Lá bài mới chống Nga của Mỹ

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã công bố một bản cáo trạng buộc tội 14 quan chức trong làng túc cầu thế giới, trong đó có một số nhân vật chóp bu của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Họ bị cáo buộc tội tham nhũng, hối lộ, rửa tiền, gian lận. Đằng sau sự việc dường như chỉ liên quan tới thế giới thể thao, dường như lại là cả một động cơ địa chính trị chống Nga – nước đăng cai World Cup 2018 sắp tới.

Cáo trạng mà Bộ Tư pháp Mỹ công bố chủ yếu xoay quanh các thỏa thuận tiếp thị, bản quyền truyền thông gắn với các giải đấu của FIFA. Tuy nhiên, giới chức Mỹ còn cho rằng các quan chức này còn có thể phạm tội liên quan tới quá trình lựa chọn Nga đăng cai World Cup 2018 và Qatar đăng cai World Cup 2022.

Một số quan chức FIFA bị cơ quan chức năng Thụy Sỹ bắt giữ ngay ở khách sạn khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Zurich. Vụ bắt giữ gây rúng động giới thể thao toàn cầu xảy ra sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) điều tra các quan chức này. Nhiều quan chức chóp bu của FIFA đều nằm trong tầm ngắm của FBI nhưng Chủ tịch FIFA Sepp Blatter không nằm trong diện bị điều tra.

Ông Blatter (trái) trao ông Putin quả bóng trong lễ chuyển giao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga.


Theo ông Richard Webb thuộc đội Điều tra hình sự của Sở thuế vụ Mỹ, tới nay họ đã xác định được số tiền mà các công ty đã hối lộ cho FIFA là 151 triệu USD, vạch trần được những âm mưu rửa tiền phức tạp và phát hiện ra hàng chục triệu USD được giấu trong các tài khoản ở nước ngoài. Ông Webb tuyên bố vụ việc này chính là “World Cup gian lận” chính FIFA lại phải nhận thẻ đỏ, rằng đây là một ngày vui với người hâm mộ bóng đá, một ngày tuyệt vời với cuộc chiến toàn cầu chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế quốc tế.

Cần lưu ý một điều rằng không phải bây giờ người ta mới biết FIFA tham nhũng. Từ lâu, tổ chức quyền lực nhất trong thế giới bóng đá này đã thường xuyên bị cáo buộc hối lộ, nhận lại quả, đặc biệt là sau khi trao quyền đăng cai hai kỳ World Cup tiếp theo cho Nga và Qatar. Sau vụ đó, FIFA đã điều tra nội bộ và tuyên bố trong sạch. Vậy tại sao Mỹ, một nước mà bóng đá không phải là môn thể thao vua, bây giờ mới sờ gáy các quan chức FIFA với cáo buộc tham nhũng trong khi đa số các quan chức này lại chẳng phải công dân Mỹ?

Theo luật liên bang Mỹ, các cơ quan thực thi pháp luật nước này có thẩm quyền rộng trong việc theo đuổi các cuộc điều tra hình sự miễn là vụ việc có dính dáng đến nước Mỹ, dù là rất nhỏ. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James B. Comey nói sau vụ bắt các quan chức FIFA: “Nếu công ty tham nhũng của anh chạm vào lãnh thổ của chúng tôi… anh sẽ phải chịu tránh nhiệm”.

Cụ thể hơn, các quan chức Mỹ và bà Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch giải thích: Các nghi phạm lên kế hoạch phạm tội trên đất Mỹ, sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ, định kiếm lời từ các kế hoạch phát triển bóng đá ở thị trường Mỹ. Do đó, đây là một vụ của Mỹ.

Còn theo lời giải thích của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn đang đốc thúc quá trình chuẩn bị cho World Cup 2018 sắp diễn ra tại Nga, mục tiêu thực sự của chiến dịch trấn áp tham nhũng trong FIFA của Mỹ là lý do địa chính trị. Ông nói: “Nếu có điều gì xảy ra thì nó cũng không xảy ra trên đất Mỹ. Người Mỹ chắc chắn không liên quan gì tới việc này. Đây rõ ràng là một minh chứng nữa cho thấy Mỹ muốn áp đặt phán quyết của mình cho các nước khác”.

Theo ông Putin, Nga đã giành quyền đăng cai World Cup 2018 bất chấp Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bị gây áp lực không trao cho Nga quyền này. Do đó, đây có thể là một lý do chính quyền Mỹ đeo bám FIFA, ngăn không cho ông tái đắc cử chức chủ tịch FIFA. Mới tuần trước, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Bob Menendez đã gửi thư ngỏ kêu gọi quan chức FIFA cân nhắc ngừng ủng hộ ông Blatter khi ông này tiếp tục ủng hộ Nga đăng cai World Cup 2018. Hai thượng nghị sĩ này viện cớ Nga đang vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và ông Putin đang nỗ lực làm lung lay nguyên tắc hợp tác đa phương.
Mặc dù vậy, ông Blatter vẫn đắc cử chức chủ tịch lần thứ 5, ngay sau vụ bắt giữ các quan chức FIFA. Nhưng chỉ vài ngày sau khi được bầu lại, ông Blatter buộc phải tuyên bố từ chức do chịu sức ép quá lớn từ vụ bê bối của FIFA. Sự ra đi đột ngột của ông Blatter khiến các kế hoạch chuẩn bị cho World Cup rơi vào tình trạng hỗn loạn. Rất nhiều khả năng là sau đó, FIFA dưới sự lãnh đạo của một chủ tịch mới sẽ buộc phải mở lại cuộc bầu chọn để tìm hai nước đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định vụ bê bối của FIFA sẽ không ảnh hưởng tới việc Nga đăng cai World Cup. Nga cũng bác bỏ cáo buộc có hành vi sai trái khi vận động giành quyền đăng cai World Cup, đồng thời chỉ trích cuộc điều tra FIFA của Mỹ đã khiến dư luận nghi ngờ về việc Nga được trao quyền nước chủ nhà. Ông Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị Nga cho rằng Mỹ, vốn đang xung đột với Nga xung quanh vấn đề Ukraine, sẽ dùng vụ bê bối FIFA để tiếp tục gây áp lực tước bỏ quyền đăng cai World Cup của Nga. Nếu Nga bị tước quyền, nước này sẽ thiệt hại rất lớn cả về mặt kinh tế và hình ảnh trên thế giới, sẽ giáng một đòn mạnh vào ông Putin và sẽ mang lại lợi ích chính trị rất lớn cho Mỹ.

Do đó, không khó hiểu khi Nga coi vụ điều tra FIFA là một phần chiến dịch hạ uy tín Nga của Mỹ, một cuộc chiến chống Nga chứ không chỉ là chống tham nhũng. Và thể thao, World Cup, FIFA đã bắt đầu trở thành một lá bài, một đấu trường mới giữa Nga và Mỹ.



Thùy Dương
Điều tra FIFA, Mỹ sẽ thế chỗ Qatar làm chủ nhà World Cup 2022?
Điều tra FIFA, Mỹ sẽ thế chỗ Qatar làm chủ nhà World Cup 2022?

Mỹ đang "mừng thầm" trước khả năng sẽ được thế chỗ Qatar để là nước chủ nhà của World Cup 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN