Đài Sputnik đưa tin hôm 13/1, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố không còn coi Trung Quốc là một nước thao thao túng tiền tệ, tạo đà tăng cho đồng Nhân dân tệ lên mức cao nhất từ tháng 7/2019.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phát biểu: "Trung Quốc đã đưa ra các cam kết có thể thực thi để hạn chế phá giá cạnh tranh". Ông cho biết thêm rằng thỏa thuận giai đoạn 1 cũng bao gồm các cam kết để tránh phá giá cạnh tranh.
Trước đó, Mỹ đã xếp Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ hồi tháng 8/2019 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Washington cáo buộc Bắc Kinh hạ giá đồng nội tệ so với đồng đô la Mỹ.
“Ưu đãi kèm thêm”
Giáo sư kinh tế và tài chính tại Đại học Navarra (Tây Ban Nha), ông Antonio Moreno cho hay: “Tỷ giá đã giảm từ 6,3 còn 7,2 Nhân dân tệ/USD kể từ đầu năm 2018 đến mùa hè năm ngoái, nhưng sau đó nó đã về mức 6,9 Nhân dân tệ/USD. Nhìn chung, đây có thể được coi là một bước tiến tới giảm căng thẳng thương mại và giảm bất ổn kinh tế toàn cầu".
Theo học giả Tây Ban Nha, động thái giảm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến cả hai nền kinh tế.
Tác động đó sẽ thể hiện trong bối cảnh kinh tế chính trị. Mỹ có thể muốn tạo ra một môi trường kinh tế toàn cầu trơn tru để tránh rơi vào suy thoái trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng vẫn phải chờ đợi "các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận giai đoạn 1 và hơn thế nữa, khi các vấn đề ở giai đoạn 2 trở nên rõ ràng hơn".
Tiến sĩ Ei Sun Oh tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore đánh giá động thái đảo ngược của Bộ Tài chính Mỹ “dường như là một phần trong gói thỏa thuận với Trung Quốc”.
Ông lưu ý rằng việc áp đặt kéo dài nhiều tháng qua dường như không gây tác động rõ rệt đối với hệ thống tiền tệ hay chính sách hối đoái của Trung Quốc. Do vậy, động thoái xóa bỏ tên chủ yếu chỉ mang tính tượng trưng và sẽ trở thành “ưu đãi kèm thêm” đối với thỏa thuận thương mại quan trọng hơn nhiều lần giữa Washington và Bắc Kinh.
“Khi nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc những năm gần đây, tình hình đó sẽ khiến giá trị tiền tệ của nước này giảm một cách tự nhiên và đó cũng là điều cần thiết để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sau khi chịu tác động của thương chiến”, nhà nghiên cứu người Singapore nhấn mạnh.
Ai là người hưởng lợi nhiều nhất?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng chiến thuật chiến tranh thương mại toàn diện vào tháng 3/2018 với lý do thâm hụt thương mại hơn 300 tỷ USD với Trung Quốc. Gần 18 tháng qua, hai bên liên tiếp tung ra các lệnh thuế quan “ăn miếng trả miếng” rồi mới đạt thỏa hiệp rõ ràng vào giữa tháng 12/2019.
Tiến sĩ Ei Sun Oh chỉ ra rằng không chỉ các đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc, bị đánh thuế cao hơn mà còn cả những đồng minh chiến lược như Nhật Bản và châu Âu cũng chịu chung cảnh ngộ. Khi “các đối thủ thương mại” của ông Trump từ chối đáp ứng đề nghị, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ gây sức ép thuế quan để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Theo ông, bên được lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại chính là một số thị trường mới nổi lên, nơi nhiều nhà máy sản xuất được chuyển đến từ các nước bị áp thuế.
Tiến sĩ Ei Sun Oh cũng nêu rõ thực tế rằng trong giai đoạn này, sản xuất nội địa và tỷ lệ tạo việc làm tại Mỹ cũng tăng. Ông nói thêm rằng hai yếu tố trên đã trên đà tăng trưởng từ trước khi thương chiến bắt đầu.
"Các yếu tố chính cho sự phát triển kinh tế của Mỹ không phụ thuộc nhiều vào việc áp thuế cao với Trung Quốc, mà nhờ chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp do Tổng thống Trump thúc đẩy từ đầu nhiệm kỳ, cũng như sự điều chỉnh các nghị định môi trường. Vẫn còn phải chờ xem liệu thỏa thuận thương mại này thực sự sẽ mang lại sự hồi sinh kinh tế hơn nữa của Mỹ", ông kết luận.