Giấc mộng về một châu Âu thống nhất đã chấm dứt?

Báo chí châu Âu gần đây đã đưa nhiều tin, bài về nỗ lực của Pháp và Đức trong việc tìm kiếm một giải pháp cấp thiết để bình ổn Khu vực đồng euro. Theo nhận định của báo Le Monde (Pháp), giải pháp này sẽ tuân theo "một lôgích đơn giản", thể hiện trên 3 khía cạnh: (1) hội nhập lớn hơn về thuế; (2) hội nhập thuế này sẽ tạo ra một liên kết chặt chẽ nhất giúp khu vực đồng euro phát hành trái phiếu châu Âu; (3) qua đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể can thiệp làm “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng đang bao trùm các thị trường tài chính bằng việc mua lại các trái phiếu này.

Giải pháp trên trước hết là nhằm đẩy nhanh việc giải quyết khủng hoảng mà chưa cần thay đổi Hiệp ước Lixbon, vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian để thực hiện. Tiếp đến là tìm ra biện pháp thực thi dễ dàng và nhanh chóng các thỏa thuận song phương, cho phép can thiệp mau lẹ trong bối cảnh việc sửa đổi các hiệp ước bị kéo dài và khủng hoảng không thể kết thúc trong ngắn hạn.

Xét tới ECB, cần lưu ý là ngân hàng này sẽ có một vị trí độc lập hạn chế do chỉ là nhà cho vay cuối cùng, đúng như bản chất của mọi ngân hàng trung ương. Việc cho vay này chỉ được xem xét thực hiện vì lý do kỷ luật ngân sách đối với các nước thuộc Khu vực đồng euro. ECB sẽ chỉ can thiệp khi đã hội tụ đủ các điều kiện liên quan đến các chính phủ, bởi ngân hàng này chỉ nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh lợi ích tập thể.

Tuy nhiên, vấn đề thực sự lại nằm ở phạm vi ảnh hưởng của lôgích nêu trên. Có hai giả thuyết được dư luận và giới phân tích nhắc tới nhiều nhất: Một là theo lôgích Schengen, nghĩa là các nước đã sẵn sàng tuân thủ các điều khoản bắt buộc của một hiệp ước ổn định mới có thể ký kết và sau đó tiếp nhận thêm các nước còn chưa sẵn sàng tuân thủ các điều khoản bắt buộc của một hiệp ước ổn định mới. Hai là theo một khuôn khổ pháp lý được xây dựng xung quanh hai nòng cốt là Pháp và Đức.

Trong cả hai trường hợp đều có thể rút ra một kết luận: Số nước thành viên khu vực euro sẽ không còn giữ nguyên như hiện nay và vì vậy, khuôn khổ của một "châu Âu tiền tệ nhiều tốc độ" cũng vì thế xuất hiện. Không thể có chuyện một khu vực tiền tệ tồn tại với một đồng tiền duy nhất nhưng có nhiều luật chơi. Hệ quả là nước nào không chịu ký kết hiệp ước mới sẽ mất luôn sự trợ giúp của ECB cũng như mọi lợi ích khác mà họ có thể có nếu tham gia Khu vực đồng euro.

Còn nếu ký kết thì sao? Để được lưu lại trong Khu vực đồng euro, nước đó sẽ phải cam kết tuân thủ một kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt trong một thời gian dài, đồng thời phải thực hiện hàng loạt cam kết khắc nghiệt khác. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng sống chung cùng suy thoái kéo dài khi mà các giải pháp chưa thể phát huy tác dụng trong thời gian ngắn. Vậy nỗ lực cần để thỏa mãn các cam kết này có nhận được sự đồng tình của các tầng lớp dân chúng?

Tình hình châu Âu có thể diễn biến rất nhanh khi các định hướng quyết định cho Khu vực đồng euro sẽ phải được đưa ra tại Hội nghị cấp cao châu Âu vào ngày 9/12 tới. Khuôn khổ mới của tiền tệ châu Âu liệu có thực sự được ưu tiên? Nếu đúng, các cam kết về một kỷ luật ngân sách sẽ được chú ý tăng cường và sự suy thoái phát sinh từ đó cũng sẽ sâu sắc và kéo dài hơn. Điều gì sẽ xảy ra với các nước không tham gia luật chơi mới và đó sẽ là những nước nào? Các nước này sẽ chi tiêu bằng đồng tiền nào? Liệu họ có nhận được trợ giúp của ECB hay không? Toàn bộ hệ thống tài chính Khu vực đồng euro rồi sẽ gánh chịu hậu quả gì? Chỉ thực tế mới có câu trả lời cho những vấn đề đã nêu. Và "giấc mộng" về một châu Âu thống nhất có vẻ như đã chấm dứt.

Nguyễn Tuyên
(P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN