Loay hoay gỡ 'cuộn chỉ rối' Trung Đông

Trong diễn biến leo thang được đánh giá là khá bất ngờ, các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát Israel và người dân Palestine ở Đông Jerusalem đã biến thành mồi lửa châm ngòi cho một loạt cuộc không kích nhằm vào nhau giữa quân đội Nhà nước Do Thái và lực lượng Hamas của Palestine, đẩy hai bên đến trước nguy cơ của một "cuộc chiến tranh toàn diện”.

Chú thích ảnh
 Rocket được phóng từ Dải Gaza xuống Israel, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Liên tiếp trong 3 ngày qua, lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza đã phóng hơn 1.000 rocket về phía lãnh thổ Israel và quân đội Israel cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza. Theo cơ quan y tế Gaza, tính đến ngày 13/5, tại vùng lãnh thổ này có đã ít nhất 67 người thiệt mạng, trong đó có 17 trẻ em. Trong khi đó, giới chức y tế Israel thông báo các vụ tấn công từ Gaza đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người ở nước này. Đây là vụ đụng độ ác liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ cuộc chiến năm 2014.

Cuộc xung đột tại Jerusalem có nguyên nhân trực tiếp từ vụ một người dân Palestine đấu tranh phản đối bị cưỡng chế khỏi khu vực Sheikh Jarrah của Jerusalem để lấy đất cho các dự án xây dựng khu định cư của người Do Thái. Trong tuần qua, hàng chục người Palestine đã tụ tập mỗi tối để hành lễ Ramadan trong một tòa nhà mà người Israel đã chuyển vào sinh sống. Cảnh sát Israel đến trấn áp và xảy ra đụng độ, khiến 200 người bị thương. Bên cạnh đó, đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine cũng nổ ra gần khu đền thờ Al-Aqsa, nơi hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo tới hành hương nhân mùa lễ Ramadan. Khu đền thờ này nằm ở Thành Cổ Jerusalem - nơi có các địa điểm tôn giáo lớn linh thiêng đối với người Do Thái, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và là tâm điểm của cuộc xung đột Trung Đông.

Sau cuộc “Chiến tranh 6 ngày” năm 1967 giữa Israel và một số nước Arab Hồi giáo, Israel đã chiếm đóng vùng đất phía Đông của Jerusalem mà theo thỏa thuận năm 1948 là vùng đất thuộc quyền quản lý của người Palestine. Sau đó, Israel đã cho sáp nhập vùng đất này, bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các cuộc biểu tình phản đối lấy đất chỉ là hệ quả của hàng chục năm âm ỉ tranh chấp và thù hận giữa một bên cho rằng người Arab thường là các phần tử gây rối và bên kia coi chính sách của Nhà nước Do Thái luôn đối xử bất công với người Arab. 

Chú thích ảnh
Một tòa nhà bị phá hủy sau vụ oanh kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xung đột bùng phát trong bối cảnh Chính quyền Palestine đã tuyên bố hoãn vô thời hạn kế hoạch tổng tuyển cử với lý do người dân Đông Jerusalem không được chính quyền Isarel tạo điều kiện đi bỏ phiếu. Đây cũng là thời gian cuối tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 21/4. Rất nhiều tín đồ đã đổ tới Đông Jerusalem, nơi có đền Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Bên cạnh đó, Isarel đang đứng trước nguy cơ bị Tòa án Hình sự quốc tế điều tra về cáo buộc “tội ác diệt chủng” với người Palestine. 

Trong khi đó, tiến trình hậu bầu cử tại Israel tiếp tục bế tắc với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu thất bại trong nhiệm vụ đàm phán thành lập chính phủ. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa ít được chú ý, đó là việc đảng Ra’am của người Arab đang nắm vai trò là "quân bài" quyết định thắng thua trong tiến trình hậu bầu cử tại Israel.

Bạo lực diễn biến và leo thang nhanh chóng vào đúng thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng trùng hợp một cách nhạy cảm khiến giới phân tích khá dè dặt trong đánh giá và nhận định. Trước mắt, có thể thấy cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại; nhiều nước và tổ chức kêu gọi cả hai bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng, bạo lực và xung đột vũ trang dẫn đến thương vong của cả hai, đặc biệt là dân thường. Một số ý kiến lên án việc các lực lượng an ninh Israel đối phó mạnh tay với người Hồi giáo Palestine hành lễ trong tháng Ramadan và phản đối chính sách của Israel trục xuất các gia đình người Palestine ở Đông Jerusalem. Trong số các quốc gia Hồi giáo Vùng Vịnh đưa ra những phản đối chính thức đầu tiên có cả những nước Israel vừa ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. 

Bahrain đã chỉ trích lực lượng an ninh Israel “đã tấn công vào những người cầu nguyện tại đền thờ Al-Aqsa”, đồng thời kêu gọi Chính phủ Israel “dừng các hành động gây hấn chống lại người dân Jerusalem”. Bộ Ngoại giao Bahrain tỏ ý quan ngại việc Israel trục xuất người Palestine ở Sheikh Jarrah có thể ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình và ổn định trong khu vực; đề nghị Israel ngừng kích động và giảm bớt căng thẳng trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng kêu gọi Israel “thực hiện trách nhiệm làm dịu căng thẳng” ở Jerusalem và Sheikh Jarrah. Saudi Arabia ra tuyên bố “phản đối các kế hoạch và biện pháp của Israel cưỡng chế hàng chục người Palestine ra khỏi nhà ở Jerusalem và áp đặt kiểm soát với những người này”.

Chú thích ảnh
Lỗ thủng do mảnh tên lửa trên tường một khu thương mại. Ảnh: Quang Minh/TTXVN

Đối với Israel, nhóm “Bộ ba” các nước Saudi Arabia, Bahrain và UAE có vai trò rất quan trọng ở khu vực, trong đó UAE và Bahrain đã đi đầu ký "hiệp ước Abraham", thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái, còn Saudi Arabia được xem như “anh cả” đã bật đèn xanh cho các thỏa thuận. Ban đầu, với “đốm lửa” các vụ đụng độ bạo lực ở Jerusalem, phản ứng của các nước này là bày tỏ lo ngại và chỉ trích để Israel có thể sẽ lắng nghe với mục đích thiết lập lại ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, sau khi bùng phát cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas, cộng đồng Arab đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn nhiều.

Dù các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mà Israel ký kết với các nước Arab vừa qua ít có liên quan mật thiết tới vấn đề Palestine, mà chủ yếu dựa trên nền tảng “đôi bên cùng có lợi”, song phản ứng mạnh mẽ nêu trên cho thấy các nước Arab đã ký "hiệp ước Abraham" ít nhiều đang chịu sức ép nhất định từ người dân trong nước, vốn có sự đồng cảm với người Palestine, và từ các nước láng giềng đang đứng ngoài xu hướng thúc đẩy quan hệ với Israel. 

Về phía Nhà nước Do Thái, trước những phản ứng trên, các lực lượng an ninh Israel tiếp tục gia tăng trấn áp người biểu tình Palestine tại Jerusalem. Tại cuộc họp báo ngày 9/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một mặt nhấn mạnh sẽ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo, nhưng mặt khác khẳng định sẽ tiếp tục các dự án xây dựng khu định cư tại Đông Jerusalem, nơi phía Palestine coi là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Ngày 11/5, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kochavi cũng quyết định kéo dài vô thời hạn chiến dịch tấn công của Israel ở Dải Gaza, theo đó Israel tăng cường các lực lượng xung quanh Dải Gaza, bổ sung lực lượng bộ binh và thiết giáp đồng thời tiếp tục không kích các địa điểm thuộc quyền kiểm soát của Hamas và các nhóm vũ trang khác. Phía Hamas cũng chưa tỏ dấu hiệu dừng các vụ tấn công từ Gaza vào lãnh thổ Israel.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Israel phong tỏa một khu vực bị tấn công tên lửa. Ảnh: Quang Minh/TTXVN

Có thể nói xung đột giữa Israel và Palestine là một trong những cuộc xung đột dai dẳng và phức tạp nhất thế giới, bắt nguồn từ nhiều mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo sâu sắc và căng thẳng trong lịch sử, kéo theo không ít các cuộc đụng độ, giao tranh, biến Trung Đông trở thành "chảo lửa" chưa có một ngày bình yên. Các nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel - Palestine trên cơ sở hai nhà nước cùng tồn tại cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả, một phần do tính toán lợi ích của hai bên cũng như các bên liên quan và các thế lực trong và ngoài khu vực. Đó là lý do căng thẳng Israel - Palestine thường xuyên trong tình trạng "bom hẹn giờ" có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào, mà chính sách của Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại những vùng đất nước này chiếm đóng từ năm 1967, trong khi các tay súng Palestine vẫn tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Do Thái, luôn được xem là "ngòi nổ".

Vấn đề chính sách của Israel với người Palestine vốn đã là một "cuộn chỉ rối", nay thêm yếu tố xung đột vũ trang với Hamas lại càng rối thêm. Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên hai bên xảy ra xung đột, nhưng bối cảnh phức tạp hiện nay cho thấy cả Israel và phía Hamas đều có những toan tính riêng. Với tiến trình hòa bình Trung Đông, liệu "cuộn chỉ rối" sẽ được gỡ đến đâu tùy thuộc vào bước đi tiếp theo của các bên trong những ngày sắp tới, mà việc này trước hết đòi hỏi sự tỉnh táo của những cái đầu lạnh.

Vũ Hội (TTXVN)
HĐBA​ LHQ sẽ tổ chức cuộc họp thứ ba về xung đột Israel - Palestine
HĐBA​ LHQ sẽ tổ chức cuộc họp thứ ba về xung đột Israel - Palestine

Trước những diễn biến căng thẳng leo thang hiện nay giữa Israel và Palestine, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến sẽ tiến hành cuộc họp mới để thảo luận về những giải pháp cho cuộc xung đột đang ngày một xấu đi tại "chảo lửa" Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN