Kỳ vọng từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Canada

Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ thăm Trung Quốc từ cuối tháng này với hy vọng đặt nền móng mới cải thiện mối quan hệ sóng gió trước đây với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thủ tướng Canada tại một cuộc họp báo ở Ottawa. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Trudeau sẽ thăm Trung Quốc trọn một tuần, từ 30/8 – 6/9, với các điểm dừng chân ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hong Kong và Hàng Châu. Riêng tại Hàng Châu, ông Trudeau tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Trong những phát biểu trước chuyến thăm, và cũng giống như các cam kết tranh cử trước đây, Thủ tướng Trudeau tỏ rõ ý định sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại đơn lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ.

Chính phủ Tự do của ông đang nóng lòng thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tăng trưởng nhanh chóng ở châu Á đề bù lại những mất mát do kinh tế Mỹ và châu Âu tiếp tục èo uột. Ông Trudeau không hề giấu giếm ý định muốn thúc đẩy một Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) song phương với Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh cũng đang muốn theo đuổi.

Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một chặng đường bằng phẳng trải sẵn hoa hồng. Vị thủ tướng trẻ của Canada sẽ phải cân nhắc thận trọng trước mỗi quyết định và bước đi của mình, nhất là khi phải cân đối giữa mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế (nhu cầu thiết yếu hiện nay) với những quan ngại về nhân quyền (yếu tố góp phần tạo nên giá trị cốt lõi của Canada).

Đây là một thực tế khó tránh khỏi và là một bài toàn khó cho nhà lãnh đạo của Canada, khi mà người dân “xứ sở lá phong” vẫn chưa quên sự cố ngoại giao mới chỉ xảy ra cách đây chưa lâu trong chuyến thăm đầy tranh cãi của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 6.

Trong chuyến thăm đó, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau và ngành ngoại giao Canada đã bị một phen mất mặt khi không kịp phản ứng trước thái độ trịnh thượng của ông Vương Nghị đối với một nữ phóng viên Canada.

Trước mặt người đồng cấp nước chủ nhà Stephane Dion, cùng “một rừng” ống kính máy quay và hàng trăm cặp mắt phóng viên ở ngay giữa thủ đô Ottawa, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã không do dự mắng xối xả nữ phóng viên trang iPolitics sau khi bị cô này “căn vặn” về hồ sơ nhân quyền.

Tất nhiên sau đó, Thủ tướng Trudeau đã bày tỏ thái độ “không hài lòng” trước sự cố hy hữu này và tỏ rõ ông sẵn nêu lập trường với Trung Quốc về nhân quyền mỗi khi có dịp, nhưng nhìn chung dư luận vẫn cho rằng đây chỉ là phản ứng yếu ớt và có phần lép vế của Canada. Những bất bình trong dân chúng và sức ép đối với chính phủ Canada càng tăng lên sau khi có tin Ngoại trưởng Vương Nghị đã nằng nặc đòi gặp bằng được Thủ tướng Trudeau trong chuyến thăm.

Trong một sự kiện gần đây hơn, Canada được cho là cũng phản ứng khá dè dặt sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính phủ Canada chỉ ra tuyên bố sau khi cân nhắc rất kỹ từng câu chữ. So với các nước khác, tuyên bố của Canada đưa ra khá muộn (9 ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết), nhưng so với trước đây, dù sao nó cũng cho thấy Canada đang thay đổi cách tiếp cận với các vấn đề nóng gây tranh cãi của thế giới. Ottawa đã không còn giữ im lặng và đang dần từng bước chuyển hướng can dự mạnh hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là với Trung Quốc và ASEAN.

Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù có đôi chút gập ghềnh trong thời gian qua, nhưng nhìn chung quan hệ Canada – Trung Quốc vẫn có nhiều triển vọng phát triển do cả hai bên đều đang nhìn thấy ở nhau nhiều cơ hội hợp tác.

Nhận định về chuyến thăm sắp tới, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Trudeau, ông Roland Paris, cho rằng “điều quan trọng là Canada phải có được mối quan hệ ổn định, bền vững, xây dựng và hiệu quả với Trung Quốc”.

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc David Mulroney (nhiệm kỳ 2009 – 2012) cũng nhấn mạnh Ottawa cần duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên với giới chức Bắc Kinh và rằng nước này “đã bỏ lỡ một số năm đối thoại thường kỳ với Trung Quốc”. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là giờ đây Canada “đã trở lại cuộc chơi”.

Không chỉ các cựu quan chức, giới chức đương nhiệm ở Canada cũng cho rằng chuyến thăm là cơ hội để Chính phủ Tự do của Thủ tướng Trudeau “tái khởi động” quan hệ song phương với Bắc Kinh. Canada cần bắt kịp các nước khác trong việc tăng cường giao thương hàng hóa và dịch vụ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với mục tiêu chính là thúc đẩy phát triển tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh ở cả hai bên.

Đó là về phía Canada. Còn về phía Trung Quốc, nước này cũng rất muốn đẩy mạnh quan hệ với Canada, coi đây là cửa ngõ mới vào khu vực Bắc Mỹ trong tương lai, khi mà quan hệ Mỹ - Trung sẽ khó bề thuận lợi như trước. Chính vì thế, Chính phủ Trung Quốc cũng đang đặt kỳ vọng rất cao vào chuyến thăm nói riêng và Chính phủ Tự do của Thủ tướng Trudeau nói chung. Những kỳ vọng đó xuất phát từ cả yếu tố lịch sử lẫn hiện tại.

Về lịch sử, người đặt nền móng cho quan hệ song phương Canada – Trung Quốc là cố Thủ tướng Pierre Trudeau, bố của đương kim Thủ tướng Justin Trudeau. Cũng vì lý do này nên ngay từ khi mới lên nắm quyền, ông Justin Trudeau đã nhanh chóng nhận được cảm tình của Trung Quốc.

Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ cuối năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành ngay tình cảm gần gũi khá đặc biệt cho tân Thủ tướng Canada, khi đó mới lên nắm quyền được một tháng. Ông Tập Cận Bình cũng không ngớt lời ca ngợi Thủ tướng Pierre Trudeau và lấy đây làm điểm tựa cho việc làm ấm lại quan hệ với Canada sau nhiều năm nguội lạnh dưới thời Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper.

Về hiện tại, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Trudeau đã khẳng định coi Trung Quốc và Ấn Độ là hai mục tiêu ưu tiên trong thúc đẩy quan hệ với các thị trường mới nổi. Canada với thế mạnh về dầu cát, công nghệ cao và giáo dục sẽ là đối tác hoàn toàn phù hợp với một Trung Quốc sẵn tiền nhưng đang khát năng lượng, công nghệ và có nhu cầu lớn gửi sinh viên sang Canada du học.

Hiện tại, hai nước đang thảo luận rất tích cực về dự án xây dựng đường ống dẫn dầu phía Tây, đưa dầu cát của Canada ra các cảng biển Thái Bình Dương để bơm thẳng lên tàu chở về Trung Quốc. Dưới thời của Chính quyền Harper trước đây, đây là điều không thể.

Với những thuận lợi trên, có thể thấy chuyến thăm không chỉ là dịp để hai bên “xây dựng lòng tin”, mà còn là điểm khởi động tiến trình thảo luận FTA song phương. Hiện tại, Trung Quốc đã để ngỏ phần lớn cánh cửa cho thỏa thuận này, trong khi Canada cũng tuyên bố sẽ tiếp cận các vấn đề phức tạp một cách thận trọng để hai bên có thể sớm đi đến ký kết.

Canada muốn thông qua FTA giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Trung Quốc, đồng thời thu hút thêm nhiều du khách và du học sinh Trung Quốc tới Canada. Những triển vọng này sẽ không phải là điều xa vời nếu nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước khi Trung Quốc và Canada luôn có quan hệ rất tốt dưới các thời lãnh đạo của đảng Tự do như Chính phủ Pierre Trudeau, Jean Chretien, Paul Martin và nay là chính quyền Justin Trudeau.

Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)
Đã đến lúc Canada cần lên tiếng về vấn đề Biển Đông
Đã đến lúc Canada cần lên tiếng về vấn đề Biển Đông

Lâu nay, Canada luôn thực thi chính sách im lặng trong vấn đề Biển Đông vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, giờ là lúc quốc gia Bắc Mỹ này cần phá vỡ sự im lặng trên để không chỉ can dự tốt hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà còn tìm kiếm cơ hội tham gia vào các thể chế xây dựng cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN