Giới nhà giàu châu Á đổ xô đầu tư vào ngành dịch vụ cho người quá cố

Kiếm lợi nhuận dựa trên cái chết và người hấp hối từ lâu bị xem là điều kiêng kị ở châu Á. Thế nhưng gần đây lại xuất hiện một làn sóng các nhà đầu tư đang tìm cách giảm bớt tiếng xấu cho ngành dịch vụ này.

Chú thích ảnh
Lễ tang được tổ chức tại trung tâm của gia đình anh Ang Ziqian. Ảnh: Ang Chin Moh Funeral Directors

Năm Ang Ziqian lên 7 tuổi, giáo viên yêu cầu cả lớp kể về nghề nghiệp của phụ huynh. Đám trẻ con nhà y tá, luật sư và cảnh sát được khen ngợi, nhưng Ang lại phải đối mặt với sự im lặng đầy tủi thẹn. Cha cậu là một chủ nhà tang lễ. 

“Ngày hôm sau, một bạn gái đến nói với tôi rằng ‘tớ muốn chơi với bạn, nhưng gia đình tớ nói chúng ta nên tránh xa nhau ra nếu không bạn sẽ truyền điều xui xẻo cho tớ”, Ang năm nay 38 tuổi kể lại. “Từ lúc đó, tôi không có nhiều bạn bè và bạn của tôi chủ yếu là người nước ngoài”, anh chia sẻ. 

Tờ Bloomberg đưa tin ngành kinh doanh dịch vụ cho người chết và người hấp hối từ lâu là điều cấm kị ở châu Á. Nghĩa trang và nhà dưỡng lão gần khu dân cư đều bị xa lánh, chịu lời bàn tán. Tuy nhiên, gần đây, không ít các gia đình và nhà hảo tâm giàu có tại châu Á đang tìm cách xóa bỏ cách suy nghĩ này bằng cách đẩy mạnh đầu tư cũng như mở chiến dịch vận động thay đổi quan niệm của công chúng. 

Ở khu vực mà dân số đang già hơn và khá giả hơn, kinh doanh dịch vụ cho người chết là lĩnh vực được quan tâm. Theo nghiên cứu của Viện McKinsey Global Institute, năm 2039, Đông Nam Á sẽ có 163 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Và đến năm 2050, gần ¼ người dân Đông Nam Á và Đông Á sẽ ở độ tuổi 65 hoặc hơn. 

Flying Home

 

Chú thích ảnh
Một phòng cử hành tang lễ tại Flying Home. Ảnh: Bloomberg

Tại Singapore, khu công nghiệp Toa Payoh nằm dọc tuyến cao tốc Central Expressway đông đúc bậc nhất nước này. Hai bên mặt đường chủ yếu là các tiệm kinh doanh cơ khí và sơn tường. Thế nhưng, chạy xuôi một đại lộ nữa có thể thấy loạt cửa hàng phục vụ người chết. Xe tang gắn đầy hoa, quan tài trắng nằm sẵn sàng. Đây chính là nơi Ang – người làm nghề dịch vụ tang lễ đời thứ 4 của gia đình – mở chi nhánh mang tên “Flying Home”. Cơ sở này thuộc chuỗi dịch vụ Ang Chin Moh Funeral Directors nổi tiếng của gia đình Ang Ziqian với doanh thu tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. 

Với tường sơn màu xanh lá nhạt, ánh đèn sáng và trần cao, Flying Home trông giống một nhà thờ nhỏ hiện đại hơn là nơi ướp xác người chết. Nơi đây còn có dịch vụ biến tro cốt người chết thành kim cương để người sống giữ làm kỷ niệm.

Người Singapore có truyền thống tổ chức mọi sự kiện từ đám cưới đến đám ma tại các nhà dịch vụ công cộng. Khi các cụm gia đình thu hẹp lại và trở nên khá giả hơn, xuất hiện nhu cầu tổ chức đám tang quy mô hoành tráng hơn. 

Quỹ bảo hiểm rủi ro

Cái chết đang chứng tỏ sức hấp dẫn kỳ lạ. Bảo hiểm nhân thọ, đôi khi còn gọi là trái phiếu tử tuất, cũng đang nhận được sự chú ý của giới đầu tư châu Á. Các công ty bảo hiểm nhân thọ thường cung cấp cho khách hàng một khoản tiền để từ bỏ điều khoản của họ sau khi họ qua độ tuổi nhất định. Các công ty bảo hiểm kiếm tiền nhờ chính sách không bao giờ phải thanh toán, trong khi khách hàng có thể chi tiêu số tiền mặt mà họ sẽ phải nộp cho bên bảo hiểm trước khi họ chết.

Kế đến là quỹ rủi ro. Bằng cách trao cho khách hàng nhiều tiền hơn các bên bảo hiểm, họ đảm nhận việc thanh toán phí bảo hiểm và trở thành người thụ hưởng cuối cùng. Khi khách hàng qua đời, quỹ bảo hiểm rủi ro được chi trả, miễn là phía gia đình khách hàng hợp tác và bên công ty bảo hiểm không tìm thấy một điều khoản chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, không thể phủ nhận thực tế rằng nếu khách hàng chết càng trẻ tuổi, lợi nhuận của quỹ rủi ro càng lớn. Sự hấp dẫn của ngành này là việc cái chết cũng giống như thuế, là thứ chắc chắn xảy ra. Các nhà đầu tư ở châu Á đã chậm chận hơn khi nhảy vào cuộc so với các đồng nghiệp Mỹ và châu Âu.

Năm ngoái, Văn phòng đa gia đình Kamet Capital Partners trụ sở tại Singapore cho biết khách hàng của ông, chủ yếu là người Trung Quốc, ban đầu do dự nhưng nhanh chóng hào hứng với ý tưởng này khi được giới thiệu lịch sử doanh thu. Nhu cầu trở nên mạnh mẽ đến nỗi Kamet Capital đang xem xét nhận tiền đầu tư từ các đối tác bên ngoài. 

“Thị trường lúc trồi, lúc sụt. Kinh tế lúc đi lên, lúc đi xuống. Nhưng chúng không hề bị ảnh hưởng khi người ta chết đi? Cái chết là tự nhiên đến, không tránh khỏi, và chúng tôi đang làm lợi người được bảo hiểm”, ông Goh nói. 

Không quá khi nói rằng các sự kiện hiếm có như thảm họa thiên nhiên hay dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 hiện nay – có thể gây ra những cái chết bất ngờ tăng đột biến – sẽ đem về thêm lợi nhuận cho những doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh từng bị kiêng kị này.

Xuân Chi/Báo Tin tức
Nguyên nhân làm bùng phát các bệnh truyền nhiễm tại châu Á
Nguyên nhân làm bùng phát các bệnh truyền nhiễm tại châu Á

Tốc độ phá rừng nhanh, tình trạng đô thị hóa và xây dựng đường sá tràn lan được cho là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm trên khắp châu Á, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN