Theo mạng tin "Oil price" (trang tin phân tích về địa chính trị, năng lượng và dầu mỏ của Anh) ngày 15/5, việc Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran có thể trở thành cơn ác mộng của toàn khu vực Trung Đông, do bụi phóng xạ hạt nhân có thể khiến hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả - các thành phố trong khu vực Arập vùng Vịnh như Dubai, Abu Dhabi, Kuwait hay Riyadh trở thành những thành phố chết trong những thập kỷ tới, gây ra sự hoảng loạn trong khu vực và trên thế giới do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước hiện nay.
Bão cát tấn công Riyadh, Saudi Arabia năm 2012. Ảnh: Global Research |
|
Nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran tại Bushehr, Natanz, Arak và Isfahan để ngăn các nỗ lực tìm kiếm vũ khí hạt nhân của Tehran, và nếu bụi phóng xạ nguyên tử gặp những điều kiện thời tiết phổ biến tại vùng Vịnh, nhiều khả năng gần như toàn bộ khu vực sẽ trở thành khu vực chết trong nhiều thập kỷ tới.
Thảm họa này có thể không giới hạn trong khu vực, mà tùy thời tiết, bụi phóng xạ còn có thể lan tới Israel và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Mức độ hậu quả chủ yếu phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết vào thời điểm diễn ra các cuộc tấn công. Các cơn bão sa mạc lớn sẽ quét qua, bao phủ toàn bộ khu vực và có thể cuốn theo những hạt cát bị nhiễm phóng xạ hạt nhân, trong khi chỉ cần một hạt cát là đủ để lây nhiễm phóng xạ hạt nhân cho một con người.
Bão cát sa mạc thường di chuyển theo một đường bán nguyệt, với vận tốc từ 30 - 300 km/h, có thể quét qua Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Oman, Kuwait và Saudi Arabia. Nói cách khác, các trung tâm sản xuất dầu mỏ lớn - cũng như một số lượng lớn các nhà máy lọc dầu tại Trung Đông - sẽ bị ảnh hướng. Ngoài thảm họa sinh thái chưa từng xảy ra, sẽ còn có tổn thất về người và hậu quả kinh tế khi sản lượng dầu mỏ Trung Đông giảm mạnh chỉ qua một đêm.
Hãy thử tưởng tượng thảm họa và tác động đối với giá dầu thô khi nguồn cung thế giới đột ngột mất đi hơn 17 triệu thùng/ngày (bpd), gồm sản lượng của Saudi Arabia (10 triệu bpd), UAE (3,078 triệu bpd), Qatar (1,63 triệu bpd) và Bahrain (44.800 bpd). Không cần tính đến sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ của Iran và Iraq, việc bất ngờ gián đoạn nguồn cung lớn như vậy có thể đẩy thế giới vào một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay.
Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy hướng gió shamal, loại gió thường gây ra bão cát, thổi cát từ Jordan và Syria tới Iraq và các nước vùng Vịnh. Ảnh: Global Research |
Hậu quả đầu tiên liên quan đến các khu vực bị ô nhiễm phóng xạ, khiến hàng trăm nghìn người dân đổ xô tìm cách thoát khỏi các khu vực ô nhiễm này, tranh giành quyết liệt từng tấm vé máy bay để ra khỏi khu vực. Sau đó, những người không mua được vé máy bay, có thể nhảy lên ô tô của họ và bắt đầu chuyến hành trình điên rồ, lái xe về phía Tây.
Hậu quả thứ hai có liên quan đến sự cảm nhận ngay lập tức của thế giới về sự khan hiếm dầu mỏ chưa từng thấy, sẽ tạo ra sự tàn phá trên các thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán toàn cầu. Phố Wall, FT100 và các thị trường quốc tế sẽ sụp đổ và các công ty có thể bị phá sản chỉ qua một đêm.
Hậu quả thứ ba có thể bắt nguồn từ các quốc gia bị ảnh hưởng phóng xạ. Người ta có thể tưởng tượng mức độ thiệt hại cao gấp 10 lần sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011, và cao hơn nhiều so với sự cố hạt nhân Chernobyl tại Ukraine, với số người chết vì ung thư đã vượt quá 1 triệu người.
Những người ủng hộ hành động quân sự của Israel và Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể cho rằng những điều nêu ra ở trên là kịch bản xấu nhất, và rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel cũng sẽ "chính xác và mang tính chiến thuật". Họ có thể đúng, nhưng ngay cả trong tình huống tốt nhất, khi lượng chất thải hạt nhân tối thiểu bị giải phóng ra khí quyển và sức nóng từ các vụ cháy do đánh bom gây ra có thể đốt toàn bộ các hạt hạt nhân, nhưng sẽ vẫn có phần nào ô nhiễm. Có thể không phải tất cả các thành phố tại vùng Vịnh đều trở nên không thể sinh sống được trong nhiều thập kỷ, nhưng ngay trong tình huống tốt nhất, sẽ có tới một triệu người có thể chết vì các căn bệnh ung thư trong vòng 10 năm, do các cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran gây ra.
TTXVN/Tin Tức