Lần đầu công du Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ sẽ cảnh báo gì?

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ truyền tải những thông điệp cứng rắn tới người đồng cấp Trung Quốc trong chuyến công du đầu tiên tới nước này vào 18/3 tới.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến sân bay Quốc tế Haneda ở Tokyo ngày 15/3. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Kênh truyền hình CNN dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ đưa tin Ngoại trưởng Tillerson muốn cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ chuẩn bị tăng cường trừng phạt kinh tế đối với các công ty và ngân hàng của nước này nếu tiếp tục làm ăn với Triều Tiên.

Mỹ coi Bắc Kinh là đồng minh thân cận nhất và là “người bảo vệ” cho chính quyền Bình Nhưỡng. Bruce Klingner – nhà nghiên cứu thuộc Viện Heritage Foundation – nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò như ‘luật sư’ bảo vệ Triều Tiên trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”.

Theo ông Tillerson, Mỹ đã quá mệt mỏi trước việc các công ty Trung Quốc giúp đỡ phát triển chương trình vũ khí của Triều Tiên. Ông muốn Trung Quốc ủng hộ, tạo thành liên minh quốc tế để kiểm soát Triều Tiên, tương tự như liên minh tạo ra thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson cũng sẽ đề cập đến các vấn đề gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, trong đó bao gồm tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thương mại, tình hình Đài Loan và việc triển khai Hệ thống Tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không vấn đề nào nói trên gây nguy hiểm giống như tình hình ở Bình Nhưỡng. Dường như chương trình hạt nhân của nước này trong vài tháng qua đã có bước phát triển vượt bậc. Điều này đồng nghĩa với con đường sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sắp được rút ngắn lại và loại vũ khí này có thể bắn xa tới Mỹ.

Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên. Các công ty Trung Quốc làm ăn với quốc gia này hoạt động trung gian, cho phép Bình Nhưỡng nhập và xuất khẩu vũ khí.

Chuyên gia Klingner giải thích: “Chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới các ngân hàng và công ty Trung Quốc đang làm ăn với Triều Tiên. Việc này trước đây đã từng có hiệu quả”.

Giữa những năm 2000, Ngân hàng Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ chính phủ Trung Quốc, đã cắt đứt quan hệ với Triều Tiên để tránh bị Mỹ trừng phạt. 

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ thông báo công ty công nghệ Trung Quốc ZTE sẽ phải trả 1,2 tỷ USD tiền phạt do vi phạm các lệnh trừng phạt, bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên. 

Tháng 9 năm ngoái, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama cũng đưa công ty TNHH Công nghiệp Dandong Hongxiang của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do có mối quan hệ thương mại với Triều Tiên.

Hồng Hạnh (Tin Tức/TTXVN)
Không 'nương tay' với THAAD, Trung Quốc thử nghiệm mô hình trừng phạt mới?
Không 'nương tay' với THAAD, Trung Quốc thử nghiệm mô hình trừng phạt mới?

Thông qua việc áp đặt những biện pháp hạn chế thương mại nặng nề, Trung Quốc dường như đang thử nghiệm một mô hình trừng phạt mới mà theo lý thuyết là có thể sử dụng với bất kỳ nước nào làm Bắc Kinh phật ý, chứ không chỉ riêng với Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN