Theo tờ Washington Post, hai cuộc bỏ phiếu này đã khép lại quá trình điều tra kéo dài hàng tháng trời mà Hạ viện thực hiện xung quanh cáo buộc Tổng thống Trump gây sức ép với Ukraine để giành lợi thế chính trị trước đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp tới.
Hai cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện
Hạ viện Mỹ ngày 18/12 đã thảo luận hai điều khoản luận tội. Điều thứ nhất cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực bằng cách lợi dụng tiền thuế của dân và ngân sách chính phủ liên bang để mưu lợi chính trị cho cá nhân. Điều thứ hai cáo buộc ông cản trở cuộc điều tra của quốc hội nhằm vào hành vi của ông trong vấn đề Ukraine.
Các nghị sĩ Cộng hòa gần như đồng loạt cáo buộc phe Dân chủ kiếm cớ luận tội Tổng thống. Trong khi đó, phe Dân chủ cho rằng hành động của ông Trump trong vấn đề Ukraine cần phải bị luận tội.
Cả hai điều khoản đều được Hạ viện thông qua, có nghĩa là Tổng thống Trump đã bị luận tội. Điều về lạm dụng quyền lực được thông qua với 230 phiếu thuận, 197 phiếu chống. Điều về cản trở quốc hội được thông qua với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống.
Tuy nhiên, Hạ viện không thể phế truất Tổng thống Trump. Thượng viện mới là bên quyết định chuyện đó.
Hiến pháp Mỹ quy định thế nào về luận tội?
Tổng thống bị Hạ viện luận tội vẫn có thể làm tổng thống. Thượng viện sẽ là bên tổ chức xét xử để quyết định xem tổng thống có bị phế truất không.
Hai tổng thống từng bị Hạ viện luận tội là Bill Clinton và Andrew Johnson đều được Thượng viện tuyên trắng án.
Hiến pháp Mỹ chỉ quy định Thượng viện phải tổ chức xét xử, các thượng nghị sĩ đóng vai trò thành viên bồi thẩm đoàn, các hạ nghị sĩ đóng vai trò công tố viên. Họ phải bỏ phiếu công khai và nếu 2/3 thượng nghị sĩ có mặt đồng ý kết án và phế truất thì điều đó mới xảy ra với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ không nói rõ phải tổ chức xét xử thế nào.
Phiên xét xử ở Thượng viện sẽ thế nào?
Quy định mà Thượng viện thông qua những năm 1980 đưa ra một số hướng dẫn, nhưng vấn đề thực sự quan trọng như ai làm nhân chứng, bằng chứng ra sao sẽ do các thượng nghị sĩ quyết định.
Phiên tòa gần đây nhất là phiên tòa xét xử ông Clinton, trong đó không cho phép đưa ra bằng chứng và chỉ có lời khai ghi âm của các nhân chứng quan trọng. Phiên tòa được coi là ví dụ hợp tác lưỡng đảng thành công khi phe Cộng hòa phối hợp với phe Dân chủ để xét xử công bằng nhất có thể.
Đa số thượng nghị sĩ sẽ phải thống nhất quy tắc cho phiên tòa xét xử Tổng thống Trump. Lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Charles E. Schumer có thể sẽ thỏa hiệp trước về việc gọi nhân chứng nào tới để tránh tranh cãi kịch liệt trong khi xét xử.
Tuy nhiên, họ có quan điểm rất khác nhau về cách thực hiện. Ông Schumer cho biết ông muốn mời nhân chứng thân cận với Tổng thống như quyền Chánh văn phòng nội các Mick Milvaney hay cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Trong khi đó, ông McConnell không muốn có nhân chứng.
Mặc dù phiên xét xử ở Thượng viện nằm trong tay đảng Cộng hòa nhưng một số nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện đang tìm cách gây ảnh hưởng. Có tới trên 30 người chưa muốn đưa hai điều luận tội ra Thượng viện ngay. Mục đích là để trì hoãn phiên xét xử mà Tổng thống Trump muốn thực hiện để làm trong sạch tên tuổi. Mục đích cũng có thể là để gây sức ép buộc phe Cộng hòa mời nhân chứng gây bất lợi cho ông Trump.
Giả sử hai điều luận tội được đưa ra Thượng viện luôn, các nghị sĩ Thượng viện sẽ thống nhất ngày xét xử. Có thể là vào tháng 1/2020. Các thượng nghị sĩ sẽ tuyên thệ công tâm và làm việc 6 ngày/tuần cho tới khi bỏ phiếu về hai điều luận tội.
Nếu có nhân chứng, các thượng nghị sĩ sẽ hỏi họ dưới dạng văn bản và Chánh án Tòa án Tối cao John G. Roberts Jr. sẽ đọc câu hỏi.
Tổng thống có thể chọn luật sư và kiểm tra chéo nhân chứng. Chánh án Robert có thể bác bỏ một số điều diễn ra trong xét xử mà ông cảm thấy sai quy tắc, nhưng các thượng nghị sĩ có thể bác bỏ ý kiến của Chánh án thông qua bỏ phiếu.
Nếu Tổng thống Trump bị kết tội dù chỉ một điểm thì theo Hiến pháp, ông cũng bị phế truất. Thượng viện có thể bỏ phiếu ngăn ông không bao giờ được tranh cử nữa.
Khả năng Thượng viện kết án Tổng thống Trump?
Khả năng này là thấp. Phe Cộng hòa ở Thượng viện thể hiện sự đoàn kết lớn trong quy trình luận tội. Không ai bỏ phiếu luận tội.
Bên ngoài quốc hội, Tổng thống Trump khá được lòng cử tri tại những khu vực “thành trì”. Ngoài ra, khó có khả năng các thượng nghị sĩ Cộng hòa đào tẩu hàng loạt để giúp phe Dân chủ có đủ số phiếu phế truất Tổng thống.
Cần có 20 trong 53 thượng nghị sĩ Cộng hòa "quay sang" phe Dân chủ thì mới đủ 2/3 số phiếu mà Hiến pháp yêu cầu.
Theo tờ Washington Post, mới có 14 người thể hiện lo ngại về hành vi của ông Trump trong vấn đề Ukraine ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chỉ có ba người liên tục phản đối ông Trump: Susan Collins ở Maine, Lisa Murkowski ở Alaska và Mitt Romney ở Utah. Ngoài ra, cũng có một số thượng nghị sĩ Dân chủ không đồng tình với đường lối của đảng, như ông Joe Manchin III ở West Virginia.
Tóm lại, khả năng là không đủ số phiếu ở Thượng viện để kết tội Tổng thống Trump nhưng có đủ số phiếu để gây sức ép lãnh đạo Thượng viện xét xử công bằng.