Giáo sư Giesenfeld bày tỏ rất hào hứng khi được tiếp cận bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi ngay từ đầu bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những câu hỏi như "Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?". Theo Giáo sư Giesenfeld, trong bài viết, khái niệm chủ nghĩa xã hội đã được định nghĩa với ba tư cách, gồm chủ nghĩa xã hội là một học thuyết, là một phong trào và là một chế độ.
Ông Günter Giesenfeld nhấn mạnh bài viết đã phân tích các vấn đề của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn sau khi hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ rằng các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa, bởi trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tư bản đã phơi bày những bất công xã hội. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần một mô hình xã hội mà ở đó các tiêu chí then chốt là sự nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh lợi ích một cách bất công. Bài viết khẳng định mô hình xã hội chủ nghĩa như vậy cùng với độc lập dân tộc là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo sư Giesenfeld nhắc lại rằng, sau chiến tranh, Việt Nam đã quyết định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, đúng như chủ trương trong Cương lĩnh chính trị khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Học giả Đức cũng đề cập tới công cuộc Đổi mới của Việt Nam, được khởi xướng năm 1986, coi đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử sau chiến tranh ở Việt Nam. Ông nêu rõ trong khi thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã từng bước nhận thức một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ và chưa phải là chủ nghĩa xã hội đầy đủ, do vậy, bài viết cũng nêu rõ còn nhiều việc phải làm ở phía trước.
Giáo sư Giesenfeld nhấn mạnh những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới là “xã hội dân giàu, nước mạnh, nhân dân làm chủ; là xã hội dân chủ, công bằng và văn minh; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngoài ra, xã hội đó còn mang một số đặc điểm như bình đẳng giữa các dân tộc trong cộng đồng, có quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới. Đây chính là những nguyên tắc và tư tưởng xã hội mà hầu như tất cả các nước đều hướng tới.
Theo Giáo sư Günter Giesenfeld, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng làm rõ vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, theo đó nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; có nhiều hình thức sở hữu và thành phần kinh tế cùng tồn tại và cạnh tranh lành mạnh với nhau, trong đó một yếu tố quan trọng là không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế, trái lại, mọi chính sách kinh tế đều phải phục vụ mục tiêu phát triển xã hội.
Giáo sư Giesenfeld cho rằng định hướng này rất thú vị khi so sánh với sự phát triển kinh tế ở các nước tư bản, đó là chúng chỉ vận hành khi có lợi nhuận và chỉ có được với điều kiện đạt tăng trưởng vô hạn. Theo học giả Đức, những luận điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra câu trả lời rất thuyết phục cho những câu hỏi quan trọng và bổ sung cho những điều đó là những thông tin có giá trị về tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam. Điều này một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của chính sách Đổi mới với những kết quả hết sức rõ rệt, sâu sắc và Việt Nam có thể tự hào khi thế và lực của đất nước được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Giáo sư Giesenfeld tin tưởng rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giúp độc giả phương Tây hiểu được niềm tự hào đó thông qua các số liệu tham khảo thực tế nêu trong bài viết.
Giáo sư Giesenfeld chia sẻ ông muốn dịch bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang tiếng Đức để có thể có nhiều người biết hơn. Ông cũng đang cân nhắc việc xuất bản toàn văn hoặc trích đoạn bài viết này trong số tiếp theo của tạp chí Vietnam Kurier, hoặc cũng có thể phát trên trang web của Hội Hữu nghị với Việt Nam (FG Vietnam) để mọi người có thể dễ dàng truy cập.
Giáo sư, Tiến sĩ Günter Giesenfeld, sinh năm 1938 và hiện sinh sống ở thành phố Marburg, là nhà ngữ văn Đức, nhà khoa học về phim ảnh và truyền thông, giảng viên đại học, dịch giả và đạo diễn phim. Ông giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam hàng chục năm nay và hiện là chủ biên Vietnam Kurier, tạp chí chuyên về Việt Nam, được xuất bản mỗi năm 3 số.