Diễn đàn Davos 2018: 'Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt'

Bản thân chủ đề của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018 tại Davos (Thụy Sĩ) cũng đã nêu lên đầy đủ nhất bản chất, thực trạng của thương mại toàn cầu hiện nay.

Tổng thống Trump Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là sự khác biệt giữa tư tưởng duy trì chủ nghĩa bảo hộ với quan điểm thúc đẩy tự do hóa thương mại. Bất đồng này, cùng với sự chia rẽ do gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia và phân hóa sâu sắc do bất bình đẳng trong từng quốc gia, đang trở thành thách thức cản trở sự phát triển bền vững.

Mỹ và phần còn lại

Tuy là nơi để thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng trên thực tế WEF 2018 lại là diễn đàn mang tính chính trị nhất thế giới, khi quy tụ hơn 3.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, trong đó có 70 nguyên thủ.

Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục khả quan sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm. Tuy vậy, viễn cảnh kinh tế thế giới năm nay chưa hẳn đã là tươi sáng. Thế giới vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia.

Từ “rạn nứt” trong chủ đề của WEF 2018 cho thấy thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, những trục trặc trong quan hệ giữa các cường quốc có dấu hiệu gia tăng: nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), quan hệ giữa Mỹ và các cường quốc như Trung Quốc, Nga ở trạng thái “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, trong khi quan hệ đồng minh “Chú Sam” và EU cũng xuất hiện những khác biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Việc Tổng thống Trump trở thành tâm điểm của WEF 2018 không có gì là khó hiểu khi sau 18 năm mới lại có một tổng thống đương nhiệm của Mỹ tới Thụy Sĩ tham dự diễn đàn này, lại là ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ. Thêm vào đó, ông Trump và phần còn lại tại WEF 2018 hiện thân cho những điều trái ngược nhau, một bên chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, một bên bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác và toàn cầu hóa.

Kể từ khi lên nắm quyền (tháng 1/2017), chính sách thương mại có xu hướng khép kín của Tổng thống Trump đã làm thay đổi nhiều quan hệ kinh tế trên thế giới. Ông Trump thậm chí còn rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được thông qua dưới thời chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama. Đây là lý do trong bài phát biểu tại WEF 2018, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã kêu gọi các cường quốc và các doanh nghiệp nỗ lực để toàn cầu hóa phục vụ đông đảo người dân thay vì chỉ mang lại lợi ích cho một số người. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng “toàn cầu hóa đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng và thách thức toàn cầu này cần một nỗ lực giải quyết toàn cầu”. Ông kêu gọi những người bị toàn cầu hóa bỏ lại phía sau phải được bảo vệ, còn các cường quốc lẫn doanh nghiệp trên thế giới phải làm cho xu hướng này đem lại lợi ích cho số đông.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng địn: “Tự đóng cửa, tự cô lập không đưa chúng ta đến tương lai tốt đẹp. Chủ nghĩa bảo hộ không phải là lời giải đáp. Chúng ta nên tìm kiếm những giải pháp đa phương chứ không phải đơn phương vì chúng cuối cùng sẽ chỉ đem lại sự cô lập và bảo hộ”. Ở bên ngoài hội nghị, bầu không khí cũng “nóng" không kém khi hàng nghìn người diễu hành qua các đường phố Davos để phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Tìm cách củng cố niềm tin

Thế nhưng, Tổng thống Trump có vẻ không muốn “đối đầu”, mà chỉ làm rõ hơn về chính sách của Washington khi khẳng định ủng hộ tự do thương mại công bằng. Khác hẳn mọi khi, tông giọng của ông lần này rất ôn hòa và chỉ tập trung vào việc kêu gọi thế giới bên ngoài đầu tư vào Mỹ, làm giảm không khí căng thẳng vốn được dự báo có thể tạo ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa một bên ủng hộ thương mại tự do và một bên là chủ nghĩa bảo hộ.

Trước các nhà lãnh đạo tài chính thế giới, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh “Xứ Cờ hoa” mở cửa cho kinh doanh, nhưng không làm ngơ trước những hành vi thương mại thiếu công bằng như đánh cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp nông nghiệp và lạm dụng thương mại. Theo ông, “những hành vi này và nhiều động thái khác đang bóp méo thị trường toàn cầu, làm tổn hại đến doanh nghiệp, người lao động không chỉ ở Mỹ mà còn trên thế giới”, do đó Washington sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Ông Trump nói: “Chúng tôi ủng hộ thương mại tự do, nhưng nó cần phải công bằng, và cần phải có sự đối ứng”. Một  khẩu hiệu mới của Tổng thống Trump được đưa ra: “Nước Mỹ trước tiên, không phải là nước Mỹ một mình”.

Rõ ràng với hàng loạt tuyên bố như trên, Tổng thống Trump đang cố gắng làm giảm bớt những lo ngại của thế giới về khả năng chủ nghĩa bảo hộ Mỹ tăng cao, dù vẫn bảo vệ chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”. Với mong muốn xây dựng quan hệ "đối tác và hữu nghị" với các nước trên thế giới, giờ đây ông Trump đã mềm dẻo hơn rất nhiều so với những quan điểm cứng rắn trước đó về việc “Chú Sam” sẵn sàng phát động “cuộc chiến thương mại” nếu bị gây thiệt hại kinh tế.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại song phương "mang lại lợi ích chung" với các nước trên thế giới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thay thế TPP, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hợp tác hướng tới các mục tiêu chung.

Có thể thấy nhiệm vụ của Tổng thống Trump lần này không dễ dàng gì khi phải thuyết phục các lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp có mặt tại WEF 2018 rằng quan điểm bảo hộ thương mại của ông là phù hợp với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Davos vừa qua có thể coi là tín hiệu tích cực đầu tiên của sự sẵn sàng hóa giải những chia rẽ, bất đồng để hướng tới mục tiêu đối phó với thách thức chung. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm những lợi ích và giá trị chung cũng chính là yếu tố để các quốc gia nhìn nhận lại và nỗ lực hơn nữa trong việc định hình vai trò của mình trong mọi vấn đề.

Thanh Phương (TTXVN)
Video ‘tàu ma’ Triều Tiên đầy xác người dạt bờ Nhật Bản
Video ‘tàu ma’ Triều Tiên đầy xác người dạt bờ Nhật Bản

Những chiếc tàu gỗ nhỏ chất đầy thi thể ngư dân, được cho là những người đánh cá Triều Tiên, liên tục dạt vào bờ Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN