Tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu (EU) đang lâm vào thế bế tắc trên mọi mặt, trong đó điển hình nhất là cuộc khủng hoảng đồng euro, và chỉ Đức mới có thể cứu vãn tình thế. Đó là nội dung bài phân tích đăng trên báo “Người bảo vệ” (Anh) ra ngày 16/6.
Theo bài báo trên, cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp nói riêng và khu vực đồng euro nói chung chỉ là phần cấp bách nhất trong cuộc khủng hoảng của EU. Làn sóng giận dữ của công chúng trên đường phố Aten (Hy Lạp) và bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách ở Bỉ, Đức, Frankfurt và Lúcxămbua có thể khiến “con tàu thống nhất” EU dừng lại bất cứ lúc nào. Tại Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sự tức giận cũng đang dâng cao khi người dân cho rằng giới trẻ, người nghèo và người thất nghiệp bị ép buộc phải trả giá cho sự thiển cận của giới chính trị gia trong nước, cũng như sự cho vay bừa bãi của giới chủ ngân hàng ở Pháp và Đức.
Không chỉ khu vực đồng euro, tất cả các dự án lớn của EU đều gặp trục trặc. Pháp và Italia đang đề nghị xem xét lại khối tự do đi lại Schengen - vốn được xem là một thành công của tiến trình hội nhập EU - do hàng nghìn người từ khu vực bất ổn Bắc Phi đang nhập cư vào đảo Lampedusa của Italia. Trước đó, nhiều nước châu Âu đã hốt hoảng trước sự hội nhập của những người di cư và những người gốc di cư, nhất là người Hồi giáo. Đoàn kết và công bằng xã hội - các giá trị cốt lõi của dự án châu Âu sau năm 1945 - đang thụt lùi ở mọi nơi, hậu quả của sự bất bình đẳng và cắt giảm ngân sách đang gia tăng do phải đối phó với thâm hụt ngân sách.
Chiến dịch can thiệp quân sự vào Libi do châu Âu khởi xướng rồi cũng sẽ đi tới một giai đoạn chậm chạp, trì trệ, nhưng nó đã bộc lộ sự thất bại kinh niên và đau đớn của châu Âu trong việc huy động khả năng quân sự. Một vài cường quốc khu vực đã cho thấy sự hụt hơi về đạn dược. Có thể hiểu tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuần trước đã phải nói thẳng về vấn đề này tại Brúcxen.
Ngay cả dự án mở rộng khối, được xem là thành công nhất của EU, cũng đang trì trệ. Sức hút gia nhập EU vẫn còn cao ở những nước như Xécbia, nhưng suy yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu lịch sử sau cuộc bầu cử vừa qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí không đề cập tới EU.
Chìa khóa cho hầu hết các vấn đề nêu trên, nhất là về lĩnh vực kinh tế, nằm trong tay Đức. Trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, EU thường dùng phương tiện kinh tế để thực hiện các mục tiêu chính trị mà tổ chức này theo đuổi. Với cựu Thủ tướng Đức H. Kohl và cựu Tổng thống Pháp F. Mitterand, đồng euro chủ yếu là một dự án chính trị, không phải kinh tế. Giờ đây, để cứu vãn một liên minh tiền tệ sai lầm ngay từ khâu thiết kế và đang quá tải, EU cần một cam kết chính trị đặc biệt. Chính trị cần vượt lên để cứu kinh tế.
Đây là thời điểm cần sự xuất hiện của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Không có lý do cụ thể để hy vọng Đức đảm nhận vai trò dẫn dắt chính sách ngoại giao và quân sự của EU. Đối với cách mạng Arập, vai trò này cần được đặt lên trước hết với các quốc gia Địa Trung Hải, như Tây Ban Nha, Pháp và Italia. Nếu vấn đề nằm ở nguồn gốc của người dân nhập cư, mỗi nước phải tự xử lý vấn đề của mình. Nhưng khi nói đến vấn đề kinh tế và tiền tệ khu vực, Đức giữ vai trò không thể thay thế. Chỉ có sự kết hợp giữa Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới mang lại cơ hội trấn an thị trường.
Trong hơn 1 năm qua, bà Merkel đã tìm cách san bằng sự khác biệt (có thể không tồn tại), giữa những việc tối thiểu cần làm để cứu vãn các nước EU bị khủng hoảng nợ với chi phí tối đa mà người dân Đức có thể chịu đựng. Bà đã cố gắng thuyết phục các đối tác trong khu vực đồng euro đi theo hướng này, nhưng thất bại. Giờ đây bà Merkel cần làm lại từ đầu: Thảo luận với ECB và các chính phủ khu vực đồng euro xem đâu là giải pháp tốt nhất, tin cậy nhất và khả thi nhất; sau đó thuyết phục người dân Đức rằng đó là quyền lợi quốc gia, lâu dài của chính họ. Bởi một khi khu vực đồng euro tan rã, người thiệt thòi nhất vẫn là trụ cột kinh tế lớn nhất của nhóm.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)