Đối đầu Mỹ - Trung 'hứa hẹn' sẽ rất gay cấn

Theo "Báo Độc lập" (Nga), Mỹ đang có dấu hiệu giảm dần sự quan tâm đối với "Mùa Xuân Arập". Trong chiến lược đối ngoại mới, Washington chỉ còn lưu tâm tới khu vực Cận Đông, trong đó trọng tâm là vấn đề hạt nhân Iran, xung đột Palestine - Israel và tình hình Syria.

Được đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ có nhiều chương hồi gay cấn. Ảnh: reepedia.com


Theo Trợ lý Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia và cũng là kiến trúc sư trưởng chính sách đối ngoại sửa đổi của Mỹ, bà Susan Rice, lợi ích chiến lược và các khả năng của Mỹ sẽ dịch chuyển sang châu Á.

Trong một phát biểu trước giới báo chí mới đây, bà Susan Rice cho biết Mỹ không đủ sức bao quát một khu vực trong suốt 24 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định hiện là thời điểm tốt để có bước thoái lui khỏi Trung Đông và Bắc Phi, sau khi xem xét lại hình ảnh và lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Cách tiếp cận mới của Mỹ là tránh bị lôi kéo sâu vào các sự kiện diễn ra ở Trung - Cận Đông như thời của cựu Tổng thống George W. Bush.

Nhóm soạn thảo chiến lược đối ngoại sửa đổi của Mỹ với 5 chuyên gia hàng đầu về ngoại giao có nhiệm vụ tìm đáp án cho 4 câu hỏi: lợi ích cơ bản của Mỹ tại Trung - Cận Đông là gì? Các chấn động ở thế giới Arập đã làm thay đổi vị thế của Mỹ ra sao? Tổng thống Obama có thể đạt được điều gì thực tế ở Trung - Cận Đông? Và điều gì nằm quá tầm với của Mỹ?

Theo đó, các nhà chiến lược của Mỹ đề nghị giữ lại 3 vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự ở Trung - Cận Đông và loại bỏ dần các khu vực xung đột xuống hàng thứ yếu. Bằng cách này Mỹ có thể thực hiện được lời hứa của ông Obama khi nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất rằng Mỹ sẽ thu hẹp dần sự hiện diện ở khu vực.

Theo chiến lược đối ngoại sửa đổi, Mỹ sẽ không áp dụng vũ lực trong xử lý các vấn đề khu vực, ngoại trừ các trường hợp phải phản ứng trước các hành động đe dọa trực tiếp Mỹ hoặc các đồng minh, làm gián đoạn hoạt động cung cấp dầu mỏ; hoặc phản ứng trước hoạt động khủng bố hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chiến lược này cũng không xem xét việc "xuất khẩu" dân chủ là một trong những ưu tiên đối ngoại.

Cách tiếp cận này của Mỹ là sự thay đổi tương đối căn bản đường lối đối ngoại của Washington, khi năm 2011 ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ dân chủ, nhân quyền và thị trường tự do bằng mọi biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao và các công cụ chiến lược khác hiện có.

Lời thừa nhận của ông Obama trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua về việc Mỹ có rất ít khả năng đạt được các mục tiêu này nếu chỉ dựa vào các hành động quân sự đơn phương của Mỹ là một bước đi mở đường cho sự thay đổi chiến lược hiện nay.

Nhìn nhận về vấn đề này, một số chuyên gia Mỹ khẳng định đường lối ngoại giao mới sẽ không bảo vệ được Mỹ trước các hiểm họa ở Trung - Cận Đông. Một số khác cho rằng Washington đã đúng khi tập trung nỗ lực vào Iran và Trung Đông, song đã sai lầm khi bỏ qua Ai Cập.

Nhà Trắng thời gian gần đây đã phải công khai thừa nhận "Mùa Xuân Arập" không dẫn tới điều gì tốt đẹp. Thay vì ánh bình minh dân chủ, khu vực này đón chào ngày mới bằng hỗn loạn, khủng bố và cướp bóc. Mỹ thực sự không đủ sức kiểm soát tình hình, thậm chí không xác định được sẽ phải chiến đấu với thế lực cụ thể nào ở khu vực.

Một số cho rằng cần phải rút hết sự can thiệp của Mỹ vì trước sau Mỹ cũng phải về tay trắng. Thay vì tập trung vào Trung - Cận Đông, Mỹ nên chuyển hướng sang châu Á, nơi có kẻ thù tiềm tàng, cụ thể là vai trò đang lên của Trung Quốc.

Các nhà quan sát quốc tế nhận định động cơ thay đổi đường lối ngoại giao của Nhà Trắng là việc chuyển trọng tâm sang châu Á. Cuộc khủng hoảng ngân sách đã buộc ông Obama phải hủy chuyến thăm lịch sử đến Đông Nam Á và lỡ hẹn tại diễn đàn APEC được tổ chức tại Indonesia. Đây được coi là món quà vô giá Mỹ đã "biếu không" Trung Quốc khi để Bắc Kinh tự do độc diễn vai nhạc trưởng trên vũ đài quan trọng này.

Việc cần thiết phải quay trở lại châu Á đã được cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu ra từ năm 2011, khi cho rằng nhiệm vụ số 1 của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc, đối thủ kinh tế và quân sự quan trọng nhất của Mỹ hiện nay. Trong chiến lược này, Mỹ xem xét củng cố hợp tác quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc, tăng cường hiện diện quân sự ở gần Trung Quốc, kiểm soát vịnh Malacca, mở rộng hợp tác chiến thuật với Việt Nam, Australia và khởi động lại dự án Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương đã được nêu ra từ năm 2006.

Các nhà quan sát cùng có chung nhận định rằng các bước đi gần đây của Mỹ cho thấy vở kịch đối đầu Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu và hứa hẹn sẽ còn rất nhiều chương hồi gay cấn.


Thanh Tú

Trung Đông: Mỹ rút đi, Nga tiến đến
Trung Đông: Mỹ rút đi, Nga tiến đến

Tờ "Sunday Times" của Israel ngày đưa tin: Moskva đang nhắm đến việc tiếp cận quyền sử dụng các cảng của Ai Cập phục vụ cho mục đích quân sự, trong bối cảnh “Mỹ đang thoái lui trên khắp Trung Đông”.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN