mà ông Bolton phản đối và muốn xé bỏ từ khi cựu Tổng thống Barack Obama ký năm 2015. Năm nay, Tổng thống Trump đã ủng hộ nỗ lực loại bỏ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro – một người luôn bị ông Bolton chỉ trích.

Tuy vậy, ông Bolton nổi tiếng nhất vì công khai và nhiệt tình kêu gọi Mỹ ném bom các quốc gia mà ông cho là nguy hiểm. Ông này cho rằng Mỹ cần tấn công Triều Tiên và Iran vì theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông thậm chí còn muốn thay đổi chế độ hai quốc gia đó. 

Do đó, rất nhiều người lo tên lửa Mỹ sẽ bay vèo vèo sau khi ông Bolton đặt chân vào Phòng Bầu dục. May mắn là điều đó đã không xảy ra.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong cuộc họp báo tại Minsk, Belarus ngày 29/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chất nỗ lực của ông Bolton, Tổng thống Trump đã theo đuổi đàm phán ngoại giao với Triều Tiên và phản đối gia tăng căng thẳng cho dù Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa trong vài tuần qua. 

Thậm chí ngay cả sau khi áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran, ông Trump cũng liên tục cho biết ông sẽ sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận hạt nhân tốt hơn với các quan chức Iran hàng đầu.

Không có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump muốn kích hoạt thêm một cuộc chiến ở Trung Đông cho dù có quan điểm cứng rắn với Iran. Trong thực tế, tờ Washington Post ngày 10/9 đã đưa tin rằng ông Bolton đã "sụp đổ" khi Tổng thống Trump không tấn công Iran sau khi nước này bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6.

Điều đó có nghĩa là ông Bolton chắc chắn đã gây ảnh hưởng với Tổng thống Trump ở một số vấn đề nhưng không thể thuyết phục ông khai chiến trên khắp thế giới.

Tổng thống Trump đăng lên Twitter ngày 10/9 khi thông báo về sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia: “Tôi bất đồng mạnh mẽ với nhiều đề xuất của ông ấy”.

Chú thích ảnh
Ông Bolton đã không thể thay đổi được Tổng thống Trump. Ảnh: Getty Images

Sự ra đi của ông Bolton cho thấy Tổng thống Trump chính là người kiểm soát điểm quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại: có phát động chiến tranh hay không.

Tổng thống Trump từng cảnh báo xung đột trước đây, thậm chí còn cho thấy sẵn sàng chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên để khiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng là người sẵn sàng sử dụng lực lượng quân đội hơn người tiền nhiệm khi hai lần không kích Syria và tăng cường tấn công lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo và khủng bố khắp thế giới. Ông thậm chí còn ủng hộ cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen.

Vậy nhưng, Tổng thống Mỹ đã lùi lại mỗi khi ông có cơ hội gia tăng căng thẳng lên mức cao nhất với đối thủ. Ông luôn luôn đề cao quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, trái ngược với quan điểm “Nước Mỹ ở mọi nơi” của ông Bolton.

Ông John Glaser, chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ tại Viện Cato ở Washington DC, nói: “Tổng thống Trump và ông Bolton dường như xung đột gay gắt nhất về mức độ Mỹ cần can thiệp quân sự để phù hợp với quan điểm đối ngoại cứng rắn, và xung đột thứ hai là về vai trò của ngoại giao”.

Tới đây, một câu hỏi được đặt ra: Vậy tại sao ông Trump lại chọn ông Bolton ngay từ đầu? Câu trả lời dường như là ông Bolton đã từng bảo vệ chính sách đối ngoại của ông Trump trên kênh Fox News và ông Bolton là một người nổi tiếng trong giới Cộng hòa. Tổng thống dường như muốn có một người bảo vệ mình nhưng kết cục lại có một người muốn tấn công người khác, điều không phải lúc nào nhà lãnh đạo Mỹ cũng tán thành.

Nhiều người cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ thay đổi sau khi ông Bolton ra đi. Nhưng vấn đề là ông Bolton thực sự không thay đổi được Tổng thống Trump và Tổng thống vẫn theo đuổi chính sách mang đậm dấu ấn cá nhân.

Ông đã tìm cách thân thiện hơn với Nga. Ông đã chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ từ châu Âu tới châu Á. Cuộc chiến tranh thương mại mà ông phát động với Trung Quốc đã khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, điều mà Tổng thống Trump luôn thống nhất thực hiện là không tham chiến toàn diện với bất kỳ đối thủ nào. Điều đó có thể là vì ông và ông Bolton có quan điểm khác nhau về dùng vũ lực.

Ông Bolton muốn đánh bom để thay đổi chế độ và phô trương quyền lực đơn phương của Mỹ. Tổng thống Trump lại muốn dùng cảnh báo vũ lực để tỏ ra cứng rắn và khiến ông trông quyết đoán. Tóm lại, Tổng thống Trump và ông Bolton giống nhau nhiều nhưng họ khác nhau về chiến tranh. Ông Bolton tìm cách thay đổi Tổng thống Trump về vấn đề đó nhưng ông thất bại. Hậu quả là ông phải ra đi.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Iran 'thở phào' nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump sa thải cố vấn ‘diều hâu’
Iran 'thở phào' nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump sa thải cố vấn ‘diều hâu’

Người phát ngôn của chính phủ Iran cho biết quốc gia này hoan nghênh quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN