Trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện châu Âu hôm 14/9, ông Juncker đã đề cập các vấn đề nổi lên trong liên minh hiện nay và ưu tiên của EC trong 12 tháng tới. Trong thông điệp năm nay, Chủ tịch Juncker đã cam kết với các nhóm chính trị trong Nghị viện về việc sẽ thúc đẩy các dự án của những nhóm này nhằm đổi lấy sự ủng hộ đối với các sáng kiến do EC đề xuất. Thông điệp Liên minh cũng là dịp để các nghị sỹ đánh giá về hoạt động của EC và qua đó, tăng cường vai trò trong việc hoạch định chính sách của EU.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU hôm 17/9. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tuy nhiên, Thông điệp Liên minh năm nay có điểm khác so với các năm trước. Ông Juncker đã dùng Thông điệp Liên minh để nhắm vào ông Tusk và lãnh đạo các nước thành viên chứ không phải các nghị sỹ tại Strasbourg (Pháp). Bất đồng giữa ông Juncker và ông Tusk về cách EU đối phó với các thách thức ngày càng tăng không phải là điều bí mật. Thông điệp Liên minh chính là một trong những cơ hội để ông Juncker khẳng định quan điểm của mình, tranh luận với ông Tusk về tương lai của liên minh.
Trong khi đó, ông Tusk cho rằng các nước thành viên chính là “chủ nhân của hiệp ước thành lập EU”, do đó nên là nhân tố thúc đẩy quá trình xây dựng EU. EC cần triển khai quyết định của các nước thành viên thông qua các hoạt động mang tính pháp lý. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng tin rằng trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu gia tăng hiện nay thì điều cuối cùng mà châu Âu cần là các cơ quan quyền lực đủ quyết tâm trong việc triển khai các vấn đề ưu tiên của các nước thành viên. Tuy nhiên, ông Juncker không đồng tình với quan điểm này. Ông Juncker cho rằng EC cần củng cố lại quyền lực trong việc đưa ra và triển khai các chính sách chung đang có xu hướng suy giảm kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Chủ tịch Juncker cho rằng việc hoạch định chính sách chung của liên minh đã bị chi phối quá lâu bởi lợi ích quốc gia. Điều này chỉ dẫn tới việc gia tăng chủ nghĩa dân túy trong EU. Một EC với quyền lực chính trị tập trung hơn sẽ giúp đối phó với thách thức này. Trong Thông điệp Liên minh, ông Juncker đã chỉ trích “sự đố kỵ giữa các cơ quan quyền lực của EU” và phản đối việc “tái quốc gia hóa” chính sách của EU.
Hiện nay, EC với sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu dường như đang muốn sử dụng các cuộc đàm phán về quá trình ra khỏi liên minh để “dạy” cho người Anh một bài học. Tuy nhiên, ông Tusk lại cho rằng cách tiếp cận này có thể mang lại các kết quả không mong muốn và thúc đẩy các lực lượng chính trị theo xu hướng hoài nghi châu Âu. Các lực lượng hoài nghi châu Âu có thể sẽ cáo buộc EU đang cố gắng trừng phạt đối với một quyết định hoàn toàn mang tính dân chủ của người Anh. Cả ba cơ quan quyền lực chính của EU đều đã chỉ định nhân vật phụ trách quá trình đàm phán với Anh. Điều này khiến dư luận và giới chuyên gia EU hoài nghi về việc đâu mới là cơ quan thực sự chịu trách nhiệm đàm phán về Brexit.
Trong Thông điệp Liên minh, Chủ tịch Juncker khẳng định rằng Brexit sẽ không dẫn tới sự tan rã của EU. Có thể ông Juncker đúng bởi bằng cách nào đó EU sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này. Tương lai của liên minh phụ thuộc vào sự đoàn kết của EU trong đàm phán về Brexit. Sự ủng hộ của ông Juncker đối với các nguyên tắc căn bản của liên minh và sự thấu hiểu của ông Tusk đối với quan ngại của các nước thành viên sẽ là một sự kết hợp hiệu quả nếu hai nhà lãnh đạo hợp tác với nhau. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được bất đồng, điều này sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình xây dựng EU trong tương lai.