Đúng như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore, chuyến thăm của Thủ tướng Anwar đã làm sâu sắc hơn nữa mối quan chặt chẽ và lâu dài giữa Malaysia và Singapore, đồng thời cải thiện sức hấp dẫn kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau cho cả hai bên.
Chuyến thăm lần này cho thấy mối quan hệ song phương đang đi theo hướng tích cực và hai nước sẽ hợp tác thiết lập một đặc khu kinh tế (SEZ) ở khu vực biên giới với hy vọng sẽ được hưởng lợi từ các liên kết kinh doanh chặt chẽ hơn và kết nối tốt hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Anwar và người đồng cấp Lý Hiển Long đã ký 3 thỏa thuận hợp tác, trong đó có hai thỏa thuận khung trong lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và Bộ Thương mại và Công nghiệp và Đầu tư Malaysia. Thỏa thuận thứ ba là Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng và kinh tế số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore và Bộ Thông tin, Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia. Đáng chú ý, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, hai nước dự kiến sẽ ký thỏa thuận về việc thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế Johor-Singapore (SEZ) vào tháng 1/2024. Johor là một bang miền Nam của Malaysia, giáp với Singapore. Johor Bahru, thủ phủ của Johor, chỉ cách Singapore khoảng 25 km về phía Bắc.
Thủ tướng Lý Hiển Long miêu tả SEZ là một dự án quan trọng và đầy triển vọng. Khu vực này sẽ tăng cường dòng chảy hàng hóa và con người qua biên giới cũng như củng cố hệ sinh thái kinh doanh và cải thiện sức hấp dẫn kinh tế cho cả hai bên.
Tiến sĩ Oh Ei Sun, học giả cấp cao của Viện Quan hệ quốc tế Singapore, cho biết SEZ sẽ hội nhập hơn nữa nền kinh tế vốn đã gắn bó của cả hai nước, với triển vọng phát triển cùng có lợi.
Malaysia và Singapore luôn là đối tác kinh tế lớn. Hai nước là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau vào năm 2022, với kim ngạch thương mại song phương đạt mức đáng kể, 83,53 tỷ USD vào năm 2022, tăng 37,6% so với năm 2021. Singapore cũng là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu của Malaysia trong năm 2022, đóng góp 8,3% tổng vốn đầu tư của Malaysia.
Đề cập đến tình hình khu vực, trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một nền tảng cho hợp tác khu vực. Đánh giá khả năng phục hồi và vai trò trung tâm của ASEAN là rất quan trọng, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện vai trò duy trì sự đoàn kết và phù hợp trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về tình hình Myanmar.
Tại cuộc hội đàm cấp cao, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về một loạt vấn đề song phương nổi bật bao gồm các vấn đề hạn chế trên biển, nước sạch và không phận giữa hai nước. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, những vấn đề trên đều rất quan trọng, đã được xem xét một cách toàn diện và mang tính xây dựng trong bối cảnh toàn diện hơn của mối quan hệ tổng thể giữa hai nước. Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, điều quan trọng là những vấn đề còn tồn tại sẽ không được phép làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể này hoặc làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hợp tác tích cực giữa hai nước và cả hai cùng đưa ra giải pháp cùng có lợi để giải quyết tất cả những vấn đề này.
Về phần mình, Thủ tướng Anwar cho biết, Malaysia sẽ tôn trọng cam kết của mình trong việc cung cấp nước cho Singapore. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hai nước sẽ tiến hành cuộc họp ủy ban hỗn hợp chung để thảo luận về các biện pháp xử lý chất lượng nước, cũng như thúc đẩy vấn đề cung cấp nước từ Sunggai Johor, đảm bảo nguồn cung ổn định theo Thỏa thuận đã ký từ năm 1962.
Hafidzi Razali, Giám đốc công ty tư vấn rủi ro chính trị Bower Group Asia, đánh giá tuyên bố chung sau cuộc họp thường niên thứ 10 cho thấy cam kết rõ ràng đối với các sáng kiến đã được công bố trước đó, như vấn đề quản lý giao thông tốt hơn tại cửa khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới và cải thiện chất lượng nguồn nước sạch. Tuyên bố cũng cho thấy, chính quyền của Thủ tướng Anwar đã thực hiện cách tiếp cận “ngoại giao và hợp tác hơn”, hướng tới lợi ích chung so với những người tiền nhiệm.
Cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo Malaysia - Singapore là cuộc hợp cấp độ cao nhất của cơ chế song phương giữa hai nước, được tổ chức luân phiên kể từ năm 2007. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Anwar và Thủ tướng Lý Hiển Long trong khuôn khổ này.
Tiến sĩ Oh Ei Sun nhận định rằng, các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa hai nước luôn đóng vai trò rất quan trọng và ý nghĩa bởi đó là cơ hội để hai bên thiết lập và củng cố các mối quan hệ then chốt, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ đó tiến xa hơn, thể hiện cam kết của cả hai nước trong việc duy trì các kênh liên lạc thường xuyên, cũng như liên tục đầu tư và phát triển mối quan hệ đặc biệt, trong bối cảnh môi trường địa chính trị phức tạp hơn và sự bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng. Và điều đó hoàn toàn đúng với mối quan hệ Malaysia- Singpore.
Giới phân tích tại Đông Nam Á nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Anwar có thể “mang lại cú hích lớn” cho mối quan hệ đang bị đình trệ do sự bất ổn chính trị gần đây ở Malaysia, vốn đã làm chậm lại tốc độ tiến bộ trong một số vấn đề song phương quan trọng, bao gồm việc khôi phục kết nối đường bộ và đường hàng không giữa hai quốc gia sau khi đóng cửa biên giới và hạn chế do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng khẳng định chính sách ngoại giao mềm mại, nhất quán của chính phủ liên minh thống nhất do Thủ tướng Anwar đứng đầu.