Tỉ phú công nghệ Elon Musk ngày 8/7 tuyên bố chấm dứt hợp đồng 44 tỷ USD mua Twitter. Tuy nhiên, cùng ngày công ty Twitter tuyên bố sẽ vẫn theo đuổi thương vụ, mở ra một cuộc chiến pháp lý có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn và bất định hơn với mạng truyền thông xã hội này.
Sau nhiều tháng dư luận đồn đoán rằng ông Musk có ý định chấm dứt thỏa thuận khủng, các luật sư của vị tỉ phú đã gửi một lá thư đến Twitter lập luận rằng thân chủ của họ có quyền từ bỏ thỏa thuận vì Twitter đã không cung cấp cho ông đủ thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty. Lá thư đính kèm trong hồ sơ của Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ được công bố ngày 8/7 cho biết, ông Musk đang "chấm dứt thỏa thuận hợp nhất của họ”.
Nhưng cùng ngày, hội đồng quản trị của Twitter đã phản pháo lại vị tỉ phú, nói rằng họ sẽ theo đuổi hành động pháp lý để thực thi thỏa thuận đã ký kết. Các chuyên gia pháp lý cho biết sẽ rất khó để ông Musk có thể dứt bỏ thỏa thuận. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng có khoản phí phá hợp đồng trị giá 1 tỷ USD.
Diễn biến vừa qua đã tạo tiền đề cho một cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài trong nhiều tháng và báo hiệu nhiều bất ổn hơn cho một công ty truyền thông xã hội vốn bị ảnh hưởng bởi những biến động về người lãnh đạo, giá cổ phiếu giảm và tinh thần xuống thấp.
Twitter đã chìm vào hỗn loạn kể từ khi Elon Musk công bố ý định tiếp quản công ty vào tháng 4. Các nhân viên, vốn lo sợ bị sa thải và những thay đổi quyết liệt dưới tay nhà tỷ phú, đã đổ xô tìm việc mới khi Musk thường xuyên đăng tải những lời chỉ trích về công ty trên các dòng tweet. Và động thái dứt bỏ thỏa thuận hàng chục tỉ đô của tỷ phú khiến danh tiếng của Twitter càng bị đe dọa.
Giáo sư luật Carl Tobias tại Đại học Richmond cho biết: “Vụ việc đã phá vỡ toàn bộ hoạt động của họ. Sẽ rất khó khăn để Twitter vượt qua điều này."
Elon Musk được biết đến với việc ra quyết định bốc đồng, thường được công bố qua những dòng tweet đăng lúc nửa đêm. Số lượt theo dõi trên Twitter của ông chủ hãng xe điện Tesla đã tăng vọt khi Musk tuyên bố theo đuổi quyền sở hữu Twitter, Gần đây nhất con số này đã tăng vọt hơn 100 triệu người theo dõi. Việc Musk quan tâm đến việc mua Twitter, các thông tin cập nhật về thỏa thuận và quyết định dứt bỏ hợp đồng của ông đều là chủ đề của rất nhiều bàn tán, chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Lá đơn của Musk lên Uỷ ban Chứng khoán Mỹ nêu rõ cáo buộc Twitter đã “thất bại hoặc từ chối” cung cấp thông tin có thể giúp Musk và nhóm của ông xác định số lượng thực sự các tài khoản bot hoặc tài khoản spam trên nền tảng truyền thông xã hội này.
“Đôi khi Twitter đã phớt lờ yêu cầu của ông Musk, đôi khi từ chối vì những lý do dường như không chính đáng và đôi khi họ tuyên bố tuân thủ nhưng lại cung cấp cho ông Musk thông tin không đầy đủ hoặc không thể sử dụng được”, bức thư viết.
Đáp lại, Chủ tịch hội đồng quản trị Twitter Bret Taylor đã đăng tweet khẳng định công ty sẽ theo đuổi hành động pháp lý chống lại Musk. “Hội đồng quản trị Twitter cam kết kết thúc giao dịch theo đúng giá và các điều khoản đã thỏa thuận với ông Musk và có kế hoạch theo đuổi hành động pháp lý để thực thi thỏa thuận sáp nhập”, ông Taylor viết. “Chúng tôi tự tin rằng mình sẽ thắng thế tại Tòa án Delaware.”
Cổ phiếu Twitter đã giảm gần 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ vào ngày 8/7 sau khi tin Musk dứt bỏ hợp đồng được công bố.
Các chuyên gia pháp lý nhận định rằng ông Musk không thể chỉ đơn giản là dứt bỏ thỏa thuận. Thỏa thuận mua lại công ty vào tháng 4 của ông bao gồm cam kết thực hiện việc mua lại với điều kiện cấm công ty có thay đổi lớn đối với hoạt động kinh doanh trước khi được tiếp quản và các chuyên gia pháp lý cho rằng ngưỡng đó rất khó chứng minh trước tòa.
Ông Musk trước đây từng đe dọa sẽ huỷ bỏ thỏa thuận nếu Twitter không cung cấp cho ông thêm dữ liệu để chạy phân tích của riêng ông về số lượng tài khoản rác, trong khi Twitter cho biết họ không thể từ bỏ thông tin cá nhân của người dùng như tên, email của họ. và địa chỉ IP, vốn cần đến để đưa ra số tài khoản bot.
Trong bức thư ngày 8/7, Elon Musk cáo buộc Twitter "vi phạm nghiêm trọng" các điều khoản trong thỏa thuận, đưa ra những tuyên bố "sai lệch và gây hiểu lầm" và cũng trích dẫn khả năng xảy ra "tác động bất lợi nghiêm trọng" - thường có nghĩa là một thay đổi đáng kể sẽ ảnh hưởng đến giá trị của công ty.
Trong thư, Elon Musk cũng đề cập đến vấn đề tài chính của công ty như một lý do tiềm năng để rút khỏi thỏa thuận, trích dẫn điều mà ông mô tả là “triển vọng kinh doanh và triển vọng tài chính đang giảm sút” của Twitter.
Musk lập luận trong bức thư gửi cho công ty rằng Twitter đã phá vỡ thỏa thuận không thay đổi đáng kể hoạt động kinh doanh của mình sau khi thỏa thuận được ký kết khi "sa thải" hai giám đốc điều hành cấp cao vào tháng 5 và tiến hành sa thải nhóm tuyển dụng vào tháng 7.
Tháng 4 năm nay, tỉ phú Musk đã gây chấn động thế giới mạng xã hội khi tiết lộ kế hoạch mua Twitter và tập hợp một nhóm lớn các nhà đồng đầu tư, đồng thời tận dụng tài sản cá nhân của mình để có được nguồn vốn cần thiết hoàn thành thương vụ. Nhưng ngay sau tuyên bố tiếp quản của ông, đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu đã làm xói mòn giá trị tài sản ròng của Musk, đồng thời khiến giá mua cổ phiếu là 54,20 USD của ông trở thành một sự định giá quá cao đối với Twitter.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho biết ông Musk đã dựa vào về vấn đề tài khoản bot chỉ đơn giản là để tìm lý do để thoát ra khỏi thứ mà ông coi là một thỏa thuận tồi.
Trên thực tế, các nhà phân tích ở Phố Wall đã hoài nghi rằng Musk sẽ hoàn tất thương vụ này trong những tháng qua. Giá cổ phiếu của Twitter giao dịch ở mức khoảng 37 USD vào ngày 8/7, giảm gần 30% so với mức 52 USD được giao dịch vào thời điểm Musk ra thông báo mua công ty.