Hợp tác WMD Mỹ - Trung: tiến bộ trong giới hạn

Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm cả vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), đã làm mờ nhạt đi hợp tác âm thầm giữa hai nước trong việc ngăn chặn các nước khác đạt tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, ngăn cản các phần tử khủng bố tiếp cận với các nguyên liệu WMD, và tăng cường độ an toàn nhà máy hạt nhân dân sự. Kết thúc 2013 là cơ hội để đánh giá những tiến bộ cũng như nhận ra những thách thức cần giải quyết trong hợp tác Trung – Mỹ về WMD trong năm 2014.

Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân


Theo như Sách Trắng năm 2003 của Trung Quốc về vấn đề Không phổ biến vũ khí hạt nhân, “Trung Quốc đã luôn có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế, giữ quan điểm cấm toàn diện và phá hủy hoàn toàn tất cả các loại WMD, bao gồm vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học, và kiên quyết phản đối sự phổ biến các loại vũ khí loại vũ khí này cũng như chuyển giao dưới mọi hình thức. Trung Quốc không ủng hộ, khuyến khích hay giúp đỡ bất kỳ quốc gia nào phát triển và chuyển giao WMD". Trong một tuyên bố bổ sung vào năm 2005, Trung Quốc nhấn mạnh: “Phổ biến WMD và chuyển giao dưới bất kỳ hình thức nào không đem lại lợi ích gì với hòa bình và ổn định thế giới cũng như với an ninh Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc phổ biến và chuyển giao WMD. Chính phủ Trung Quốc thường xuyên đưa ra tuyên bố tại Liên hợp quốc và các cuộc họp kêu gọi về giải pháp hiệu quả hơn để hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Trong khi vấn đề Iran và Triều Tiên tiếp tục có ảnh hưởng tới nền tảng quan hệ Mỹ - Trung Quốc thì việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là một nhân tố mới trong trao đổi về vấn đề WMD giữa hai nước. Trung Quốc và Mỹ có quan điểm khác nhau khi phản ứng về việc ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở Syria. Quan chức Trung Quốc nghi vấn về bằng chứng chứng tỏ rằng chính phủ Assad hơn là những kẻ nổi loạn phải chịu trách nhiệm cho vũ khí hóa học và phản đối mạnh mẽ việc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào xung đột ở Syria.

Nhưng sau đó, Trung Quốc và Mỹ đặt sang một bên những khác biệt và ủng hộ thỏa thuận khung Nga – Mỹ vào tháng 9/2013 về việc loại bỏ vũ khí hóa học khỏi Syria. Trung Quốc tham gia cùng với các thành viên khác của cộng đồng quốc tế để thực hiện nỗ lực hỗ trợ đa quốc gia. Trong cuộc họp vào ngày 8/10 năm ngoái của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), Bắc Kinh cam kết đảm bảo tiền và nhân lực cho sứ mệnh giải trừ vũ khí hóa học ở Syria. Hai chuyên gia vũ khí hóa học của quân đội Trung Quốc sau đó đã tới Syria tham gia chiến dịch tiêu hủy vũ khí hóa học và giám sát công việc này. Hải quân Trung Quốc cũng đã gửi tàu khu trục tên lửa Diêm Thành tham gia đội tàu hộ tống vận chuyển nguyên liệu vũ khí hóa học từ cảng Syria đi tiêu hủy.

Tàu khu trục Diêm Thành của Trung Quốc đã tham gia hộ tống vận chuyển lô hóa chất độc đầu tiên rời Syria.


Ngăn chặn khủng bố hạt nhân

Vào tháng 12/2012, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hạt nhân Mỹ (NNSA) gọi Trung Quốc là “một đối tác vô giá trong an ninh hạt nhân”. Chuyên gia Trung Quốc thừa nhận rằng: “Mặc dù chưa có báo cáo nào về tấn công khủng bố hạt nhân thời gian vừa qua nhưng vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ đang được sử dụng rộng rãi và khả năng tấn công hạt nhân vẫn tồn tại”. Li Wei, giám đốc Viện Quan hệ quốc tế đương đại, đã cùng với vào đội ngũ học giả Trung Quốc và Mỹ và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng thể hiện quan ngại về khủng bố sẽ tấn công các nhà máy điện hạt nhân.

Chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ Mỹ và các sáng kiến khác có mục đích ngăn chặn khủng bố và tội phạm đạt được hoặc sử dụng các vật liệu hạt nhân nguy hiểm. Ví dụ, trong vài năm qua Trung Quốc tuyên bố vai trò đi đầu trong Sáng kiến toàn cầu đấu tranh với khủng bố hạt nhân (GICNT), tham gia ban lãnh đạo và thực hiện các kế hoạch của chương trình này. Gần đây hơn, Trung Quốc đã ủng hộ vai trò đầu tàu của chính quyền Obama trong tập hợp rất nhiều hội nghị hạt nhân nhằm ủng hộ giải pháp ngăn chặn những kẻ khủng bố tiếp cận nguồn nguyên liệu hạt nhân. Việc các nước chia sẻ cùng Trung Quốc tham vọng ngăn chặn một hậu quả hạt nhân tồi tệ tạo điều kiện dễ dàng cho Bắc Kinh hợp tác với Mỹ, Nga và các nước khác thực hiện một mục tiêu quan trọng nhưng không mang tính ganh đua là loại bỏ khủng bố hạt nhân.

Với khung chương trình của các hội nghị hạt nhân, Trung Quốc và Mỹ đưa đưa ra một vài sáng kiến chung. Thực thi một ý tưởng xuất phát từ đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi năm 2010, vào tháng 10/2013 Trung Quốc và Mỹ bắt đầu xây dựng Trung tâm Chuyên sâu về An ninh hạt nhân tại Khu Khoa học và Công nghệ Changyang ở Bắc Kinh. Được thiết kế để cải tạo an ninh nguyên liệu hạt nhân cho toàn bộ châu Á, trung tâm này sẽ có cơ sở cho nghiên cứu khoa học, đào tạo cho việc thực hành và thử nghiệm tính an toàn của các công nghệ. Xa hơn nữa, Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác nghiên cứu để chuyển từ sử dụng uranium làm giàu ở mức độ cao (HEU) sang uranium làm giàu ở mức độ thấp (LEU) dùng trong các lò phản ứng thu nhỏ ở Trung Quốc, điều này khiến nguyên liệu an toàn hơn vì không thể sử dụng làm bom nguyên tử. Trung Quốc sẽ áp dụng các ý kiến chuyên môn và kinh nghiệm thu nhận được từ chương trình này để hỗ trợ các nước khác trong khu vực chuyển đổi từ sử dụng HEU sang LEU.

Là một quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại, Trung Quốc hợp tác rộng rãi với Mỹ trong sáng kiến do Mỹ chủ trì để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân trong quá trình vận chuyển hàng hoá quốc tế. Một tai nạn hạt nhân lớn ở bất kỳ đâu có thể giáng một đòn mạnh vào sự ổn định kinh tế toàn cầu, điều mà sự thịnh vượng của kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc. Nếu vũ khí hạt nhân xuất phát từ một tàu hàng hóa hay một cảng của Trung Quốc thì thương mại Trung Quốc có thể phải hứng chịu những mất mát khổng lồ. Lệnh cấm vận có thể được áp đặt với xuất khẩu và nhập khẩu Trung Quốc vì lý do nghi ngờ khả năng của nước này trong kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hàng hóa.

Với những lý do này, Trung Quốc đã nhanh chóng tham gia Sáng kiến an ninh cho container (CSI) của Mỹ ngay khi nó được đưa vào thực thi, một sáng kiến được tạo ra để ngăn chặn những hàng hóa nguy hiểm thâm nhập vào nước Mỹ thông qua các container. Thông qua chương trình, nhân sự của cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ được triển khai ở Thượng Hải, Thẩm Quyến và Hong Kong. Vào tháng 7/2007, một cảng ở Hong Kong đồng ý cho Bộ Năng lượng và Bộ An ninh nội địa Mỹ thực thi Sáng kiến đảm bảo an toàn hàng hóa (SFI) trên cơ sở thí điểm. Trung Quốc cũng tham gia một phần Sáng kiến Cảng tải trọng lớn của Bộ Năng lượng Mỹ, đây là chương trình cho phép lắp đặt các thiết bị nhận biết phóng xạ ở các cảng lớn để nhận biết vật liệu có thể được sử dụng để tạo bom nguyên tử hoặc bom bẩn. Mặc dù những tranh cãi về chương trình này tiếp tục diễn ra liên quan tới vấn đề chia sẻ dữ liệu và chi phí nhưng Trung Quốc vẫn cho phép Mỹ kiểm tra hoạt động xuất khẩu ở cảng Dương Sơn (Thượng Hải) và các cảng duyên hải khác.

