Cuộc trở lại khó khăn của Ngoại trưởng Blinken tới ‘ngôi nhà thứ hai’ Paris

Mối quan hệ thân thiết như "người nhà" của Ngoại trưởng Mỹ với Pháp được kỳ vọng sẽ có giá trị trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng ngoại giao liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm của Mỹ với Australia.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (phải)) đón người đồng cấp Mỹ, Antony Blinken tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp hôm 25/6/2021. Ảnh: AFP

Tiệc chiêu đãi khó có thể ấm áp hơn khi Ngoại trưởng Antony Blinken xuất hiện tại tòa nhà Bộ Ngoại giao ở Paris vào một ngày cuối tháng 6, cùng với người đồng cấp Pháp. 

Ông Blinken khiến khán giả thích thú khi mở đầu bài phát biểu bằng một thứ tiếng Pháp trôi chảy, được truyền thông địa phương sau đó ca ngợi là “tuyệt đối hoàn hảo”, và hồi tưởng về hơn 10 năm sống tại Paris. Ông nói vui về cách mình đã say sưa xem những bộ phim truyền hình Pháp như ““Le Bureau des Légendes” hay “Dix Pour Cent”.

Cuối cùng ông kết luận, Paris là “ngôi nhà thứ hai của tôi”.

Nhưng tuần này, Ngoại trưởng Mỹ sẽ khó có được một cuộc trở lại thân tình như vậy khi ông tham dự hội nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tại Paris, một chuyến đi cho Mỹ cơ hội xoa dịu hơn nữa sự tức giận của người Pháp về cuộc khủng hoảng ngoại giao nhỏ, nổ ra vào tháng trước liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm hàng chục tỉ USD mà Paris để mất về tay Mỹ - Anh.

Giới chức Pháp cảm thấy như mình bị bịt mắt khi truyền thông Australia hé lộ tin Mỹ, Anh sẽ giúp Canberra triển khai một hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân mới, thay thế hợp đồng trị giá 66 tỉ USD mà Australia đã ký với nhà thầu Pháp để nhận về 12 tàu ngầm tấn công chạy diesel.

Quan chức Mỹ và Australia cho rằng, thỏa thuận với Paris bị hủy bỏ một phần là do tàu ngầm diesel của Pháp có tầm hoạt động ngắn, dễ bị phát hiện hơn so với các tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ và Anh có thể cung cấp.

Bất chấp lời giải thích đó, Paris rất thất vọng về sự phản bội và cú “đâm sau lưng”. Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ trong vài ngày.

Chú thích ảnh
Minh họa tàu ngầm Shortfin Barracuda mà Pháp dự định cung cấp cho Australia, theo hợp đồng đã bị hủy bỏ. Ảnh: Guardian

Lúc này cơn giận đã nguôi ngoai phần nào. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã gọi cho người đồng cấp Macron, ông Blinken thì cam kết Mỹ có thể giải quyết vấn đề theo cách nhẹ nhàng hơn, và Đại sứ Pháp đã trở lại Washington.

Nhưng theo những người thân cận, thì tranh cãi ngoại giao đã ảnh hưởng nặng nề đến Blinken vì ông gắn bó sâu sắc với nước Pháp. Mẹ của Ngoại trưởng Blinken hiện vẫn sống ở Paris, bà chính là chủ bữa tiệc vinh danh con trai trong chuyến thăm của ông hồi tháng 6. Ông Blinken cũng dành nhiều tình cảm cho đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp, hầu như không bỏ sót những trận đấu quan trọng.

Việc ông đến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp đã được người Pháp chào đón như một sự bảo đảm rằng Paris sẽ đứng hàng đầu trong cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden về xây dựng lại liên minh Tây Âu, vốn đã bị xói mòn dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Dan Baer, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie Vì Hòa bình thế giới, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét: “Tôi chắc rằng khi Ngoại trưởng Blinken nhậm chức, ông ấy không nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Pháp lại nằm trong danh sách việc cần làm ngay trong năm đầu tiên”.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Blinken trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào tháng 9. Ảnh: New York Times

Anthony Blinken đã không quá lời khi nói Paris là ngôi nhà thứ hai của mình. Sau khi mẹ ông, bà Judith Blinken kết hôn lần thứ hai vào năm 1971 với Samuel Pisar – một chính trị xuất sắc người Pháp gốc Ba Lan, bà đã mang cậu bé Antony 9 tuổi tới sống cùng ở Paris.

Bà Judith nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng tại thủ đô nước Pháp. Từng là giám đốc âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Brooklyn, bà đã xây dựng danh tiếng như một đại sứ văn hóa ở Paris, giúp thúc đẩy các tổ chức như Trung tâm Mỹ ở Paris (hiện đã đóng cửa). Tờ Chicago Tribune từng mô tả Judith Blinken là người nói tiếng Pháp hoàn hảo, "ăn vận mang phong thái và sự tự tin bẩm sinh của phụ nữ Pháp”.

Antony Blinken theo trường trường song ngữ École Active Bilingue, nằm cách không xa Khải Hoàn Môn ở Paris. Ông nhanh chóng thành thạo tiếng Pháp và hòa nhập vào nền văn hóa trong khi vẫn duy trì nguồn gốc Mỹ của mình. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times hồi tháng 6, Ngoại trưởng Blinken gọi thời gian ở Paris là “một trải nghiệm thay đổi cuộc đời”, cho phép ông có thể “quan sát đất nước mình từ một góc nhìn khác. Và đó là một điều rất mạnh mẽ”.

Antony Blinken rời Pháp vào năm 1980 khi theo học Đại học Harvard và trường Luật Columbia, sau đó quay lại làm việc trong 2 năm tại một công ty luật ở Paris.

Mặc dù người Pháp có thể cảm thấy nhức nhối vì ông đã không cảnh báo họ về thỏa thuận tàu ngầm với Australia, sự kết nối thân tình của Blinken với Paris là một tài sản, khi chính quyền Tổng thống Biden tìm mọi cách xoa dịu căng thẳng đang hủy thoại các cuộc đàm phán tái xây dựng liên minh với Tây Âu.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Blinken đang là cầu nối giữa Washington và Paris. Ảnh: FT

Các quan chức Mỹ cho rằng ông Blinken đóng vai trò là người hòa giải vô giá giữa Nhà Trắng và Điện Elysee, với nhiều cuộc trò chuyện thực hiện phần lớn bằng tiếng Pháp. “Không ai giỏi hơn Blinken trong đối phó với cuộc khủng hoảng đó và xử lý nó một cách chân thành, nhằm mục đích xây dựng lại lòng tin”, chuyên gia Bael nhận xét.

Tháng trước, Ngoại trưởng Blinken đã gặp người đồng cấp Le Drian bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông cũng gặp Đại sứ Pháp, Phillipe Étienne, hôm 1/10, hai ngày trước khi khởi hành tới Paris, nơi ông sẽ gặp lại ông Le Drian vào 5/10, và có thể cả Tổng thống Macron.

Một số quan chức và nhà phân tích Mỹ đã đặt câu hỏi, liệu sự phẫn nộ của Pháp có mang tính chiến lược hay không, khi Tổng thống Macron đối mặt với chiến dịch tái tranh cử vào mùa xuân 2022 và thỏa thuận tàu ngầm Paris-Canberra đã lung lay từ trước khi Mỹ và Anh có liên quan. 

Mặc dù vậy, trong chuyến thăm của mình, Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ đề nghị với Pháp những hỗ trợ mới của Mỹ, có thể bao gồm cả hoạt động chống khủng bố ở khu vực Sahel của châu Phi, nơi ông Macron đã tìm cách giảm bớt sự can dự của Pháp.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ông hiểu rằng việc khắc phục hoàn toàn vụ việc “sẽ mất nhiều thời gian, công sức, và sẽ được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà là hành động”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Lý do gây sốc thỏa thuận tàu ngầm mới của Australia chỉ lãng phí tiền 
Lý do gây sốc thỏa thuận tàu ngầm mới của Australia chỉ lãng phí tiền 

Tàu ngầm là “kẻ săn mồi” thống trị đại dương trong nửa thế kỷ qua. Nhưng những ngày huy hoàng của nó có thể sớm kết thúc – theo dự báo của các chuyên gia Australia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN