Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp, từ các cuộc biểu tình ở Algeria hay Sudan, quan hệ với Iran, vấn đề Qatar vẫn còn bế tắc, cho đến sự việc mới phát sinh gần đây liên quan đến Cao nguyên Golan.
Thế giới Arab đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức xét cả trên bình diện chung cũng như đối với từng nước thành viên thuộc AL, bao gồm cả các cuộc xung đột chưa thể kết thúc, những mối đe dọa an ninh, sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan, tình trạng bất ổn và rối ren tại nhiều nước.
Thực tế này buộc lãnh đạo các nước Arab phải tạm gác những mối bất hòa trong nội bộ khối cũng như những "bài toán" kinh tế - xã hội tại nhiều nước để tới Tunis cùng chung lo đối phó với những thách thức chung của khối.
Cũng không nằm ngoài dự đoán, vấn đề Cao nguyên Golan đã chi phối chương trình nghị sự hội nghị và là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận chung cũng như bên lề. Mỹ, với việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, đã đẩy các đồng minh Arab của mình vào thế "tiến thoái lưỡng nan”, biến Golan thành một điểm nóng mới ở “chảo lửa” Trung Đông. Hành động công khai ủng hộ của Washington đối với đồng minh chủ chốt Israel một lần nữa thổi bùng lên mâu thuẫn giữa người Arab và người Do Thái.
Tuy nhiên, phản ứng của giới lãnh đạo các nước Arab trước diễn biến này được cho là rất “bình tĩnh và tỉnh táo” khi không “làm nóng vấn đề” hay bị “cuốn theo lối chơi của đối phương”, mà tìm cách thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản ứng với quyết định của Mỹ.
Tuyên bố của lãnh đạo AL bày tỏ ủng hộ Sáng kiến hòa bình Arab và khẳng định sẽ theo đuổi việc khôi phục các cuộc hòa đàm với Israel, cho thấy các nước Arab đang hướng tới cách tiếp cận linh hoạt trong vấn đề này. Sáng kiến hòa bình Arab kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng năm 1967, bao gồm khu vực Đông Jerusalem, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với các nước Arab và tiếp tục nối lại đàm phán để giải quyết vấn đề tồn tại nhiều năm qua.
Thực tế, cũng phải nhìn nhận rằng việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là hành động mang “tính biểu tượng”, chứ không có ý nghĩa ràng buộc về mặt pháp lý, hay nói cách khác chỉ là “cuộc trình diễn trước thiên hạ” nhằm gián tiếp tạo thêm thanh thế cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước thềm bầu cử. Nên việc các nước Arab tuyên bố sẽ vận động HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về Cao nguyên Golan do khối soạn thảo cũng được cho chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi Mỹ, với vai trò ủy viên thường trực HĐBA, chắc chắn sẽ phủ quyết.
Với phản ứng khôn khéo của các nước Arab, căng thẳng giữa Mỹ và các nước Arab trong vấn đề này được dự báo sẽ chỉ dừng lại ở mặt trận ngoại giao hơn là trên thực địa. Tuy nhiên, việc làm của ông chủ Nhà Trắng khi công khai thiên vị đồng minh Israel đã làm mếch lòng thế giới Arab, khiến các nước thuộc AL xích lại gần nhau hơn và đi đến nhất trí quan điểm ủng hộ chủ quyền của Syria đối với Cao nguyên Golan.
Hội nghị đã thu được thành công xét về khía cạnh này, vì đây chính là dịp để các nước thành viên duy trì hợp tác và tăng cường đoàn kết nội khối cùng đối phó với thách thức chung, trong đó có Cao nguyên Golan và vấn đề Palestine.
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều nước Arab đã công khai tuyên bố hay nhắc lại lập trường ủng hộ Palestine hướng tới việc thành lập một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ không thể có những tiến triển như mong đợi chừng nào Mỹ còn thiên vị Israel như những gì mà Washington thể hiện trong vấn đề Golan.
Kết quả đáng chú ý và không thể không nhắc tới của hội nghị, đó là vấn đề quan hệ Arab - Iran đã được xử lý một cách tích cực. Các nước Arab đã kêu gọi hợp tác với Iran dựa trên nguyên tắc láng giềng hữu nghị, không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa, kiềm chế các hành động mà có thể làm phương hại tới sự tin cậy lẫn nhau và sự ổn định ở khu vực.
Sự tỉnh táo và thức thời của lãnh đạo các nước Arab đã được thể hiện một cách rõ nét qua động thái này. Bước đi được coi là “thêm bạn, bớt thù" này phản ánh sự thay đổi lớn trong chính sách của thế giới Arab đối với Tehran sau nhiều “ân oán”, “đua tranh” bấy lâu nay, khi “đối thoại” được cho là có lợi hơn “đối đầu”, trong bối cảnh Mỹ đã công khai ngả về phía Tel Aviv trên mọi phương diện.
Mặc dù cũng còn bất đồng về một số vấn đề, trong đó có biện pháp đối phó với làn sóng cuộc biểu tình đang diễn ra ở một số nước thành viên, vốn gợi lại làn sóng "Mùa Xuân Arab" gây bất ổn, hay việc Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã bất ngờ rời khỏi hội nghị, động thái cho thấy những mâu thuẫn nội khối chưa thể giải quyết, song "điểm sáng" của hội nghị là nội dung Tuyên bố chung đề cao giải pháp chính trị và hòa bình cho các vấn đề của khu vực.
Khi các nước Arab đang phải đương đầu với nhiều khó khăn cả về chính trị lẫn kinh tế, an ninh lẫn xã hội, cùng những áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài, một mặt trận thống nhất để đối phó với những thách thức chung đang là lựa chọn được ưu tiên.
Hướng tiếp cận mới của lãnh đạo AL tại hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để các nước Arab thể hiện vai trò tích cực và chủ động hơn trong việc ổn định tình hình khu vực.