“Hành trình xin lỗi” của các bộ trưởng Nhật Bản

Từng bị mất uy tín nặng nề sau khi dính vào bê bối, hoặc mắc sai phạm nào đó, một số cựu quan chức Nhật Bản đã phải chạy đôn chạy đáo xin lỗi cử tri trước cuộc bầu cử Hạ viện hôm 13/12 vừa qua, mong cử tri cho họ thêm một cơ hội nữa. Với hành trình tìm lại uy tín, các cựu quan chức này đã thể hiện được rằng họ ăn năn với lỗi lầm, qua đó góp phần vào thắng lợi vang dội của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bà Yuko Obuchi thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) từng buộc phải từ chức bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp sau khi bê bối xử lý quỹ bất hợp lý của các tổ chức chính trị có liên quan đến bà bị đưa ra ánh sáng. Người ta bắt gặp bà đứng cúi đầu khá lâu trong buổi diễn thuyết trước cửa một siêu thị ở Shimonita, tỉnh Gunma. Bà nói: “Tự đáy lòng mình, tôi thành thật xin lỗi cử tri. Tôi đã sẵn sàng cho một sự khởi đầu sạch sẽ. Xin hãy dành cho tôi sự ủng hộ”. Để mặc những cơn gió khô hanh thổi tạt mái tóc, bà Obuchi liên tục lặp lại lời xin lỗi. Đám đông người ủng hộ vây quanh bà và không ngớt lời khích lệ “Hãy tiếp tục làm tốt công việc nhé!” hay “Tôi ủng hộ chị!” Ngẩng mặt lên, bà bắt tay họ và nhiều lần cúi đầu với gương mặt căng thẳng.

Bà Obuchi xin lỗi cử tri.Ảnh: Kyodo


Bà Obuchi đã chạy khắp khu vực bầu cử của mình để gặp gỡ trực tiếp càng nhiều cử tri càng tốt thay vì diễn thuyết trước đám đông. Bà bắt đầu “hành trình xin lỗi” từ Nanmoku, một ngôi làng có 2.200 người dân. Bà dành ra mỗi lần 10 phút phát biểu và cứ như thế phát biểu tới 30-40 lần trong ngày. Một quan chức thuộc nhóm vận động tranh cử của bà Obuchi cho biết: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy xe liên tục và nói lời xin lỗi”.

Giống bà Obuchi, cựu Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima cũng bắt đầu “hành trình xin lỗi” của mình nhưng dường như không suôn sẻ bằng. Bà Matsushima nói: “Tôi xin lỗi vì những vấn đề nảy sinh khi tôi từ chức bộ trưởng tư pháp. Trở lại điểm khởi đầu, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình”. Trước đó, bà Matsushima đã để xảy ra sai lầm với sự cố phát quạt giấy tuyên truyền bầu cử khiến bà phải rời khỏi chiếc ghế bộ trưởng.

Phát biểu trước một ga tàu điện ngầm, bà Matsushima thuộc đảng LDP cúi đầu trước người dân đang vội vã đi qua đi lại ở cửa kiểm soát vé. Khi bà Matsushima chìa tay ra với các cử tri, rất ít người bắt tay bà. Ngay cả khi bà bắt tay rồi, một phụ nữ lớn tuổi còn buông lời gắt gỏng: “Tất cả chúng tôi đều thấy thất vọng!”

Ban lãnh đạo LDP đã tìm cách hậu thuẫn khi cử Tổng Thư ký đảng Sadakazu Tanigaki và Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đi cùng bà Matsushima trong “hành trình xin lỗi”. Thậm chí bà Matsushima còn được ông Akira Amari, quốc vụ khanh phụ trách tái thiết kinh tế và cựu Chánh Văn phòng Nội các Nobutaka Machimura, lãnh đạo nhánh LDP mà bà Matsushima là thành viên, đỡ lời, khẳng định với người dân rằng bà không phải là người dễ nản lòng, đồng thời xin cử tri cho bà làm lại từ đầu.

Các cựu nữ quan chức trên là hai trong số 5 nữ nghị sĩ mà Thủ tướng Shinzo Abe đã bổ nhiệm vào các vị trí bộ trưởng khi ông cải tổ nội các hồi tháng 9/2014. Tuy nhiên, bà Obuchi và bà Matsushima đã phải từ chức chỉ sau khoảng 1 tháng rưỡi. Với “hành trình xin lỗi” của hai cựu nữ bộ trưởng, ông Abe hi vọng sẽ tiếp tục được chính sách khuyến khích bình đẳng giới trong nội các.

Giới quan sát nhận định cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vừa qua một phần là phép thử quan trọng để hai vị cựu bộ trưởng nội các từng vấp ngã như bà Obuchi và Matsushima có điều kiện “lập công chuộc tội”. Một kết quả đầy khích lệ đã thuộc về LDP. Tuy nhiên, để lấy lại được niềm tin của cử tri, hai vị cựu bộ trưởng này vẫn còn một chặng đường dài phải đi.

Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN