Đây đều là những chính trị gia lão luyện, đã từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng cả trong chính quyền và LDP. Sát ngày bầu cử, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga là ứng cử viên được công chúng ủng hộ nhiều nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo của nước này.
Người đầu tiên thông báo ra tranh cử chức chủ tịch LDP là ông Kishida, năm nay 63 tuổi và đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị ở tỉnh Hiroshima, ông Kishida được bầu vào hạ viện lần đầu tiên năm 1993. Thường được biết đến là một người có tính cách thân thiện, ông Kishida đã đảm đương nhiều vị trí dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, như Quốc vụ khanh phụ trách Vùng lãnh thổ phương Bắc hay Quốc vụ khanh phụ trách cải cách thể chế. Khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền năm 2012, ông Kishida đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và giữ vị trí này cho đến tháng 8/2017.
Không chỉ đảm đương nhiều vị trí khác nhau trong nội các của Thủ tướng Abe, ông Kishida được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với vị thủ tướng này. Năm 2018, ông đã không ra tranh cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch LDP để dồn phiếu cho ông Abe. Vì vậy, thời gian qua, ông Kishida đã nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế thủ tướng, với chiến lược tranh cử tập trung vào việc cân bằng giữa các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời duy trì quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ như một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, ông Kishida không giành được sự ủng hộ của công chúng. Chính trị gia này thường tụt hậu trong các cuộc thăm dò dư luận về người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Abe. Bên cạnh đó, ông Kishida cũng không thể hiện được nhiều khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP - một vị trí khá quan trọng trong nội bộ đảng cầm quyền.
Ở chiều ngược lại, ứng cử viên Ishiba, người từng giữ chức Tổng Thư ký LDP, lại là con người của công chúng. Ông thường xuyên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Kết quả thăm dò dư luận về người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Abe do hãng tin Kyodo tiến hành ngày 30/8, hai ngày sau khi Thủ tướng Abe từ chức, cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với ông Ishiba lên tới 34,3%, cao hơn nhiều so với các ứng cử viên tiềm năng khác.
Mặt khác, ông Ishiba, năm nay 63 tuổi, cũng có kinh nghiệm chính trường khá phong phú. Là con trai của Thống đốc tỉnh Tottori, ông Ishiba trúng cử vào hạ viện lần đầu tiên năm 1986. Tháng 9/2002, ông đã được bổ nhiệm làm Tổng Cục trưởng Cục Phòng vệ Nhật Bản (nay là Bộ Quốc phòng) dưới thời chính quyền Thủ tướng Junichiro Koizumi và giữ vị trí này trong hai năm. Trong giai đoạn 2007-2009, ông đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời chính quyền Thủ tướng Yasuo Fukuka và Bộ trưởng Nông - Lâm - Ngư nghiệp dưới thời chính quyền Thủ tướng Taro Aso. Bên cạnh đó, ông đã từng giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách giải quyết dân số giảm và vực dậy kinh tế địa phương trong gần 2 năm dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe. Ông Ishiba cũng từng kinh qua vị trí Tổng Thư ký LDP từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2014.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Ishiba cam kết sẽ hỗ trợ các hộ gia đình thông qua các biện pháp trợ giúp kinh tế như giảm gánh nặng về thuế, và hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc chi tiêu tài khóa linh hoạt; tiếp tục nỗ lực hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng hiệu quả của quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.
Tuy nhiên, điểm bất lợi đối với ứng cử viên Ishiba là ông từng rời LDP vào năm 1993 để gia nhập đảng Sinh Tân (JRP) và sau đó là đảng Tân Tiến (NFP) (hai chính đảng này đều đã giải thể) trước khi quay lại LDP vào năm 1997. Ông Ishiba còn được coi là người có tư tưởng chống đối Thủ tướng Abe và từng là đối thủ của ông Abe trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP năm 2018.
Khác với hai ứng cử viên trên, ông Suga, 71 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Akita. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hosei năm 1973, ông đã làm thư ký cho Nghị sỹ Hikosaburo Okonogi trong 11 năm. Tháng 10/1986, ông đã nghỉ việc để theo đuổi sự nghiệp chính trị riêng. Ông đã được bầu vào Hội đồng thành phố Yokohama tháng 4/1987 và được bầu vào hạ viện năm 1996. Ông từng kinh qua một số chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC) dưới thời chính quyền của Thủ tướng Koizumi, Bộ trưởng MIC và Quốc vụ khanh phụ trách cải cách phi tập trung dưới thời chính quyền đầu tiên của Thủ tướng Abe. Sau khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này cho đến nay. Ngoài ra, ông Suga đã từng giữ chức quyền Tổng Thư ký điều hành LDP.
Với phong cách giản dị và gần gũi, ông Suga được coi là “cánh tay phải đắc lực” của Thủ tướng Abe, giúp vị thủ tướng này giải quyết các vấn đề hóc búa trong gần 8 năm cầm quyền. Chính trị gia này đã bắt đầu nổi lên trở thành ứng cử viên tiềm năng để thay cho Thủ tướng Abe vào tháng 4/2019, sau khi ông công bố niên hiệu mới của Nhật hoàng Naruhito.
Quan điểm tranh cử của ông Suga là tiếp nối chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Abe, bảo vệ các cơ sở kinh doanh và việc làm thông qua gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 230.000 tỷ yen (2.200 tỷ USD) mà chính phủ đang triển khai, trong đó có việc trợ cấp cho các cơ sở kinh doanh nhỏ và thúc đẩy du lịch nội địa để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; nỗ lực hướng tới sửa đổi Hiến pháp; tiếp tục hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở với việc coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, điểm yếu của chính trị gia này đó là ông không tham gia bất cứ phái nào trong LDP. Bên cạnh đó, hai trong số các nhân vật mà ông Suga tiến cử, gồm cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai và cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Isshu Sugawara, đều phải nhanh chóng từ chức vì các vụ bê bối. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ông Suga và số phiếu mà chính trị gia này có thể nhận được từ phía các đảng bộ địa phương.
Thông thường, cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch LDP sẽ có sự tham gia của 394 nghị sỹ LDP (không bao gồm những người đứng đầu hạ viện và thượng viện) cùng với 394 đảng viên phổ thông trên toàn quốc. Chương trình vận động tranh cử sẽ kéo dài trong ít nhất 12 ngày. Phương thức bỏ phiếu này được đánh giá có thể sẽ có lợi cho ứng cử viên Ishiba. Tuy nhiên, ban lãnh đạo LDP lo ngại nếu tổ chức như vậy sẽ dẫn tới khoảng trống quyền lực. Vì vậy, LDP đã quyết định tổ chức bỏ phiếu trong phạm vi hẹp, với sự tham gia của 535 người, gồm 394 nghị sỹ thành viên LDP cùng với ba đại diện của mỗi đảng bộ cấp tỉnh (tổng cộng 141 người). Giới chuyên gia nhận định phương thức bỏ phiếu trên đã mang lại lợi thế lớn cho ông Suga khi chính trị gia này nhận được sự ủng hộ của 5 trong tổng số 7 phái trong LDP, trong đó có phái Shisuikai của Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai.
Kết quả thăm dò mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy ông Suga, người đã cam kết tiếp nối các chính sách kinh tế và đối ngoại của Thủ tướng Abe, có thể nhận được sự ủng hộ của ít nhất 304 trong số 394 nghị sỹ LDP, trong đó có gần 260 nghị sỹ thuộc 5 phái lớn nhất trong LDP và 48 nghị sỹ độc lập. Nếu chỉ tính số phiếu từ phía các nghị sỹ, ông Suga đã giành được hơn 50% số phiếu cần thiết để thắng cử. Nếu tính cả số phiếu từ các đảng bộ địa phương, chính trị gia này có thể giành khoảng 70% trong tổng số 535 phiếu. Với phương án tính toán này, nếu không có gì bất ngờ, ông Suga sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP.
Trong bối cảnh đó, mọi sự chú ý giờ đây tập trung vào việc ai sẽ giành vị trí thứ hai trong cuộc đua này. Theo kết quả thăm dò của Kyodo, ông Kishida nhận được sự ủng hộ của 47 nghị sỹ thuộc phái Kochikai cùng với 4 nghị sỹ độc lập, trong khi ông Ishiba chỉ nhận được 19 nghị sỹ thuộc phái Suigetsukai cùng với 8 nghị sỹ độc lập. Tuy nhiên, ông Ishiba có thể nhận được nhiều phiếu hơn từ phía các đảng bộ địa phương.
Theo kế hoạch, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 16/9 để bầu thủ tướng mới. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP gần như chắc chắn trở thành Thủ tướng Nhật Bản vì LDP đang chiếm đa số ghế trong quốc hội. Dư luận hy vọng người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ vững tay chèo để đưa đất nước vượt qua hàng loạt khó khăn và thách thức như dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và già hóa dân số cùng hàng loạt các vấn đề đối ngoại hóc búa khác.