G20 cần tập trung hơn vào các chương trình phát triển toàn cầu

Các tổ chức phát triển toàn cầu mới đây đã kêu gọi giới lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đẩy mạnh việc thực hiện cam kết cải thiện tình hình an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời tìm ra các biện pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho những tầng lớp nghèo nhất của xã hội. Người đứng đầu tổ chức InterAction, Samuel Worthington, nói: "Thách thức đối với G20 là họ phải có cái nhìn rộng hơn cuộc khủng hoảng hiện nay để hướng tới đảm bảo một sự thịnh vượng rộng rãi hơn".

Thách thức đối với G20 là họ phải có cái nhìn rộng hơn cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 3-4/11 ở Cannes (Pháp), bên cạnh chủ đề nóng là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, các nhà lãnh đạo còn quan tâm tới việc tìm ra các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng giá lương thực toàn cầu không ngừng "leo thang" và cách thức mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổng thống Pháp, Nicholas Sarkozy đã kêu gọi các nước phải đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng giá lương thực tăng cao và phát triển cơ sở hạ tầng. Ông cũng đề nghị tỷ phú Bill Gates, người đã từng có những đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu thông qua các chương trình từ thiện, đưa ra những ý tưởng nhằm nâng cao nguồn lực cho các nước nghèo.

Báo cáo do ông Gates soạn thảo đã đưa ra đề xuất đánh thuế giao dịch tài chính, thuốc lá, vận tải đường biển và nhiên liệu hàng không, nhằm huy động thêm vốn vào các quỹ viện trợ. Tuy nhiên, việc đánh thuế giao dịch tài chính là một vấn đề "khó nhằn" và gặp phải sự phản đối của các nước như Canađa, Anh, Mỹ, Ôxtrâylia và Trung Quốc, bởi nó đặt thêm gánh nặng vào các ngân hàng lớn. Trong khi đó, Chính phủ Pháp, Đức và Áo lại ủng hộ đề xuất này. Trong dự thảo trên, tỷ phú Gates dự kiến rằng nếu đánh thuế 0,1% vào cổ phiếu và chỉ 0,02% vào trái phiếu thì các quỹ cứu trợ của G20 sẽ huy động thêm được khoảng 48 tỷ USD.

Trong bài phát biểu trên tờ Washington Post số ra mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert Zoellick cho biết không khí "u ám" đang bao trùm nền kinh tế thế giới không chỉ bởi thâm hụt ngân sách gia tăng, các ngân hàng lớn đang gặp khó khăn, mà còn do tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi tăng trưởng GDP của các nước có xu hướng chậm lại. Cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành tại khu vực đồng euro, cùng với việc cắt giảm ngân sách tại Mỹ nhằm giải quyết núi nợ của Chính phủ, chính là những nhân tố hạn chế các khoản viện trợ nước ngoài. Đảng Cộng hòa đã đề xuất cắt giảm 8,6 tỷ USD ngân sách của Chính phủ Mỹ, cùng các khoản viện trợ nước ngoài trong tài khóa 2012 (bắt đầu từ ngày 1/10/2011). Động thái này đã khiến các chương trình phát triển trên thế giới phải "đau đầu" tìm kiếm các nguồn viện trợ mới.

Giám đốc chính sách và phát triển chiến dịch thuộc ActionAid (Mỹ), Neil Watkins thừa nhận ông không mong đợi rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ đạt được những tiến bộ lớn trong vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Viện dẫn một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách lương thực Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, ông Watkins nói rằng hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học tại Liên minh châu Âu và Mỹ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cũng như sự gia tăng các hoạt động kinh doanh hàng hóa, đang làm trầm trọng thêm tình trạng biến động giá thực phẩm thế giới.



Minh Trang (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN