Gói kích thích của Trung Quốc - thuốc đặc trị hay chỉ là liều giảm đau

Gói kích thích kinh tế lớn nhất của Trung Quốc kể từ đại dịch COVID-19 được công bố mới đây là một sự đột phá về mặt chính sách của nước này.

Chú thích ảnh
Nhân viên ngân hàng kiểm đếm đồng Nhân dân tệ tại thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, để nhu cầu tiêu dùng có thể thay thế đầu tư trong việc trở thành động lực lâu dài cho phát triển kinh tế lại là một con đường dài đầy chông gai.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tuần trước đã công bố gói kích thích lớn nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát và hướng đến mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đặt ra. Cụ thể, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đi 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thế chấp. Theo Thống đốc PBoC, động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ NDT (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính.

Cũng trong tuần trước, hãng tin Reuters đưa tin Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch phát hành lượng trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 2.000 tỷ NDT (284 tỷ USD) trong năm nay. Một phần số tiền thu được từ việc ban hành lượng trái phiếu này sẽ được dùng để hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng và trợ cấp cho các gia đình có từ hai con trở lên. Bằng cách này, chính phủ đang hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ gia đình.

Điều đó cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang thay đổi chính sách theo hướng kích thích tiêu dùng. Đây là điều mà hơn 10 năm qua các chuyên gia kinh tế vẫn kêu gọi Trung Quốc thực hiện. Giới chuyên gia cho rằng nếu không đi theo hướng này, Trung Quốc có thể rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp kéo dài như những gì đã diễn ra với Nhật Bản trong những năm 1990.

Ông Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế của Economist Intelligence Unit, nhận định gói kích thích mới đây là “một dấu mốc cho thấy tư duy chính sách đã thay đổi".

Vấn đề nằm ở mô hình tăng trưởng từ những năm 1980. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mô hình này phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư cho bất động sản, cơ sở hạ tầng và công nghiệp, mà “bỏ quên” người tiêu dùng. Theo giới chuyên gia, mô hình tăng trưởng kinh tế lâu nay của Trung Quốc đã tạo ra sự dư thừa công suất trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và chế tạo, đồng thời khiến nợ gia tăng nhanh chóng và không bền vững kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những nỗ lực tập trung vào người tiêu dùng trong năm nay của Trung Quốc có thể đủ để đưa tăng trưởng năm 2024 của nước này trở lại mức khoảng 5%, dù các số liệu thấp hơn dự báo trong vài tháng qua đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại với khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng này. Tuy nhiên, những nỗ lực đó khó có thể thay đổi triển vọng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Chi tiêu hộ gia đình của Trung Quốc chiếm chưa đến 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm, thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức tỷ trọng trung bình trên toàn cầu. Ngược lại, tỷ trọng của đầu tư trong GDP lại cao hơn 20 điểm phần trăm so với mức trung bình.

Khoảng cách đó không thể thu hẹp trong một sớm một chiều. Ông Michael Pettis, chuyên gia cấp cao của công ty Carnegie China, cho biết, Nhật Bản đã phải mất 17 năm để nâng tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP thêm 10 điểm phần trăm so với mức thấp nhất vào năm 1991.

Khung chính sách kinh tế-xã hội hiện tại của Trung Quốc được xây dựng chủ yếu để hỗ trợ đầu tư, chứ không phải tiêu dùng. Vì thế, nhiều năm qua, các hộ gia đình đã phải chịu lãi suất tiền gửi thấp, thu nhập thấp và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém.

Hệ thống thuế lại “thiên vị” hơn cho đầu tư và đánh mạnh vào thu nhập của người tiêu dùng. Thuế lợi tức đầu tư tại Trung Quốc là 20%, thấp hơn mức 30% ở Ấn Độ và 37% ở Mỹ. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân bậc cao của Trung Quốc lại thuộc hàng cao nhất thế giới, ở mức 45%.

Các doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành chiến lược, thường xuyên được miễn giảm thuế và được hưởng các ưu đãi khác từ cả chính quyền trung ương và địa phương. Nguyên nhân là Trung Quốc xem các lĩnh vực chiến lược như xe điện, năng lượng xanh hoặc robot là các "lực lượng sản xuất mới", đóng vai trò quan trọng với an ninh quốc gia.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, việc tái định hình lập trường chính sách để hướng đến người tiêu dùng nhiều hơn sẽ đòi hỏi một nỗ lực phối hợp rất lớn từ giới chức Trung Quốc trong nhiều năm. Chưa kể việc này sẽ đi kèm với những rủi ro.

Ông Juan Orts, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc của công ty tư vấn Fathom Consulting, cho rằng cách “đúng đắn” để tái cân bằng nền kinh tế hướng đến tiêu dùng là ngừng việc dùng tiền của các hộ gia đình để trợ cấp cho các công ty trong lĩnh vực chế tạo. Ông cho biết điều này sẽ thu hẹp quy mô của lĩnh vực chế tạo, khiến đầu tư giảm mạnh và kéo theo đó là nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, ông Orts dự đoán Trung Quốc có khả năng sẽ lựa chọn một giai đoạn tái cân bằng kéo dài.

Chuyên gia Michael Pettis của công ty Carnegie China nhận định nếu Chính phủ Trung Quốc không thay đổi mô hình tăng trưởng, tình trạng mất cân bằng này sẽ tiếp tục gia tăng. Và như thế, những khó khăn hiện tại có thể sẽ lặp lại trong tương lai.

Khánh Ly (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng tới dự báo giá dầu thế giới
Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng tới dự báo giá dầu thế giới

Theo một nhà phân tích tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT Plc, giá dầu toàn cầu khó có thể tăng trong quý IV/2024, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trì trệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN