Nỗi lo giảm phát, không còn “đầu kéo”Trong bản báo cáo vừa được phát đi, Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ 2,8% xuống còn 2,7%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn thế giới gồm Mỹ, Anh, Canada cũng như hàng loạt nền kinh tế mới nổi như Nga, Nam Phi, Brazil và Mexico. Đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng trong năm nay (6,3%) như trong báo cáo đưa ra ngày 4/1, nhưng Citigroup lại hạ 0,2% dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2017, xuống còn 6%. Như vậy, không chỉ có Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Citigroup cũng có cái nhìn ảm đạm về tương lai kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch ECB Mario Draghi hôm 21/1 đã ám chỉ về việc tăng QE |
Chuyên gia kinh tế trưởng của Citigroup, ông William Buiter, cho rằng kinh tế toàn cầu đang trong thời điểm then chốt của sự suy yếu, việc hạ dự báo tăng trưởng cho thấy áp lực giảm phát tăng lên. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, tỉ phú George Soros cũng nhận định kinh tế toàn cầu đang đi theo vết xe đổ của năm 2008. Nếu cơn “sóng thần tài chính thế giới” năm 2008 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ thì lần này là do áp lực giảm phát của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng mà nó gây ra cho phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, áp lực giảm phát còn đến từ việc giá dầu, giá nguyên vật liệu giảm mạnh và cuộc cạnh tranh phá giá đồng nội tệ giữa các nước.
Theo ông Soros, thế giới mới phải đối mặt một lần duy nhất với môi trường giảm phát toàn cầu như hiện nay, đó là trước những năm 1980 và tới nay không có bất cứ quốc gia nào biết cách xử lý vấn đề. Nó không giống như môi trường kinh tế thông thường, nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với nó. Trong khi đó, ông Dalio lại tỏ ra khá bi quan khi cho rằng hiện nay trên thế giới không tìm thấy ở đâu chiếc “đầu kéo” tăng trưởng toàn cầu.
Trước năm 2008, kinh tế Mỹ là “đầu kéo”, tạo cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu của các quốc gia khác. Sau “sóng thần tài chính” năm 2008, Trung Quốc đóng góp 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài tốc độ tăng trưởng nhanh đến kinh ngạc, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa khổng lồ, trở thành “đầu kéo” mới thay Mỹ. Nhưng hiện nay, khi trả lời phỏng vấn của trang tin Business Insider (Mỹ), ông Dalio cho rằng “đầu kéo” này đã “tắt lửa” và người ta cũng không tìm thấy quốc gia thứ 3 để đóng vai trò “đầu kéo”.
Gánh nặng lại nằm trên vai các ngân hàng trung ươngTrước tình hình khó khăn nêu trên, động thái của các ngân hàng trung ương càng được quan tâm. Hai tuần lại đây, thông qua các công cụ chuyên ngành, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), đã bơm 1.500 tỉ NDT vào thị trường. Trong bài phát biểu đưa ra hôm 21/1, Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng ám chỉ về khả năng tăng quy mô nới lỏng định lượng (QE) trong cuộc họp vào tháng 3 tới, thậm chí không loại trừ khả năng tiếp tục giảm lãi suất. Sau các động thái này, lo lắng đã phần nào lắng dịu, thậm chí trở thành động lực chính giúp giá dầu quốc tế bật tăng tới 11% trong hai ngày giao dịch cuối cùng của tuần qua.
Hiện nay, tâm điểm chuyển sang theo dõi những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trước đây, xuất hiện nhiều nhận định cho rằng trong năm nay, FED sẽ tăng lãi suất từ 3 - 5 lần. Nhưng giờ thị trường đã chuyển sang đánh cược rằng FED sẽ phải do dự với quyết định tăng lãi suất trong năm 2016 hay không. Kỳ vọng FED tăng lãi suất đã giảm từ mức 100% của tuần trước xuống còn 82% vào cuối tuần này. Theo chuyên gia kinh tế Mỹ thuộc Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) Joseph LaVorgna, thị trường dường như đang thúc đẩy FED không được tăng lãi suất và kinh nghiệm lịch sử cho thấy thị trường sẽ giành chiến thắng. Bởi thị trường có khả năng đẩy kinh tế rơi vào suy thoái và đó là kịch bản mà FED cùng mọi người ra sức tránh.
Thậm chí, ông Dalio cho rằng cuối cùng, FED buộc phải thay đổi quan điểm, trở lại thực hiện chính sách QE, khởi động gói QE4. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn hãng CNBC (Mỹ), ông Dalio nhận định lần thực hiện chính sách QE tiếp theo của các ngân hàng trung ương sẽ khó hơn trước nhiều và cần phải phối hợp với biện pháp tài chính mới đem lại hiệu quả.