Vào tháng 7/2013, SED, NNSA và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác để ngăn chặn, nhận biết và loại trừ buôn lậu hạt nhân trái phép. Các giải pháp vạch ra bao gồm mở rộng diện nhận biết chất phóng xạ tới các cảng của Trung Quốc và đào tạo nhân sự để triển khai các hệ thống này. Vào tháng 9/2012, với sự hỗ trợ của NNSA, GACC đã khai trương Trung tâm Phát hiện Phóng xạ Qinhuangdao, với mục đích đào tạo nhân viên hải quan Trung Quốc nhận biết và loại bỏ hoạt động buôn lậu hạt nhân qua các cảng Trung Quốc và biên giới.

Tăng cường an toàn hạt nhân

Việc chính phủ Trung Quốc cam kết mạnh mẽ phát triển năng lượng hạt nhân đã có tác dụng hỗ trợ các chương trình quốc tế về cải thiện độ an toàn và an ninh của các nhà máy điện hạt nhân dân sự và thanh nhiên liệu. Chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy việc mở rộng sản xuất năng lượng hạt nhân, mặc dù có những cảnh báo về an ninh và an toàn từ các chuyên gia nước ngoài liên quan tới việc sử dụng công nghệ cũ, công nghệ chưa được kiểm chứng, các quy định quản lý yếu kém, áp lực giảm chi phí do sử dụng thiết bị rẻ, vấn đề tham nhũng, nhân lực chưa được đào tạo kỹ và các hàng loạt các vấn đề khác mà chính phủ Trung Quốc đang tìm cách điều chỉnh. Trung Quốc là nước duy nhất mở rộng sử dụng năng lượng hạt nhân nội địa, điều mà quan chức Đảng Cộng sản coi như là thiết yếu để đạt được mục tiêu an ninh năng lượng, khắc phục biến đổi khí hậu và mục tiêu khác.

Một nhà máy năng lượng hạt nhân tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AP


Tuy có bài học về thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) vào tháng 3/2011 nhưng Trung Quốc vẫn giữ 17 lò phản ứng đang hoạt động và xây dựng thêm 28 lò khác, chiếm 2/5 tổng số lò phản ứng đang xây dựng trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc hi vọng tăng công suất điện hạt nhân từ 12,5 gigawatt lên 58 gigawatt vào cuối năm 2020. Hiện tại Trung Quốc đang xây mới các nhà máy để đưa sản lượng điện hạt nhân lên 30 gigawatt, bằng 40% tổng sản lượng thế giới.

Thêm vào đó, ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong thiết kế những lò phản ứng tiên tiến và các thiết bị nên Trung Quốc mong muốn mở rộng việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra thế giới. Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục bán năng lượng hạt nhân cho Pakistan, một nước không phải thành viên của Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và đang nằm trong lệnh cấm xuất khẩu của Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG). Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận ấn tượng về hỗ trợ xây dựng một nhà máy hạt nhân mới ở Anh và đang theo đuổi việc bán công nghệ hạt nhân tới nhiều nước đang phát triển có ý định về chương trình năng lượng hạt nhân. Trung Quốc thậm chí còn đang cung cấp thiết bị cho một vài nhà máy hạt nhân ở các bang Nam Carolina và Georgia của Mỹ.

Một vụ tai nạn hạt nhân khác ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể đặt ra dấu hỏi về độ an toàn các nhà máy nội địa và đe dọa kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của Trung Quốc, trong khi giả thuyết về một thảm họa xảy ra ở Trung Quốc có thể đe dọa việc nắm quyền của chính phủ. Vào tháng 7 năm ngoái, những người biểu tình do lo sợ về sự an toàn đã buộc chấm dứt xây dựng nhà máy điều chế uranium trị giá 6 tỷ USD ở Quảng Đông. Cũng trong tháng 7, chính phủ Trung Quốc cập nhật kế hoạch quốc gia về tình trạng hạt nhân khẩn cấp với nội dung đưa thêm một số bài học từ thảm họa Fukushima năm 2011. So sánh với bản dự thảo năm 2005, kế hoạch đối phó với tình trạng khẩn cấp mới đòi hỏi mức minh bạch về thông tin lớn hơn, phân loại thành 4 cấp báo động và áp dụng cho tất cả cơ sở hạt nhân và các loại hình hoạt động, gồm cả vận chuyển thanh nhiên liệu cũng như vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Hợp tác Trung Quốc – Mỹ trong lĩnh vực an toàn và an ninh hạt nhân đã có từ lâu, dựa trên thỏa thuận mang dấu ấn giữa Mỹ - Trung Quốc vào năm 1998 về Sử dụng Công nghệ hạt nhân cho hòa bình (PUNT). Thông qua các nhóm làm việc liên quốc gia và các phương tiện hợp tác công nghệ song phương, PUNT cho phép các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ hợp tác trong công nghệ hạt nhân; thúc đẩy an ninh và an toàn hạt nhân; tạo điều kiện quản lý trình trạng khẩn cấp hạt nhân; tăng cường an ninh các nguồn phóng xạ; và bảo vệ việc vận hành hạt nhân tránh khỏi phá hại, trộm cắp và những tiếp cận không chính thức.

Trung Quốc cũng mở rộng hợp tác với những nước khác về vấn đề an toàn hạt nhân. Ví dụ, mặc dù có tranh cãi chủ quyền nhưng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý vào tháng đầu 12/2013 rằng họ sẽ thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc bằng điện thoại và email để cung cấp thông tin nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố. Sự trao đổi thông tin không chỉ bao gồm những sự cố lớn, giống như thảm họa Fukushima, mà còn cả những sự cố và biến động nhỏ. Mặc dù thông tin về hoạt động hạt nhân của quân đội Trung Quốc là không được phép trao đổi nhưng hệ thống này có thể cung cấp thông tin thiết yếu trong trường hợp khủng bố hạt nhân, thông thông tin về trạng thái hoạt động của lò hạt nhân được trao đổi để các lực lượng phản ứng với tình trạng khẩn cấp và và đưa các giải pháp ngăn chặn.

Giới hạn trong hợp tác

Ngăn chặn phổ biến WMD, khủng bố và sự cố hạt nhân là những lĩnh vực đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, đây là một chính sách ngoại giao Trung Quốc đang ủng hộ. Một học giả Trung Quốc đánh giá rằng hầu hết các chính sách an ninh đều là "trò chơi có tổng bằng không" vì ảnh hưởng tới lợi ích của các nước khác nhưng tăng cường an ninh hạt nhân lại có lợi cho tất cả các nước.

Hơn thế nữa, Trung Quốc ủng hộ Mỹ trong sáng kiến không phổ biến vũ khí hạt nhân làm giảm nhẹ đi những tranh cãi giữa Trung Quốc – Mỹ về các vấn đề phổ biến vũ khí khác. Ngoài việc Mỹ đã có những phàn nàn từ lâu về quan hệ Trung Quốc với Iran và Triều Tiên, nơi lợi ích kinh tế và các mục tiêu an ninh khác có ảnh hưởng nhiều tới Trung Quốc hơn là phổ biến vũ khí, thì quan chức Mỹ cũng phản đối việc Trung Quốc hỗ trợ Pakistan phát triển năng lượng hạt nhân, vì nước này không tham gia IAEA và NPT.

Thực tế, trong khi Trung Quốc và Mỹ đã tạo ra được những tiến bộ trong việc làm giảm đi những bất đồng về các vấn đề quan trọng liên quan tới không phổ biến vũ khí hạt nhân thì hai bên còn rất nhiều tranh cãi về vấn đề phổ biến WMD, do Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm mang danh nghĩa là phi hạt nhân nhưng có “tác dụng kép”, vừa có thể sử dụng cho mục đích dân sự lại vừa sử dụng cho mục đích quân sự. Trung Quốc hiện đang là một trong những nhà bán hàng lớn nhất thế giới về công nghệ và phương tiện có “tác dụng kép”, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa học, sinh học và tên lửa, do vậy Trung Quốc chỉ có thể thiện chí hợp tác cùng Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, còn vấn đề về WMD thì giữa hai nước cần có thêm sự hiểu biết lẫn nhau.


Đức Trung (theo J.F)
5 yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh Trung -  Mỹ
5 yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh Trung - Mỹ

Việc thiếu những quy tắc rõ ràng trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường làm tăng thêm những hành động nguy hiểm và không thể lường trước được.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN