Yếu tố chính chi phối cuộc thảo luận của EU, là cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) sẽ diễn ra từ ngày 23-26/5 tới. Nhiều quan điểm từ phía EU cho rằng thời gian gia hạn, hay trì hoãn Brexit cần càng ngắn càng tốt, và mọi việc phải được hoàn thành trước ngày 23/5 để tránh bất cứ sự không chắc chắn nào.
Các lãnh đạo EU cuối cùng đưa ra hai kịch bản gia hạn Brexit và cá nhân Thủ tướng Anh Theresa May đã chấp nhận. Kịch bản thứ nhất là hoãn Brexit đến ngày 22/5 nếu Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận ly dị vào tuần tới. Nếu kịch bản thứ nhất xảy ra, nước Anh sẽ rời EU trong trật tự vào ngày 22/5, một ngày trước cuộc bầu cử EP.
Kịch bản thứ hai, trong trường hợp Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận hoặc không bỏ phiếu, thì nước Anh sẽ có thời gian tới ngày 12/4 để trình bày kế hoạch của mình, quyết định tổ chức hay không tổ chức cuộc bầu cử EP. Theo kịch bản thứ hai, ngày định mệnh Brexit 29/3 được chuyển sang 12/4.
Quyết định của EU, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đã bỏ ngỏ tất cả mọi lựa chọn cho Anh. Đó có thể là tiếp tục tìm kiếm sự chấp thuận của Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu cho "thỏa thuận ly dị", nước Anh ra đi không thỏa thuận, khả năng trì hoãn dài hạn Brexit hay có thể là Anh từ bỏ Brexit. Nói cách khác là "quả bóng" lại được đẩy về sân Anh.
Có thể nói các cuộc mặc cả giữa London và Brussels đang diễn ra ngày càng gay cấn trong thế giằng co. Những thay đổi từng bước cùng những "chiêu" chiến thuật được các bên đưa ra đang làm cho nhiều người "chóng mặt".
Đề xuất của EU đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy quan điểm của họ đã mềm dẻo hơn. Nhiều lãnh đạo EU, trước đây luôn khẳng định rằng nếu Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận vào tuần tới thì Anh sẽ ra đi "không thỏa thuận" vào ngày 29/3, đồng nghĩa với việc quay trở lại kiểm soát biên giới và hàng rào thuế quan, thì đến nay đã đổi ý, "bật đèn xanh" cho việc gia hạn Brexit. Mục tiêu của các đề xuất đưa ra là tạo ra tối đa các khả năng để "thỏa thuận ly hôn" mà hai bên nhất trí hồi tháng 11 năm ngoái được phê chuẩn và cho phép nước Anh rời khỏi EU trong trật tự.
Sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "EU đã đưa ra một biện pháp bảo vệ các lợi ích của mình và cho phép EU tiếp tục hoạt động". Phía EU thì đã rõ ràng, vấn đề giờ là người Anh loại bỏ sự mơ hồ về phía họ.
Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị EU lui thời điểm "ly hôn" cho tới ngày 30/6. Mục tiêu của việc gia hạn là tận dụng thời gian để buộc các nghị sĩ Anh hoàn thành việc bỏ phiếu cho thỏa thuận với EU. Tuy nhiên, yêu cầu trì hoãn đến 30/6 của Thủ tướng Anh đặt EU đối mặt với quá nhiều vấn đề pháp lý và chính trị nghiêm trọng. Sẽ chấp nhận ra sao, nếu sau bầu cử EP, xuất hiện trong EU một đất nước không tổ chức cuộc bầu cử này, thậm chí với dự định rời "con thuyền EU" ngay trước phiên khai mạc đầu tiên của Nghị viện châu Âu khóa mới vào đầu tháng 7.
Rủi ro pháp lý của việc hoãn Brexit đến ngày 30/6 còn ở chỗ Thủ tướng Anh không muốn tổ chức các cuộc bầu cử EP vào ngày 23-26 /5 tới. Bất kỳ sự miễn trừ nào đối với nghĩa vụ tổ chức cuộc bầu cử này sẽ đòi hỏi phải sửa đổi các hiệp ước của EU, mà để được 28 quốc gia thành viên phê chuẩn trong thời gian ngắn là điều không thể. Một rủi ro chính trị khác, là "viên đạn" Brexit được sử dụng trong chiến dịch bầu cử EP. Hình ảnh của một EU "không thể quyết định" sẽ gây ra nhiều hậu quả về uy tín của khối.
Cách thức EU xử lý yêu cầu gia hạn thực thi điều 50 Hiệp ước Lisbon được đánh giá là để bảo đảm Brexit sẽ không thể tác động tới cuộc bầu cử EP sắp tới, và cũng để chắc chắn rằng nếu EU vào tình thế hỗn loạn vì kịch bản “Brexit cứng” thì không phải do lỗi của EU. Với việc nhận được cam kết gia hạn Brexit theo hai kịch bản, Thủ tướng Anh dự kiến sẽ đưa thỏa thuận trở lại Hạ viện Anh vào đầu tuần tới, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba, và tìm cách "thu hẹp" con số 149 phiếu chênh lệch của phe ủng hộ Brexit "cứng" trong cuộc bỏ phiếu lần hai vừa qua.
Bà May đã đổ lỗi nguyên nhân gây ra sự chậm trễ cho tiến trình Brexit là do các nghị sĩ Anh, đồng thời cũng ám chỉ rằng bà sẽ từ chức nếu thỏa thuận với EU một lần nữa bị các nghị sĩ Anh bác bỏ. Sức ép đối với các nghị sĩ Anh là rất lớn, song hiện cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy bà May có thể lật ngược tình thế tại cuộc bỏ phiếu lần thứ ba đối với thỏa thuận Brexit. Thậm chí khả năng bà May có thể đưa thỏa thuận này ra bỏ phiếu lần ba cũng không rõ ràng bởi Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow từng viện dẫn tiền lệ từ năm 1604, theo đó chính phủ không thể đệ trình trong cùng một kỳ họp quốc hội chính văn bản đã bị các nghị sỹ bác bỏ trước đó.
Chưa rõ EU sẽ làm gì nếu đến ngày 12/4, bà Theresa May vẫn bất lực trong việc khiến thỏa thuận được Quốc hội Anh thông qua và cũng kiên quyết không tổ chức bầu cử EP. Chắc chắn khi đó, một Brexit "không thỏa thuận" sẽ xuất hiện trở lại, dù kịch bản này là thảm họa đối với nền kinh tế và việc làm của hai bên, cũng như là nguyên nhân gây rối ren nguy hiểm trên bán đảo Ireland, vì sự trở lại của các rào cản hải quan.
Trước Hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng ngay cả khi hy vọng thành công cuối cùng có vẻ rất mong manh, thậm chí là ảo tưởng, và dù sự mệt mỏi của các bên về Brexit ngày càng trở nên rõ ràng, EU và Anh không thể từ bỏ việc tìm kiếm - cho đến giây phút cuối cùng - một giải pháp tích cực. Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố bà muốn "chiến đấu đến cùng" trước hạn chót để đạt được việc nước Anh ra đi có trật tự. Quyết định của EU, về lý thuyết, đã tạo ra một "lối thoát hẹp" cho Brexit, song sau lối thoát đó là gì thì chưa ai dám chắc chắn.