Indonesia tiếp cận Mỹ, lôi kéo các công ty có ý định rời Trung Quốc

Indonesia đang thảo luận với chính quyền Mỹ về khả năng các công ty Mỹ tái bố trí dây chuyền sản xuất ra ngoài Trung Quốc và chuyển đầu tư sang Indonesia.

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Kendal ở Trung Java. Ảnh: Reuters

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước và các doanh nghiệp trên toàn cầu muốn đa dạng hóa sản xuất, tránh rơi vào tình trạng bị đứt gãy chuỗi cung như từng diễn ra trong đại dịch COVID-19. 

Ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối Đại dương và Đầu tư Indonesia cho biết, chính phủ nước này đang mời chào các công ty Mỹ vào đầu tư tại các khu công nghiệp đã được dọn sẵn chỗ. Nổi bật trong số đó là khu công nghiệp Kendal ở Trung Java, một khu kinh tế đặc biệt gắn với ưu đãi thuế.

Một địa điểm tiềm năng khác là khu công nghiệp Brebes, một trong 89 dự án ưu tiên quốc gia được chính Tổng thống Indonesia Joko Widodo lựa chọn. Theo ông Panjaitan, hiện có khoảng 20 công ty quan tâm đến việc chuyển dây chuyền sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này. 

Người phát ngôn của bộ Điều phối Đại dương và Đầu tư chia sẻ, Bộ trưởng Panjaitan đã có các cuộc hội đàm với Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC) - một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ chuyên cung cấp tài chính cho các dự án phát triển tư nhân. Trước đó là cuộc điện đàm giữa ông Widodo và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Indonesia hiện có thứ hạng cao hơn Việt Nam về Chỉ số cạnh tranh công nghiệp do Liên hợp quốc công bố. Theo giải thích của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, điều này có nghĩa thu nhập hàng tháng của công nhân bậc thấp và bậc trung tại Indonesia thấp hơn so với Việt Nam.

Tuy nhiên, Indonesia luôn gặp khó khăn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với FDI chỉ chiếm gần 1,8% GDP tính tại thời điểm năm 2018, thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực như Viiệt Nam, Thái Lan và Malaysia. 

Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm ngoái cho rằng Indonesia đã lỡ cơ hội. Trong 33 công ty chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc tính từ khi nổ ra thương chiến đến tháng 10/2019, 23 chọn Việt Nam, số còn lại đầu tư vào Malaysia, Thái Lan và Campuchia. “Doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng không đến Indonesia, bởi các nước láng giềng Indonesia chào đón họ mạnh hơn”, WB cho biết. 

Còn theo các chuyên gia kinh tế của tập đoàn Citigroup, ngay cả khi COVID-19 đẩy nhanh quá trình di dời sản xuất khỏi Trung Quốc, Indonesia nhiều khả năng cũng không đón được có hội. “Số được hưởng lợi từ xu thế đa dạng hóa lý địa lý sản xuất là những nền kinh tế có tỉ lệ xuất khẩu trên tổng GDP ở mức cao - ngang với Trung Quốc và vì thế họ đã có các chuỗi cung đặt tại đó”, báo cáo của Citigroup nhận định, đồng thời chỉ rõ Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan sẽ là những bên được hưởng lợi trong ngắn hạn. 

Thực tế, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Microsoft và Google đang đẩy nhanh việc tái bố trí sản xuất các thiết bị mới ở ngoài Trung Quốc, với các điểm đến tiềm năng tại Việt Nam và Thái Lan. Apple trong quý này sẽ lần đầu tiên sản xuất hàng triệu thiết bị Airport ở Việt Nam.

Theo Yulius Yulius, Giám đốc điều hành Văn phòng hãng tư vấn Boston Consulting Group, điểm trừ đối với Indonesia trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài có lẽ nằm ở “mức độ bảo đảm” trong các vấn đề liên quan đến sử dụng lao động và quyền sử dụng đất. 

Ông dẫn chứng, tại Việt Nam, chính phủ có thể cung cấp cho nhà đầu tư quỹ đất và đáp ứng các yêu cầu khác trong thời gian ngắn. Còn ở Indonesia, nhà đầu tư phải chấp nhận phương thức “từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp” nếu muốn tiếp cận quỹ đất, muốn có giấy phép sử dụng lao động. Chính mức độ thiếu chắc chắn này khiến nhà đầu tư ngại bỏ vốn vào Indonesia. 

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Widodo đã đệ trình Quốc hội một loạt thay đổi trong luật lao động lỏng lẻo của Indonesia. Nhưng việc thảo luận về luật mới  bị đình lại hồi tháng 4, sau khi hàng nghìn người Indonesia mất việc vì đại dịch COVID-19, cùng với đó là việc các nghiệp đoàn lao động ở nước này đe dọa tổ chức tuần hành quy mô để phản đối các biện pháp giãn cách xã hội. 

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản công nghiệp Indonesia Sanny Iskandar nhìn nhận, Indonesia là nơi phù hợp để tái đầu tư, do có thị trường tiềm năng với dân số lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng theo ông, để thu hút được giới đầu tư nước ngoài, Indonesia phải hiện thực hóa được tầm nhìn của tổng thống Widodo về nguồn nhân lực, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và các quy định khác. Chương trình cải cách kinh tế cả gói mà chính phủ hứa hẹn đến nay còn chưa rõ ràng và đó là điều gây thất vọng với giới đầu tư, các doanh nghiệp. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Nikkei Asia Reiview)
Indonesia tung gói xây dựng hạ tầng 97 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế
Indonesia tung gói xây dựng hạ tầng 97 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế

Indonesia sẽ tập trung vào các dự án hạ tầng và các chương trình xã hội, với số vốn đầu tư lên đến 97 tỉ USD trong 5 năm tới trong bối cảnh Tổng thống Joko Widodo tìm cách vực dậy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trước tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN